Sau những ngày kiên trì, chịu đựng bao nhiêu vất vả để luyện ngủ cho con, cuối cùng chị Trang cũng đã được hưởng quả ngọt.
Với các mẹ, tiếng khóc của con luôn khiến trái tim mẹ như thắt lại. Thế nhưng vì muốn những điều tốt cho con, mẹ vẫn phải chấp nhận chịu đựng sự nghẹn thắt trong lồng ngực như thế. Câu chuyện luyện ngủ bằng phương pháp Cry It Out (CIO) của hai mẹ con chị Trang (28 tuổi) và bé Bull (hơn 10 tháng tuổi), hiện đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số đó. Nhờ có mẹ kiên trì, nhẫn nại và vững tâm mà bé Bull đã tự ngủ xuyên đêm từ khi mới gần 4 tháng tuổi.
Chị Trang trải qua 2 lần luyện ngủ cho con, trong đó có 1 lần thất bại với rất nhiều bài học kinh nghiệm và 1 lần thành công chỉ sau 2 tuần. Nhật ký luyện ngủ của chị Trang sẽ giống như kim chỉ nam cho các mẹ khác khi bắt tay vào rèn nếp cho bé yêu của mình.
Hăm hở bắt tay luyện ngủ khi con được 1,5 tháng và kinh nghiệm đau thương
Vốn tìm hiểu kiến thức >nuôi dạy con rất kỹ, chị Trang quyết tâm luyện ngủ cho con từ khi con mới lọt lòng. Chị kể lại: "Mình bắt tay vào luyện khi Bull được 1,5 tháng tuổi. Khi đó con toàn phải bế trên tay để ngủ, để xuống giường khoảng 5-10 phút thì bắt đầu khóc. Và con thức giấc liên tục, có hôm mình phải bế cả đêm cho bé ngủ. Mình luyện bằng phương pháp 5S, trong khoảng 2 tuần. Nhưng dù kết quả không thành công, bé cũng dễ ngủ hơn nhiều so với trước, cứ đến giờ đi ngủ mẹ bế vào nôi chỉ cần vỗ mông khoảng 5 phút là bé ngủ. Khi bé thức giấc dậy giữa chừng, mẹ hỗ trợ ti giả và vỗ mông để bé ngủ tiếp".
Kinh nghiệm đau thương khi luyện ngủ không thành công được chị Trang đúc rút lại: "Khi luyện ngủ lần này cho bé, mặc dù mình đã nhờ chồng làm tư tưởng với ông bà nội, nhưng ông bà vẫn không thể tránh được là nghe thấy tiếng cháu khóc thì chạy lên phòng bế và dỗ. Thành ra 2 mẹ con luyện ngủ mà cứ như đi ăn trộm, sợ ông bà nghe cháu khóc mà vào phòng thấy mẹ ngồi không dỗ con. Thêm vào đó, mình cũng không quan sát đúng tín hiệu buồn ngủ của con, thường là con buồn ngủ quá mẹ mới thực hiện đặt con xuống. Lúc đó bé đã ngủ say trên người mẹ, đặt xuống liền thì con thức dậy mà để con ngủ luôn trên vai thì không phải là tự ngủ nữa rồi".
Vì vậy, chị Trang khuyên các mẹ khác, rằng việc luyện ngủ nên được thực hiện độc lập giữa hai mẹ con mà không có sự can thiệp của ông bà hay những người xung quanh. Thêm vào đó, mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ về phương pháp, quan sát kỹ tín hiệu buồn ngủ. Ví dụ như mới bắt đầu luyện nên cho bé đi ngủ sớm hơn giờ ngủ khoảng 10-20 phút để con có thời gian winddown (bế vác thư giãn). Chị Trang cũng cho rằng vì chị bỏ qua nút chờ, đặt xuống con khóc là chị vỗ lưng và hỗ trợ ti giả luôn nên thất bại. Các mẹ khi luyện cho con hãy để con có thời gian khóc rồi hẵng thực hiện trấn an.
Kiên trì áp dụng CIO, thành công sau 2 tuần
Sau lần 1 thất bại, rút ra được những nguyên nhân, chị Trang vẫn quyết tâm luyện ngủ lại cho con để đạt được kết quả tốt nhất. Lần này, bé Bull được 3 tháng tuổi, 2 mẹ con đã lên Thành phố Hồ Chí Minh với ba. Trước khi bắt đầu luyện, chị Trang cũng nói rõ với ba bé về phương pháp để tránh bé khóc lại xót quá ngưng giữa chừng.
