Trẻ sơ sinh khó để dỗ ngủ hoặc hay quấy khóc luôn là vấn đề gây đau đầu cho cha mẹ. Vậy đâu là lý do gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu đời. Một giấc ngủ chất lượng có ý nghĩa quan trọng đối với >sức khỏe tổng thể cũng như hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của trẻ nhỏ nói chung và trẻ sơ sinh nói riêng. Khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ không tốt, sức khỏe, tinh thần và sự phát triển của bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ phát sinh nhiều bệnh lý khác.
Không chỉ riêng đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ còn quan trọng với tất cả chúng ta. Ngủ là khoảng thời gian để não bộ phát triển cũng như các cơ quan nội tiết được nghỉ ngơi để hoạt động tốt nhất vào hôm sau. Trẻ sơ sinh sẽ phát triển cơ thể cũng như chiều cao thông qua các hormon tăng trưởng khi ngủ.
Có đến hơn 80% tế bào não được tạo ra trong giai đoạn 3 năm đầu đời của trẻ. Việc các tế bào này được sản sinh có mối quan hệ mật thiết với chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ của trẻ. Bên cạnh giúp các bé phát triển về mặt thể chất, giấc ngủ chất lượng còn đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho sự phát triển trí tuệ, bởi những thông tin mà trẻ tiếp nhận được trong ngày sẽ được não bộ tiến hành xử lý thông qua giấc ngủ.
Tuy rằng giấc ngủ rất quan trọng nhưng không phải đứa trẻ nào từ khi mới sinh ra đều có giấc ngủ tốt. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ mắc phải các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ như: khó ngủ, hay quấy khóc, ngủ không sâu giấc, ngủ hay giật mình,... Tình trạng này nếu để kéo dài đến khi trẻ lớn sẽ vô tình gây cản trở khả năng học tập, làm suy giảm trí nhớ, thậm chí gây ra tình trạng rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi.
Vì thế, cha mẹ nên tìm cách để con mình có được ngủ đủ giấc chất lượng nhất. Theo các bác sĩ nhi khoa, trung bình trẻ sơ sinh nên ngủ từ 18 - 20 giờ mỗi ngày. Mỗi em bé sẽ có thời gian dành cho giấc ngủ khác nhau, có thể giao động từ 30 - 180 phút hoặc kéo dài 5 - 10 giờ.
Có nhiều lý do khác nhau làm cho giấc ngủ của bé kém chất lượng như nguyên nhân sinh lý, cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý hoặc các nguyên nhân liên quan đến chế độ sinh hoạt từ cha mẹ.
+ Nguyên nhân sinh lý
Người ta chia giấc ngủ của con người thành hai giai đoạn là REM (Rapid Eye Movement) và Non-REM (Non Rapid Eye Movement). Thông thường 75% thời gian ngủ là Non-REM và 25% còn lại là giấc ngủ REM theo thống kê ở người lớn. Còn ở trẻ em thì giai đoạn REM chiếm đến gần 50% tổng thời gian giấc ngủ.
Hơi thở và nhịp tim ở giai đoạn REM của trẻ thường diễn ra với tốc độ nhanh hơn bởi lúc này cơ quan hô hấp cũng như não bộ lại tăng cường hoạt động dù trẻ đang ngủ say. Vì lý do đó, trẻ sơ sinh thường khó đi vào giấc ngủ sâu và rất dễ bị giật mình tỉnh giấc khi có tác động từ phía ngoài.
Đôi khi trẻ sơ sinh khó ngủ là do trẻ bú quá no hoặc ngược lại là chưa đủ no. Khi trẻ lớn hơn, việc tăng cường vận động vào ban ngày khi trẻ biết bò, biết đi,... cũng khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ.
+ Nguyên nhân bệnh lý
Có một số căn bệnh có thể khiến bé khó ngủ như: thiếu canxi, còi xương. Đây đều là những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ sơ sinh bị rối loạn giấc ngủ. Tình trạng thiếu các vi chất như: kẽm, sắt hay magie sẽ khiến trẻ ngủ không sâu giấc. Đặc biệt, thiếu sắt sẽ gây ra hội chứng chân không yên làm trẻ mệt mỏi và hay ngủ ngày, từ đó có giấc ngủ sâu vào ban đêm.
