Cha mẹ đừng ngại làm mọi người mất lòng mà coi nhẹ sự an toàn, khỏe mạnh của con mình.
Em bé mới chào đời có >sức khỏe và hệ miễn dịch vô cùng yếu ớt, mỏng manh, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Cha mẹ phải hết sức nâng niu, >chăm sóc con thật chu đáo và bảo vệ con khỏi những tác nhân xấu từ môi trường xung quanh.
Hành động ôm, hôn trẻ gần như là thói quen, văn hóa của người Việt Nam trong việc thể hiện tình cảm, sự yêu thích đối với trẻ em. Tuy nhiên, hành động này được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo không nên vì có thể gây bệnh cho trẻ, nhất là những em bé mới sinh.
Khi người xung quanh có nhã ý bế trẻ, cha mẹ hãy lưu tâm đến việc họ có thuộc vào nhóm 4 đối tượng không được bế em bé mới chào đời sau đây hay không. Nguyên do đến từ những cơ sở rất thực tế, không hề chứa đựng yếu tố mê tín nào!
1. Những người hút thuốc lá và uống rượu
Những người hay hút thuốc chắc chắn sẽ có mùi khói thuốc lá lưu lại trên quần áo, đầu tóc. Mùi thuốc lá ấy đến người lớn còn thấy khó chịu huống chi một em bé mới chào đời, thậm chí khiến bé cảm thấy khó thở.
Trường hợp đối tượng muốn bế bé thậm chí còn đang hút thuốc thì mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con càng nghiêm trọng hơn nữa. Trẻ bất đắc dĩ phải hít khói thuốc thụ động, với em bé sơ sinh mà nói đó là tác nhân vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, cha mẹ tuyệt đối không được để người đang hút thuốc lá hoặc có thói quen hút thuốc lá bế em bé mới chào đời.
Tương tự, với người thường xuyên uống rượu, mùi rượu sẽ lưu lại trên cơ thể họ. Khứu giác của bé rất nhạy cảm, đồng thời cũng yếu ớt hơn người lớn. Những loại mùi khó chịu này khiến bé không hề thoải mái. Vì sức khỏe của con mình, cha mẹ hãy cứng rắn và kiên quyết hơn, không nên vì ngại mất lòng đối phương mà coi nhẹ sức khỏe của con.
2. Người ốm bệnh
Hành động ôm hôn trẻ, nhất là các trẻ ở lứa tuổi sơ sinh (0-6 tháng tuổi) khiến trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh. Ở lứa tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, chưa hoàn thiện nên chưa tự tạo được kháng thể chống lại các virus, vi khuẩn tấn công. Hơn nữa, lúc này trẻ vẫn chưa được tiêm nhiều loại vaccine phòng bệnh, do đó rất dễ tổn thương, mắc bệnh khi bị người khác ôm hôn.
Người đang ốm bệnh chính là những đối tượng dễ dàng truyền bệnh cho bé. Đôi khi chỉ là một căn bệnh thông thường nhưng vì đặc thù cơ thể, nếu >trẻ sơ sinh chẳng may mắc phải lại vô cùng nguy hiểm. Thậm chí có căn bệnh còn có thể để lại di chứng cả đời, nặng hơn là đe dọa tính mạng của bé.
Để phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi sơ sinh, người lớn cần phải rửa tay khi tiếp xúc với trẻ, kể cả người thân hay người lạ và không được ôm, hôn trẻ ở vùng mặt. Bởi có nhiều người lớn đang mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện ra ngoài, khi tiếp xúc sẽ truyền bệnh cho trẻ. Đặc biệt, nếu đã có biểu hiện ốm bệnh thì tuyệt đối không được bế em bé sơ sinh.
3. Người vụng về hoặc có khuyết tật ở tay, chân
Một em bé mới chào đời chỉ nặng vài cân, rất nhẹ nhưng việc bế ẵm chúng lại không hề dễ dàng đối với một số đối tượng. Đó là những người tính cách vụng về và người có khuyết tật ở tay, chân. Hai nhóm đối tượng này khả năng cao sẽ làm trẻ bị rơi ngã. Mà với một em bé sơ sinh, nếu chẳng may bị ngã sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, có khi là ảnh hưởng đến tính mạng.
4. Trẻ em
Nhiều gia đình có 2 con thường để con lớn bế ẵm hoặc trông em. Dẫu điều đó giúp mẹ được thảnh thơi phần nào và có lợi cho sự gắn kết tình cảm giữa 2 đứa trẻ, nhưng cha mẹ cần nhớ, trẻ em có sức lực và vốn hiểu biết còn hạn chế. Bé có thể làm ngã em khi bế hoặc vô tình gây ra nguy hiểm cho em bé mà trẻ không ý thức hết được.
Ngoài ra, bé sơ sinh có hệ xương rất non yếu, trẻ nhỏ lại chưa biết bế em bé đúng cách. Bế sai tư thế sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con. Nếu con lớn thích bế em, cha mẹ chỉ nên để con thử bế bằng cách đề nghị con ngồi ngay ngắn một chỗ. Sau đó đặt em bé sơ sinh vào vòng tay con trong thời gian ngắn, dưới sự quan sát và trông chừng của cha mẹ.