Nhiều mẹ vẫn chưa biết nên làm thế nào để có một thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng tuổi vừa đầy đủ dinh dưỡng cho bé lại tiết kiệm thời gian cho mẹ? Đừng lo lắng, hãy cùng khám phá ngay câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé!
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bác sĩ nhi khoa thì trẻ từ 6 tháng tuổi mới nên cho ăn dặm. Đó là thời điểm thích hợp khi hệ tiêu hóa của trẻ đã dần dần hoàn thiện và trẻ có thể tiếp nhận được các thực phẩm ngoài sữa mẹ. Tại nước ta, 6 tháng cũng là thời điểm mà các mẹ quay trở lại làm việc sau khi nghỉ chế độ thai sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường hợp trẻ có thể ăn dặm khi mới 5 tháng tuổi. Đó là do một số mẹ bị thiếu sữa, ít sữa không đủ cho bé bú hoàn toàn. Cũng có một số trường hợp là do mẹ phải quay trở lại với công việc sớm hơn 6 tháng. Hoặc cũng có một số bé vì một lý do >sức khỏe nào đó mà cần ăn dặm sớm hơn các bé khác để đảm bảo thể chất.
Nên có thể nói, trường hợp bé 5 tháng tuổi tập ăn dặm là không hiếm, và bé có thể ăn dặm ở tháng thứ 5 nếu bé có những dấu hiệu muốn ăn như: bé thích thú với đồ ăn, thích nhìn người lớn ăn, bé hay nhai tóp tép trong miệng, bé bú mẹ xong vẫn đói và vẫn muốn bú tiếp và đặc biệt là bé đã có thể ngồi và giữ được cổ thẳng. Đây là những dấu hiệu cho thấy, bé đã sẵn sàng tập ăn dặm rồi nhé!
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngay cả khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ vẫn nên cho bé bú sữa mẹ. Thậm chí, với những bé trong giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi, sữa vẫn là thức ăn chính của bé và việc cho bé ăn dặm trong giai đoạn này chủ yếu để tập làm quen với mùi vị thức ăn.
Bé đang tập làm quen với các loại mùi vị thức ăn vì vậy liều lượng thức ăn 1 bữa trong thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng tuổi thích hợp nhất là:
- Bột ăn dặm: 80ml/bữa
- Thịt lợn/bò/gà: 25g /bữa
- Rau/củ: 20g/bữa
Đối với các món mới, lần đầu tiên cho ăn thì mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 thìa khoảng 5ml rồi tăng dần lên theo nhu cầu và sự yêu thích của bé. Tối đa mẹ chỉ cho bé ăn từ 7-10 thìa/bữa thôi nhé!
Cụ thể, các mẹ có thể tham khảo bảng sau đây:
Thời gian | Tuần 1 | Tuần 2 | Tuần 3 | Tuần 4 |
Lượng bột/cháo trắng nấu thật nhuyễn | Ăn thử bột loãng với tỷ lệ 1:10. Lượng cháo trắng trong tuần đầu tiên này, chỉ khoảng từ 5-10ml. | Lượng bột/cháo trắng tăng lên từ 15-25ml/bữa | Có thể tăng dần số lượng bột cho con ăn mỗi ngày. Cháo/bột trắng từ 30-40ml | Duy trì thực đơn ăn dặm theo số lượng hợp lý với lượng như những tuần vừa trước. Sau khi bé đã quen bắt đầu quen với 1 bữa bột/ngày, tăng lên 2 bữa bột/ngày sau đó là lên 3 bữa bột/ngày
|
Thực phẩm nấu kèm | Có thể sử dụng riêng biệt bột trắng hoặc rau củ nghiền nát trộn sữa mẹ nấu chín cho bé ăn, liều lượng tương đương bột loãng | Bổ sung thêm rau củ như cà rốt, bí đỏ, bí xanh… | Đa dạng các loại rau như chùm ngây, cải bó xôi, su hào, mồng tơi, rau cải ngọt, rau ngót,.. | Bắt đầu cho bé làm quen với các loại thịt nạc lợn, thịt bò, thịt nạc gà, cá hồi, cá chép, lươn, cua, tôm… |
Cho dù mẹ áp dụng thực đơn ăn dặm theo kiểu truyền thống, thực đơn ăn dặm kiểu Nhật hay bất cứ một thực đơn nào thì cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc dinh dưỡng như sau:
- Bữa ăn của bé phải đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là nhóm chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Phải đủ 4 nhóm chất này thì mới đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. Tuy nhiên, những bữa ăn đầu tiên chỉ nên dùng 1 loại thực phẩm/bữa. Sau đó mới bắt đầu kết hợp 2-3 loại với nhau.
