Ở độ tuổi nào trẻ chưa mọc răng thì đáng lo ngại và làm thế nào để nhận biết em bé chuẩn bị có thêm 1 chiếc răng mới? Những thông tin dưới đây sẽ giúp các mẹ giải đáp thắc mắc xung quanh chuyện mọc răng của trẻ.

06:00 10/12/2020

Với các bà mẹ nuôi con nhỏ, mỗi sự thay đổi nhỏ xíu trong hành trình lớn lên của con đều để lại ấn tượng mạnh mẽ và được các mẹ nâng niu, trân trọng. Mọc răng cũng là một trong những cột mốc đáng nhớ.

Thông thường các bé sẽ bắt đầu thay chiếc răng đầu tiên khi được 4 - 6 tháng tuổi, song mỗi bé lại khác nhau, có bé mọc răng muộn hơn nhiều, thậm chí có trẻ đến 13 tháng tuổi mới mọc chiếc răng đầu tiên, vì thế các mẹ đừng quá lo lắng khi thấy con mình chưa mọc chiếc răng nào.

Trẻ mọc răng muộn do đâu?

Di truyền

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng sự phát triển của răng có liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ hồi nhỏ mọc răng muộn thì có thể con cái cũng chậm mọc răng.

Bé thiếu vitamin D

Nhiều người vẫn cho rằng >trẻ mọc răng muộn là do thiếu canxi. Quả thực, canxi rất quan trọng đối với sự phát triển của răng, nhưng nếu trẻ bú mẹ hoặc uống sữa đầy đủ trước 1 tuổi thì hầu như không bị thiếu canxi.

Thiếu vitamin D mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ. Mẹ nên cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D và bổ sung vitamin D cho đến ít nhất 2 tuổi.

Trình tự mọc răng bình thường của trẻ

Thông thường trẻ sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên khi được 4 - 6 tháng tuổi nhưng 1 số trẻ đến 1 tuổi mới bắt đầu mọc răng. Thứ tự mọc răng của trẻ sẽ diễn ra theo trình tự dưới đây, tuy nhiên, thứ tự này không phải tuyệt đối, một số bé mọc răng hai bên trước rồi mới đến răng ở giữa. Bố mẹ không cần bận tâm quá nhiều về điều này, chỉ cần trẻ mọc răng trong giới hạn bình thường là được (không mọc quá chậm và cũng không có bất thường đáng kể nào khi mọc răng).

Một số dấu hiệu cho thấy bé đang mọc răng

Nếu bạn phát hiện thấy bé đột nhiên có những tật nhỏ dưới đây, có thể đó là dấu hiệu cho thấy bé đang mọc răng.

1. Miệng như "thác nước"

Theo thống kê, hơn 1 nửa số trẻ chảy nước dãi nhiều khi mọc răng. Khi bé mọc răng sẽ kích thích dây thần kinh và làm tăng tiết nước bọt, trong khi đó các bé còn nhỏ nên khả năng nuốt chưa mạnh khiến miệng bé ở giai đoạn mọc răng lúc nào cũng như "thác nước". Tình trạng này sẽ tiếp diễn mỗi lần trẻ mọc răng và kéo dài đến khoảng 2 - 3 tuổi.

Không phải bé nào cũng mọc răng theo thứ tự thông thường (Ảnh minh họa).

2. Trẻ thường quấy khóc

Nướu sẽ bị ngứa và hơi đau khi mọc răng nên trẻ sẽ khá khó chịu mỗi lần trải qua việc này. Bởi thế, mỗi khi chuẩn bị có 1 chiếc răng nhú lên, một trong những biểu hiện dễ nhận thấy ở trẻ đó là bé khóc để thể hiện sự khó chịu. Một số trẻ còn có thể bị sốt nhẹ khi mọc răng do nướu sưng lên.

 

3. Cắn mẹ nhiều hơn mỗi khi bú

Trẻ thường trải qua cảm giác ngứa lợi khi mọc răng. Ngoài việc quấy khóc, các bé còn dùng cách cắn để bớt đi cảm giác khó chịu ở lợi. Đôi khi bé sẽ cắn đau làm mẹ bị thương nhẹ, khi ấy, mẹ có thể véo nhẹ vào mũi bé để bé bú lại như bình thường.

4. Thường xuyên thức dậy vào ban đêm

Khi trẻ mọc răng sữa có thể xuất hiện triệu chứng ọc sữa vì khó chịu. Vì thế, vào ban đêm, trẻ sẽ thường xuyên thức dậy và quấy khóc đòi bú, đòi uống sữa hơn bình thường.

5. Nướu đỏ và sưng

Một số bé khi mọc răng có thể bị sưng nướu, nướu đỏ hơn. Để giúp bé vượt qua giai đoạn này, khi bé đang mọc răng, mẹ nên cho bé ăn đồ mềm và chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé sau khi ăn.

Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bé bớt khó chịu khi mọc răng.

- Chuẩn bị một ít gạc y tế sạch hoặc rơ lưỡi, cho vào tủ lạnh trong 20 phút rồi lấy ra massage nướu cho bé.

- Đồ chơi tập nhai, ngậm nướu cũng có tác dụng làm bé cảm thấy dễ chịu hơn khi mọc răng.

- Chuẩn bị sẵn khăn xô nhúng nước ấm và thường xuyên lau dãi, lau miệng.

Theo Ngọc Phạm/ Tổ Quốc