"Tình trạng của con khi này là đến giờ đi ngủ, mẹ cho vào nôi và vỗ mông để ngủ nhưng bé cứ thức chơi mặc dù đã rất buồn ngủ. Mẹ đi ra khỏi phòng thì lại khóc, có khi mẹ vỗ mông cả tiếng bé mới ngủ, nhưng ngủ thì rất hay giật mình và khóc. Khi đó mình quyết tâm luyện ngủ lại cho bé bằng phương pháp CIO, kết quả là sau khoảng hơn 2 tuần luyện ngủ thì bé đã tự ngủ được tất cả các giấc ngày và đêm, giảm khoảng 80% tình trạng catnap khi ngủ. Đến giờ ngủ thì chỉ cần quấn bé rồi đặt xuống nôi, cho bé ngậm ti giả hoặc nhiều lúc ê a tự ngủ luôn không cần ti giả", chị Trang chia sẻ lại.
Quy trình đi ngủ chị vẫn áp dụng: quấn, winddown, ti giả và bật tiếng ồn trắng. Môi trường ngủ an toàn cho con gồm có: nôi riêng có quây nôi, không có thêm các vật dụng có thể làm bé bị ngạt thở: chăn, gối hay gấu bông.
Nhật ký ngày đầu tiên luyện ngủ được chị Trang tóm tắt lại: "Ngày 1, 19h bé bắt đầu giờ ngủ đêm nên mình cho bé đi ngủ trước 30 phút. Sau khi quấn và winddown con xong, mình đặt bé xuống và bé bắt đầu khóc nhưng mình vẫn rời khỏi phòng. Mình chờ được 5 phút thì vào dỗ con bằng ti giả và vỗ mông bé, hết 1 phút mình đi ra ngoài bé tiếp tục khóc. Mình chờ 10 phút lại vào dỗ con. Sau 35 phút bé vẫn không tự ngủ được, mình ngưng không luyện nữa và vỗ mông đến khi bé ngủ luôn".
Những ngày sau, chị Trang luyện con tự ngủ cả giấc ngày và giấc đêm. Thời gian chờ tăng lên 10 phút, 12 phút, 15 phút, 20 phút... Ngày thứ 2 bé vẫn chưa tự ngủ được, mẹ chờ đến 40 phút mà con vẫn khóc thì vào cho ti giả và vỗ mông cho con ngủ. Tuy nhiên đến ngày thứ 7, bé ít phản kháng, khóc ít hơn và khoảng 15 phút thì bé tự ngủ. Lúc này mẹ thấy khả quan và tự tin hơn về việc luyện ngủ cho bé.
Quả thật 1 tuần sau đó, thời gian để bé tự ngủ chỉ khoảng 5-20 phút tùy hôm. Catnap (không tự chuyển giấc được) cũng giảm đi đáng kể. Đến ngày thứ 14, sau đúng 2 tuần luyện ngủ thì bé chỉ nằm ê a rồi tự ngủ không còn khóc nữa. "Ba mẹ ngồi chờ không nghe thấy bé khóc, vào phòng kiểm tra thì thấy bé ngủ rất ngon. Ba mẹ mừng như bắt được vàng. Việc luyện ngủ cũng tạm gọi là thành công", chị Trang tâm sự về thành quả.
Sau khoảng 20 ngày, bé Bull đã biết tự ngủ tất cả các giấc mà không khóc. Vậy là sau bao nhiêu ngày vất vả dỗ con ngủ, ôm con cả đêm, hay quá trình luyện ngủ đầy gian nan, cũng đến lúc chị Trang được hưởng trái ngọt. Đến giờ đi ngủ bé tự ngủ, mẹ có thể thảnh thơi để nghỉ ngơi và làm việc khác, tâm lý của mẹ cũng thoải mái hơn.
Cuối cùng, chị Trang chia sẻ: "Có 1 số ý kiến nói rằng việc luyện ngủ bằng phương pháp CIO ảnh hưởng đến tâm lý của bé nhưng mình thấy ý kiến này không đúng. Hiện tại bé nhà mình đã hơn 10 tháng tuổi nhưng vẫn rất vui vẻ và tình cảm với mẹ, bé tự ngủ rất thoải mái mà không cần mẹ ôm ấp hay hát ru. Khi bé về quê chơi hay đi tiêm ngừa thì vẫn tự ngủ rất tốt, không cáu gắt hay lạ chỗ mà bắt mẹ phải dỗ dành đi ngủ. Mình khuyên các mẹ nếu có ý định luyện ngủ cho con, hãy kiên trì thực hiện. Bởi không có phương pháp nào mà vài ba ngày là thành công cả, nên đừng thấy mới áp dụng 1-2 ngày mà không thành công lại đổi phương pháp thì rất tội nghiệp cho con".