Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thường rất dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp trên, tiêu chảy… Cha mẹ có con hay ốm vặt thường tỏ ra rất lo lắng. Để giảm tình trạng ốm vặt ở trẻ không quá khó nếu cha mẹ biết cách điều chỉnh từ chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày.
Sức đề kháng yếu, sự thay đổi khí hậu thời điểm giao mùa là những nguyên nhân khiến trẻ nhỏ dễ và thường xuyên bị ốm. Vậy làm thế nào để trẻ khỏe mạnh và bớt ốm vặt?
Chia sẻ về chủ đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ dưới 6 tuổi dễ mắc bệnh lặt vặt là do hệ miễn dịch ở trẻ chưa hoàn thiện, khả năng chống trả với các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) còn hạn chế. Trẻ nhỏ thường thiếu vi chất >dinh dưỡng do ăn uống không đầy đủ, đa dạng.
Ngoài ra, môi trường đi học tiếp xúc với nhiều nguồn lây, thời tiết chuyển lạnh, không khí ô nhiễm… cũng là những tác nhân gây bệnh cho trẻ.
Nuôi con là một hành trình dài và để con được lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc,> cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, phù hợp với thể trạng của con theo khuyến cáo dưới đây.
1. Dinh dưỡng đúng cách cho trẻ
Khi trẻ bị ốm, cơ thể trẻ cần nhiều vi chất dinh dưỡng để chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, trẻ lại thường biếng ăn khi ốm, dẫn đến thiếu hụt vi chất. Chính sự thiếu hụt này lại làm trẻ dễ bị ốm hơn, tạo ra một vòng lặp giữa bệnh tật và thiếu vi chất dinh dưỡng. Vòng lặp này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Đó cũng là lý do vì sao một đứa trẻ biếng ăn thường sẽ dễ ốm vặt hơn so với các bé khác.
Vì vậy, để trẻ khỏe mạnh, bớt ốm vặt, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Bởi, nếu cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trẻ sẽ phát triển toàn diện về cân nặng, chiều cao, cũng như phát triển trí tuệ, bên cạnh đó hệ miễn dịch cũng được tăng cường.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, ăn đa dạng rau, củ, quả với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu đại diện cho các chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Điều này không chỉ giúp bổ sung đầy đủ vitamin mà còn giúp trẻ hứng thú hơn với việc ăn uống hơn.
Một đứa trẻ ăn uống tốt, tăng cần đều đặn, ít bệnh vặt, hệ tiêu hóa tốt, hô hấp tốt, da dẻ hồng hào, tóc móng phát triển tốt, năng động hoạt bát, nhanh nhẹn thông minh…. thì cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình đang nuôi dạy và >chăm sóc con tốt và chỉ cần tiếp tục duy trì và theo dõi.
Bên cạnh việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ cũng cần cho con đi khám >sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Sau khi có kết quả thăm khám, cha mẹ và bác sĩ sẽ cùng đánh giá lại tình hình của con và có hướng dẫn điều chỉnh chế độ sinh hoạt của con, bổ sung vi chất sao cho phù hợp nhất.
2. Tăng cường vận động cho trẻ
Cha mẹ nên cho con vận động ngoài trời ít nhất 30 phút/ngày. Vận động giúp trẻ phát triển toàn diện, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân bên ngoài.
Vận động, tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp cho trẻ phát triển thể chất, cơ thể dẻo dai, vạm vỡ mà việc này còn giúp cho tinh thần của trẻ được cân bằng, luôn lạc quan và tích cực. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi, thể thao phù hợp với độ tuổi thay vì ngồi trong nhà ôm tivi, điện thoại.
3. Trẻ cần được ngủ đủ giấc
Cha mẹ nên cân bằng thời gian ngủ, nghỉ ngơi của trẻ với các hoạt động vui chơi >giải trí. Trong quá trình ngủ, não bộ của trẻ sẽ tiết ra lượng hormone giúp bé tăng trưởng chiều cao đồng thời giúp cơ thể phục hồi năng lượng.
Khi được ngủ đủ giấc, tinh thần của trẻ được sảng khoái, giúp bé có thể hoạt động khỏe khoắn, tươi vui.
4. Tiêm chủng đầy đủ cho con
Tiêm chủng là tấm lá chắn miễn dịch đầu đời của một đứa trẻ. Tiêm chủng không có nghĩa là trẻ sẽ không bị bệnh, nhưng nếu chẳng may bị bệnh thì cũng nhẹ hơn.
Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, giúp bé có đủ đề kháng ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, bại liệt, thủy đậu, sởi…
5. Tạo môi trường sống trong lành
Môi trường sống quyết định rất nhiều đến sức khỏe của một đứa trẻ. Không khí ô nhiễm, thiếu oxy, tràn ngập khí độc từ khói xe, bụi công nghiệp, nhiệt độ tăng cao… làm cho sức khỏe bị suy yếu, nhất là trẻ nhỏ.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp ở trẻ như viêm mũi, hen phế quản, ho, sổ mũi…
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của con, cha mẹ cần giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng… và tránh xa các khu vực ô nhiễm hoặc hạn chế khói bụi (ví dụ nhà ở gần mặt đường thì nên lắp kính chắn bụi, lọc không khí…).
Cần tạo cho trẻ môi trường sống gần gũi với thiên nhiên để hình thành khả năng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, khả năng thích ứng để phòng tránh được bệnh tật.
Đặc biệt, người nhà không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa con khỏi khói thuốc vì hệ vi mao hô hấp bé dễ bị tê liệt do khói thuốc, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh.
Sức khỏe của trẻ gồm 2 phần là thể chất và tinh thần. Nhiều cha mẹ nghiêng về chăm sóc sức khỏe thể chất cho con mà quên đi phần sức khỏe tinh thần, coi nhẹ những tâm sự của trẻ.
Nếu có thể, cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, nói những lời yêu thương, vui chơi cùng con nhiều hơn.