Một số vấn đề như đường hô hấp nhiễm khuẩn hoặc đường mũi họng bị viêm như: viêm amidan, viêm phế quản, viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phổi,... cũng làm cho trẻ khó mở và bắt buộc phải thở bằng miệng, ngáy ngủ.
Ngoài ra, các bệnh lý nội khoa cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ như: viêm tai giữa, các bệnh về tâm thần hoặc tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Một số trẻ có biểu hiện của mộng du như gặp ác mộng, chúng đang ngủ có thể bật dậy, đi lại, nói chuyện nhưng mắt vẫn nhắm. Tình trạng rối loạn giấc ngủ dạng này dễ khiến trẻ hay gồng vặn mình, quấy khóc đêm và khó ngủ sâu giấc.
Bên cạnh đó, béo phì cũng là nguyên nhân có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, các cơ đường thở ở trẻ sẽ bị phì đại gây khó khăn khi thở hoặc nuốt. Vì thế, trẻ sẽ phải thở bằng miệng nên rất khó đi vào giấc ngủ sâu.
+ Nguyên nhân do chế độ sinh hoạt
Nếu đã loại trừ các nguyên nhân kể trên, có thể chế độ sinh hoạt không hợp lý là lý do khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, hay quấy khóc về đêm.
- Đối với các bé đã quen được bế bồng hoặc đưa võng khi ngủ thì khi không không được bế hoặc không có võng nôi thì sẽ không ngủ được.
- Việc cha mẹ phân bố thời gian ngủ cho trẻ chưa hợp lý, ban ngày cho bé ngủ quá nhiều sẽ khiến trẻ sơ sinh khó ngủ về đêm.
- Môi trường nhiều tiếng ồn hoặc ánh sáng cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ và dễ giật mình thức giấc.
- Cũng có thể do tã bỉm ướt, quần áo, giường chiếu không sạch sẽ gây cho bé cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.
Tùy vào từng độ, một số triệu chứng nghi ngờ của rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu thường là: ngủ gật, sụp mí, ngáp nhiều, ít chơi đùa, trí não giảm linh hoạt, cơ thể mệt mỏi, lờ đờ.
Các biểu hiện khi mắc bệnh thường gồm:
- Xuất hiện các cơn ngừng thở ngắn kèm theo tình trạng ngáy nhiều khi ngủ
- Ngủ ngày quá nhiều
- Giật cơ khi ngủ
- Cử động tay chân mang tính chu kỳ
- Xuất hiện những cơn hoảng sợ khi về đêm
- Cơn miên hành
- Mất ngủ cả đêm
Trong số những biểu hiện thường gặp nêu trên thì cơn miên hành và những cơn hoảng sợ về đêm xảy ra khá phổ biến.
>>> Xem thêm:
- Bảng giờ ngủ của trẻ sơ sinh từng tháng tuổi
- Nguyên nhân trẻ ngủ đêm hay lăn lộn và cách xử lý
- Cha mẹ cố gắng hình thành nhịp sinh học hợp lý bằng cách duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn đúng giờ hàng ngày cho trẻ.
- Tập cho con bạn các thói quen tốt trước khi đi ngủ như vệ sinh cá nhân, răng miệng sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi.
- Cho trẻ mang theo các vật dụng yêu thích khi ngủ như gấu bông giúp bé có cảm giác an toàn khi ngủ.
- Không nên cho trẻ vận động quá nhiều trước khi ngủ.
- Không nên cho trẻ ăn khi đang nằm.
- Hạn chế sử dụng võng, nôi điện để tránh làm cho trẻ phụ thuộc vào chúng.
- Trước khi đi bé đi ngủ không nên cho bé sử dụng các loại thuốc giúp hỗ trợ giấc ngủ.
Chứng rối loạn giấc ngủ trẻ sơ sinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung chúng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, não bộ và sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, ngay từ những ngày đầu nhận thấy trẻ khó đi vào giấc ngủ, mất ngủ hoặc phát sinh các triệu chứng bất thường, cha mẹ nên đưa con mình đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp chữa trị phù hợp.