Con không vâng lời là lúc trẻ học cách tự xác định những giới hạn, thử nghiệm với cái tôi của chính mình và cũng là cách bọn trẻ đánh giá mối quan hệ giữa chúng với bố mẹ. Vậy nên hình phạt hay đòn roi không phải là cách ứng xử mà bố mẹ nên chọn.
Nói không với hình phạt hay đòn roi, vậy thì chúng ta có thể làm gì khi con không vâng lời? Dưới đây là 9 gợi ý mà bố mẹ nên cân nhắc:
1. Hãy tận dụng thời điểm này để dạy con - hướng dẫn và huấn luyện con
Khi con mắc lỗi chính là lúc chúng ta có thể dạy cho con trưởng thành hơn. Nếu trẻ quấy nhiễu, bạn có thể hướng dẫn trẻ hành xử theo cách thích hợp hơn. Đôi khi việc dạy dỗ này có thể xảy ra lúc này hoặc những lúc khác, khi bạn và con đều đã bình tĩnh lại.
Con của bạn có thể phá quấy khi đang ở trung tâm mua sắm. Nhưng bạn nên chờ cho đến khi về nhà để nói chuyện về những gì đã xảy ra và cách trẻ có thể hành xử khác đi. Bạn hãy hướng dẫn và huấn luyện thay vì trừng phạt con.
2. Đặt những câu hỏi khuyến khích con trả lời
Chúng ta đều rất giỏi trong việc chỉ cho bọn trẻ phải làm gì hoặc chúng đang làm sai điều gì. Nhưng đôi khi, việc đặt những câu hỏi khiến trẻ suy nghĩ sẽ rất hữu ích. Bạn có thể sử dụng những câu nói như:
"Con muốn mẹ giúp con sắp xếp đồ đạc hay con muốn tự mình làm điều đó?".
"Con nghĩ chúng ta nên đi ra ngoài vào buổi sáng hay buổi chiều?".
"Sáng nay con cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng tới lớp?".
3. Thảo luận vấn đề với con
Thay vì luôn cố gắng khắc phục mọi vấn đề hoặc đưa ra giải pháp, chúng ta có thể thảo luận để giải quyết vấn đề với con. Hãy hỏi chúng điều gì đang diễn ra hoặc yêu cầu chúng đưa ra hướng giải quyết. Nếu con không thể tự mình đưa ra bất kỳ giải pháp nào, hãy gợi ý cho con, cung cấp cho con ý tưởng và sau đó cùng con tìm ra cách tiếp cận phù hợp.
4. Bình tĩnh lại và xem liệu con có cần bạn giúp đỡ không
Đôi khi con cái chúng ta không có đủ các kỹ năng hoặc khả năng để hoàn thành một nhiệm vụ, và điều này khiến chúng thất vọng, khó chịu và cư xử tệ. Trong những trường hợp đó, chúng ta có thể đề xuất những bước tiếp theo hoặc chỉ cho con cách làm những việc đó. Ví dụ, chỉ cho trẻ cách buộc dây giày bên phải và khuyến khích con thử trên chân trái. Bạn có thể yêu cầu con chuẩn bị một miếng trái cây cho hộp cơm trưa của mình trong khi bạn làm bánh sandwich. Hoặc, chỉ cho con cách quét sàn và sau đó quan sát chúng thực hiện.
5. Nhận biết cảm xúc của con
Trẻ em có thể hành xử tiêu cực khi chúng bị cảm xúc chi phối. Khi trẻ không thể đối phó với những cảm xúc của mình, chúng sẽ phá quấy. Chúng ta có thể giúp con thừa nhận những cảm xúc này bằng những câu nói sau:
"Mẹ có thể thấy con đang thất vọng. Có lẽ chúng ta nên thử một cách khác".
"Mẹ biết con mệt rồi. Mẹ cũng mệt rồi. Nhưng hãy cùng cố gắng để hoàn thành công việc nhé!".
"Mẹ biết con thực sự thất vọng vì không thể đến sân chơi chiều nay, nhưng thời tiết đang không tốt. Hãy cùng mẹ nướng bánh và hy vọng thời tiết sẽ tốt hơn vào ngày mai nhé!".
6. Đưa chúng ra khỏi mớ hỗn độn
Nếu con bạn phá quấy ở nơi công cộng, đôi khi tốt hơn hết là đưa con bạn ra khỏi nơi đó. Không phải vì bạn đang cố trốn tránh hoặc muốn giải cứu cho con bạn. Nhưng bởi vì ở một nơi bình tĩnh hơn sẽ tốt hơn cho cả bạn và trẻ.
Ví dụ như ở giữa trung tâm mua sắm, có thể có quá nhiều tiếng ồn và hoạt động xung quanh nên bạn có thể dời việc mua sắm vào một ngày khác. Bạn có thể muốn nói chuyện với bạn bè trong bữa ăn tối nhưng con bạn đã mệt nên có lẽ đã đến lúc về nhà. Con đã dành đủ thời gian trên iPad nên bạn có thể cất nó đi và cùng con đi dạo để có không khí trong lành.
7. Thừa nhận những cảm xúc của con, sau đó lánh đi chỗ khác
Hãy cho trẻ chút không gian thay vì cố gắng sửa chữa, giải quyết hoặc dạy bảo con mọi lúc. Cho phép con tĩnh lại và sau đó cố gắng giải quyết. Bạn có thể khích lệ và cho trẻ thấy bạn hiểu con cảm thấy thế nào khi nói: "Mẹ sẽ ở trong bếp chuẩn bị bữa trưa".
8. Trả lời một cách ngắn gọn vào vào thẳng vấn đề
Chúng ta có thể rơi vào tình huống cãi nhau với con. Những thay vào đó, chúng ta có thể cư xử như người lớn và không tranh luận với trẻ. Hãy thử nói điều gì đó như "Con nói đúng" với giọng đều đều. Hoặc: "Mẹ biết và mẹ hiểu" nhưng chỉ kết thúc ở đó. Với chỉ vài từ và một giọng nói bình thường, chúng ta có thể giải quyết tình huống thay vì làm cho nó tồi tệ hơn.
9. Cho con một cái ôm
Khi con cái của chúng ta buồn phiền hay giận giữ, đôi khi tất cả những gì chúng cần là một cái ôm. Bạn có thể ôm con và nói với con rằng bạn hiểu vấn đề của con. Chúng ta có thể thở cùng với con và giúp con bình tĩnh lại. Chúng ta có thể chia sẻ một khoảnh khắc gần gũi và cho con cảm giác yêu thương cũng như nhận lại từ chúng. Hãy thừa nhận rằng con đang lớn, đang học hỏi, và bạn cũng vậy.
Vậy tất cả điều này có ý nghĩa gì? Bạn có thể lựa chọn! Bạn không nhất thiết phải la hét, đe dọa, hay trừng phạt con. Bạn có thể hợp tác với con theo cách xây dựng và yêu thương để giúp con trưởng thành hơn mỗi ngày.