- Khi bắt đầu những bữa ăn dặm đầu tiên, những thức ăn bé ăn sẽ hoàn toàn mới lạ so với sữa mẹ quen thuộc, chính vì vậy, mẹ cần tìm hiểu thật kỹ càng về nguyên liệu, cách nấu, liều lượng và cách cho bé ăn trước khi áp dụng thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng tuổi.
- Đồng thời, mẹ cũng nên cho bé ăn với mục đích để tập làm quen với mùi vị thức ăn chứ không nên ép con ăn theo liều lượng mà mình mong muốn. Vì với bé 5 tháng tuổi, bữa ăn dặm chỉ là bữa ăn phụ, còn sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính và tốt nhất cho bé cho đến khi 12 tháng tuổi.
- Bên cạnh đó, những loại bột ban đầu mà mẹ nên nấu là các loại bột ngọt, được chế biến từ rau củ quả, trộn với sữa mẹ và sữa công thức. Khi bé ăn quen hơn mới bắt đầu nấu các loại bột mặn từ gạo, rau, củ với thịt cá.
- Ngoài ra, ở giai đoạn đầu tập ăn dặm thì bé nên ăn thức ăn được nấu loãng, sau đó mới dần dần mới làm quen với thức ăn đặc hơn.
Hẳn là mẹ nào cũng muốn áp dụng một >thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tăng cân, khỏe mạnh mà mẹ lại dễ nấu và tốn ít thời gian phải không nào? Vậy thì hãy cùng tham khảo thực đơn chi tiết sau đây nhé!
Cách làm:
- Cách 1: Bột gạo khô 1 thìa đầy, quấy cùng 50ml hoặc hơn tùy theo loại gạo. Quấy tan sau đó cho vào xoong nhỏ, cho lên bếp nấu với lửa nhỏ cho đến khi chín.
- Cách 2: Cho 1 thìa gạo nấu cùng 10 thìa nước, vì lượng nấu rất ít nên mẹ có thể cho gạo và nước vào trong 1 bát nhỏ rồi để vào nồi cơm điện của gia đình để tiết kiệm thời gian. Sau khi cháo chín thì đem xay nhuyễn cháo rồi rây cho thật mịn, dau đó lấy khoảng 5-10ml nước cháo này cho bé ăn để bé làm quen với thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Mỗi ngày chỉ cho bé ăn một lần.
Sang tuần thứ 2, ngoài cháo trắng đã rây, mẹ lần lượt cho thêm vào bột của bé các loại củ quả như cà rốt, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, cà chua, táo… Những loại củ quả này cần luộc chín, xay nhuyễn rồi lấy khoảng 5ml cho bé ăn. Mẹ cũng chưa nên trộn bột cùng củ quả luôn mà nên để bé ăn riêng lẻ từng loại. Cách ăn này sẽ giúp bé cảm nhận mùi vị của từng loại thức ăn tốt hơn và mẹ cũng đánh giá được sở thích của bé rõ hơn.
Sang tuần thứ 3 này, lượng bột/cháo cho trẻ ăn được tăng lên một chút, cùng với đó là mẹ có thể trộn chung bột/cháo với rau, củ, quả xay nhuyễn để cho bé ăn cùng với nhau. Giới thiệu với các mẹ một số loại bột/cháo rau củ, quả ngon, dễ làm và nhiều dưỡng chất có thể áp dụng trong thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng như sau:
- Bột cà rốt: Mẹ lấy 20gr cà rốt xắt nhỏ, hấp chín rồi xay mịn rồi rây mịn để lấy phần cà rốt thật mịn. Đem cà rốt này trộn cùng với 30ml cháo trắng đã rây hoặc bột đã quấy chín là xong.
