Khi trẻ bị sốt, cha mẹ thường rất lo lắng và tìm đủ mọi cách để hạ sốt cho con mình. Vậy nên hạ sốt cho trẻ thế nào để hiệu quả mà an toàn?
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, BV Nhi Đồng 1, cha mẹ nên biết rằng sốt là một phản ứng có lợi cho cơ thể.
Cha mẹ chỉ cần hạ sốt cho con khi sốt làm trẻ bực bội, khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn hoặc có biến chứng như co giật. Còn ngoài ra, sốt nhìn chung là có lợi, không cần phải hạ sốt bằng mọi giá.
Dùng thuốc hạ sốt cho con thế nào?
Để hạ sốt cho con, bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo, cha mẹ nên sử dụng thuốc có “chất thuốc” bên trong là Paracetamol hay Acetaminophen. Dùng hiệu gì cũng được, miễn là thuốc bên trong là Paracetamol hay Acetaminophen thì sẽ an toàn cho bé.
Liều lượng Paracetamol hay Acetaminophen được khuyến cáo là: 10-15mg cho mỗi kg cân nặng cho mỗi lần dùng.
Ví dụ:
- Bé nặng 8kg thì mỗi lần dùng từ 80mg đến 120mg.
- Bé nặng 10kg thì mỗi lần dùng từ 100mg đến 150mg
- Bé nặng 15kg thì mỗi lần dùng từ 150mg đến 220mg
- Bé nặng 20kg thì mỗi lần dùng từ 200mg đến 300mg…
Với những “bé bự” thì mỗi lần dùng tối đa là viên 500mg, không nên dùng hơn trừ khi có ý kiến của bác sĩ.
Thông thường có 2 dạng thuốc để dùng hạ sốt cho trẻ là thuốc uống và đặt hậu môn. Hiện nay về hiệu quả 2 loại được xem là ngang nhau. Loại uống nên dùng khi trẻ còn thức. Khi trẻ ngủ thì hoặc là gọi trẻ dậy uống, hoặc nếu muốn giữ giấc ngủ cho trẻ thì cứ để trẻ ngủ và đặt viên hậu môn cho trẻ.
Khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc hạ sốt là cách nhau từ 4 - 6 tiếng đồng hồ.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì dùng thuốc hạ sốt?
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn thông tin, trước kia người ta hay dùng con số 380C để làm mốc. Trên 38 độ là uống/đặt hậu môn, dưới 38 độ là không cần. Nhưng ngày nay người ta dựa vào sự tỉnh táo, thoải mái và sinh hoạt của trẻ để quyết định uống hạ sốt hay không.
Nếu trẻ sốt trên 38 độ mà vẫn tươi tỉnh, chơi, đưa nước chịu uống, đưa thức ăn chịu ăn (dù ăn không được nhiều như mọi ngày) thì không cần uống hạ sốt, chỉ cần cho bé nằm nghỉ (tránh hoạt động) và uống nhiều nước.
Khi nào bé sốt mà lừ đừ, bỏ ăn, không chịu uống nước, quấy khóc, vẻ mệt mỏi khó chịu thì cho uống hạ sốt và mau chóng đưa bé đi khám bệnh để bác sĩ khám và tư vấn thêm.
Trẻ bị sốt có cần lau mát?
Ngày nay, việc lau mát gần như không còn làm nữa, chỉ thực hiện ở một số trường hợp đặc biệt. Việc lau mát nếu không đúng kỹ thuật, không những không giúp hạ nhiệt mà càng làm cho bé bực bội, quấy khóc và nhiệt độ càng tăng thêm.
Nếu muốn chườm mát cho trẻ chỉ cần lấy 1 cái khăn nhúng nước ấm và đắp lên trán trẻ là đủ. Cho trẻ nằm nghỉ và uống nhiều nước.