Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước chín, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Các loại sữa mẹ
Sữa non: Là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành. Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên là rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.
Sữa trưởng thành: Sau khoảng 3-4 ngày sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm hai bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng xuống sữa.
Sữa đầu bữa: Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu trắng trong, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất >dinh dưỡng khác.
Sữa cuối bữa: Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng đục vì chứa nhiều chất trẻo hơn sữa đầu bữa. Chất trẻo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn.
Lợi ích nuôi con từ sữa mẹ
Trong 6 tháng đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng. Từ 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng.
Lợi ích đối với trẻ: Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu. Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Giúp trẻ phát triển trí não tối ưu. Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ.
Dễ tiêu hóa và hấp thu: Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Lợi ích đối với bà mẹ: Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ.
Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ. Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí). Giúp tăng cường tình cảm mẹ con. Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ.
Chậm có kinh và có thai lại giúp mẹ KHHGĐ. Giảm nguy cơ bệnh tật.
Nguyên tắc >nuôi con bằng sữa mẹ
Trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong 1 giờ đầu) để kích thích mẹ tiết sữa. Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm. Bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối.
Thời gian trung bình mỗi bữa bú 15 -20 phút. Nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hay lâu hơn nếu có thể. Khi mẹ bị bệnh, trẻ ốm, trẻ không tự bú được thì nên vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa.
Cách cho con bú
Tư thế: Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn. Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng. Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ. Mặt trẻ quay vào vú mẹ và mũi trẻ đối diện với núm vú. Đỡ toàn bộ cơ thể trẻ.
Cách ngậm bắt vú đúng: Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới. Miệng trẻ mở rộng. Môi dưới hướng ra ngoài.Cằm trẻ chạm vào vú mẹ. Hậu quả ngậm bắt vú sai. Đau hay tổn thương núm vú (có thể nứt cổ gà). Cương tức vú, tắc tia sữa. Vú sẽ tạo ít sữa đi. Trẻ đòi bú liên tục, khóc nhiều và mỗi lần bú kéo dài hoặc từ chối bú mẹ. Trẻ tăng cân kém.
Vắt sữa
Cách vắt sữa: Vắt sữa có ích trong những trường hợp sau: Giảm bớt căng tức sữa hoặc tắc ống dẫn sữa. Mẹ có núm vú tụt vào trong phải vắt sữa cho trẻ ăn trong khi trẻ đang tập bú. Vắt sữa cho trẻ từ chối bú mẹ ăn trong khi tập bú trở lại. Vắt sữa cho trẻ ốm hoặc trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi trẻ không thể bú được. Duy trì sự tạo sữa khi mẹ phải đi làm xa hoặc mẹ bị ốm không trẻ bú được.
Đề phòng núm vú bị khô nứt hoặc đau. Kỹ thuật vắt sữa bằng tay: (nên để bà mẹ tự làm lấy). Rửa tay sạch. Ngồi hoặc đứng ở tư thế thoải mái và giữ một cốc đựng sữa ở gần vú. Đặt ngón tay cái ở phía trên quầng vú và núm vú, ngón tay trỏ đặt ở phía dưới quầng vú và núm vú đối diện với ngón tay cái, các ngón tay khác đỡ vú, ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng về phía trong và vào thành ngực. Không nên ấn mạnh quá vì có thể làm tắc ống dẫn sữa. Ấn vào rồi bỏ ra, làm lại nhiều lần. Việc này không gây đau, nếu đau nghĩa là kỹ thuật làm sai. Xoay ngón tay vào quầng vú vùng bên cạnh để đảm bảo rằng sữa được vắt ra từ tất cả các khoang sữa.
Tránh xoa bóp hoặc trượt các ngón tay dọc theo da, tránh ép vào núm vú vì ấn hoặc kéo núm vú không làm cho sữa chảy ra.
Vắt mỗi bên vú tối thiểu 3-5 phút cho tới khi dòng sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia và sau đó lại vắt lại ở cả hai bên.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Theo thống kê năm 2011, có đến 78% lao động nữ nhận thức được sữa mẹ là nguồn sinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng chỉ có 36% trẻ được tiếp tục cho bú mẹ đến 19-24 tháng do người mẹ phải đi làm trở lại, tỷ lệ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là 19,6%. Từ những thực tế đó, nhiều năm qua, Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực với Tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ lao động nữ có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và chương trình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Dưới đây là một số kiến thức trong việc chăm sóc nuôi con bằng sữa mẹ:
BS. Nguyễn Thị Từ Anh (Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ) cho biết: “Hiện tại, các bà mẹ có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, nên kiến thức có thể có nhưng kỹ năng thực hành của các bà mẹ chưa đúng. Những kiến thức về việc nuôi con bằng sữa mẹ thì không phải chỉ một mình bà mẹ biết là đủ, mà cả gia đình phải thấu hiểu để cùng giúp bà mẹ nuôi con một cách tốt nhất”.