- Bột cà chua: Mẹ lấy 1 quả cà chua nhỏ đã chín đỏ đem rửa sạch, bóc vỏ, bỏ hạt rồi xắt nhỏ sau đó đem hấp chín. Khi cà chua chín đem rây mịn lấy khoảng 10ml cà chua, sau đó đem trộn cùng với 30ml cháo trắng rây mịn/bột loãng đã quấy chín là được.
- Bột khoai tây: Mẹ lấy 20g khoai tây thái mỏng rồi đem hấp chín, sau đó dùng thìa dằm thật nhuyễn hoặc cho vào máy xay để xay thật nhuyễn có thể thêm chút nước lọc cho dễ xay hơn. kế đó lấy 20g khoai tây đã xay nát trộn cùng với 30-40ml cháo/bột cho bé ăn.
- Bột bí đỏ: Mẹ lấy 20gr thịt quả bí đỏ, sau đó tiến hành hấp chín, xay nhuyễn rồi rây mịn, rồi trộn chung với 30ml-40ml cháo mịn hoặc bột loãng.
- Bột táo: Mẹ chọn lấy một quả táo chín thơm ngọt, rồi lấy khoảng 20-30gr táo đem xắt hạt lựu, sau đó cho vào máy xay nhuyễn, rồi rây mịn lấy khoảng 30ml. Đến đây thì chỉ việc đem trộn táo nhuyễn này với 30-40ml bột loãng hoặc cháo loãng là được nhé.
- Bột rau mồng tơi: Mẹ lấy chừng 5-7 ngọn rau mồng tơi non tươi rồi đem xay thật nhuyễn, sau đó lấy cả phần cái và phần nước rồi đợi đến khi nấu bột gần đạt thì cho vào, nấu chín là được. Hoặc mẹ cũng có thể đem hấp chín rau mồng tơi, rồi tiến hành xay nhuyễn và trộn chung với cháo trắng nhé.
Bước sang tuần thứ 4 này, trong thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng tuổi đã có thể cho thêm các loại thịt, cá, trứng, thịt bò, tôm, cua, lươn,..trộn cùng với bột/cháo và các loại rau củ để tạo thành một bữa ăn đầy đủ các nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất đường bột, rau củ quả.
Dưới đây là gợi ý về một vài món bột ngon và dinh dưỡng cho bé mà mẹ có thể tham khảo:
- Bột thịt nạc lợn + rau ngót: 30ml bột/cháo, 30gr rau ngót, 15g thịt nạc lợn. Rau ngót và thịt nạc cần được xay nhuyễn và rây mịn. Cho cháo vào xoong đun sôi thì cho thịt và sau đó cho rau vào, nấu thêm 3 phút nữa là bột chín. Cuối cùng mẹ khi chuẩn bị tắt bếp mẹ cho ½ thìa cà phê dầu ăn, dầu oliu, dầu gấc hoặc mỡ nước chín vào là xong.
- Bột thịt bò + khoai tây: 30ml bột/cháo, 20g khoai tây, 15g thịt bò. Khoai tây hấp chín rây mịn, thịt bò xay nhuyễn rây mịn. Khi bột/cháo sôi thì cho thịt bò nấu chín, sau đó cho khoai tây và cuối cùng là cho dầu ăn vào.
- Bột thịt lợn + cà rốt: 30ml cháo/bột, 20g cà rốt, 15g thịt nạc lợn. Cà rốt xắt hạt lựu rồi xay nhuyễn rây mịn, thịt lợn xay nhuyễn rây mịn. Khi cháo/bột chín thì cho thịt lợn vào, sau đó cho cà rốt, và tiến hành đun chừng 3 phút nữa rồi cho ½ thìa cà phê dầu ăn vào là hoàn thành.
Ngoài ra, các mẹ cũng có thể linh hoạt thay đổi với các món rau, củ, quả khác nhau với các loại thịt khác nhau để bữa ăn của bé thêm phong phú nhé!
Trên đây là một vài gợi ý thực đơn ăn dặm cho trẻ 5 tháng tuổi vừa thơm ngon lại đầy đủ dinh dưỡng cho bé tập ăn dặm. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các mẹ sẽ chọn được cho bé yêu của mình một thực đơn ăn dặm hợp lý nhất nhé! Chúc các bé của chúng ta luôn khỏe mạnh và mau ăn chóng lớn!