Cam tích là một bệnh mạn tính của trẻ em, do ăn uống kém, ăn các thức ăn sống lạnh, ăn ở trong điều kiện thiếu vệ sinh, làm tỳ vị bị tổn thương mà sinh bệnh.

13:00 14/07/2019

Trong Đông y, tỳ ưa ngọt nhưng do thiếu ngọt hoặc thừa ngọt cũng dễ sinh bệnh: “Cam là ngọt, tích là tích tụ”.

Nguyên nhân sinh bệnh: Sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc chu đáo, ăn uống không có điều độ, no đói thất thường, cai sữa sớm, hoặc mẹ không có sữa, ăn nhiều thức ăn béo ngọt, khi trẻ ốm đau không được điều trị kịp thời và dứt điểm, dùng thuốc kháng sinh quá liều, hoặc dùng sai thuốc, gây ra sự công phạt của thuốc. Trẻ sống ở nơi thiếu vệ sinh mắc chứng trùng tích (các loại giun chủ yếu là giun đũa) làm tổn thương tỳ vị dẫn đến tổn thương khí huyết mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Mặt vàng có khi cả da cũng vàng, người gầy, bụng to, nổi gân xanh, có khi đau bụng. Đại tiện phân sền sệt có khi phân lỏng, có mùi tanh hôi, kèm theo có giun đũa, tiểu tiện đục như nước vo gạo, có khi trẻ sốt từng cơn, ra mồ hôi trộm, mắt khô, sợ ánh sáng, hoặc mắt kéo màng...

Điều trị cho trẻ ngộ độc thuốc cam. Ảnh: Trần Minh

Bài thuốc điều trị chứng cam

Trong Đông y, chứng cam có nhiều loại như: cam thuộc tạng tâm, tạng can, tạng tỳ, tạng phế còn có tên là “khí cam” thuộc tạng thận. Nhưng chứng cam nhiều nhất vẫn thuộc tạng tỳ. Trong Đông y tỳ ưa ngọt nên mới gọi là chứng cam. Còn một loại cam khác nữa là cam tẩu mã (cam răng). bệnh này phát nhanh, tử vong nhanh nên mới có tên là tẩu mã. Cam này sinh ra ở răng, lúc đầu trẻ đau nhức răng rồi đen dần, răng bị phá hủy rồi đến xương hàm bị phá hủy, trẻ tử vong. Chứng này ít gặp. vì có nhiều chứng cam nên có tất cả 19 bài thuốc Đông y điều trị chứng cam của trẻ em. Riêng chứng cam tích thuộc tỳ có 9 bài thuốc: “Tiêu cam lý tỳ thang”, “Sử quân tử tán”, “Sâm linh bạch truật tán”, “Tiền thị khải tỳ tán”, “Hoàng liên đạo trệ hoàn”, “Phì nhi hoàn”... để điều trị có kết quả phải tùy theo từng loại cam, thời kỳ của bệnh mà chẩn đoán điều trị cho đúng.

Bài thuốc “Phì nhi hoàn” là bài thuốc điều trị chứng cam, bệnh thuộc tỳ vị của trẻ em là bài thuốc thường dùng. Một số gia đình cho là bài thuốc gia truyền. Hoặc là bài kinh nghiệm (nghiệm phương). Bài thuốc gồm: hậu phác, kê nội kim, bạch linh đều 4 lạng, tân hội bì (trần bì ở xứ Tân hội) thanh bì 2 lạng, Ngũ cốc trùng, sa nhân, Hồ liên (Hoàng liên xứ hồ bắc) đều 3 lạng (ngũ cốc trùng là con giòi trong phân người khi dùng phải đốt cháy thành than). Bạch truật 6 lạng, mạch môn, biển đậu, sơn tra đều 8 lạng, binh lang 1,5 lạng, can thiềm (cóc khô) 11 con (hầm đất sét cho cháy thành than) thần khúc 12 lạng. Các vị thuốc trên phải sao tẩm theo cách của Đông y. Tán bột mịn làm viên hoàn với mật ong, mỗi viên có trọng lượng 2 gam, sấy khô.

Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống một viên với nước cơm.

Vì sao >trẻ bị ngộ độc thuốc cam?

Trong 19 bài thuốc điều trị chứng cam có một số bài có các vị có chất độc hoặc rất độc như: chu sa, thần sa, hùng hoàng, hồng đơn, thiềm thừ, cốc trùng, cho nên phải biết bào chế; có những vị khi dùng chỉ hòa nước tỷ lệ 3/100 rồi nhúng viên thuốc vào làm áo với một liều lượng hết sức nhỏ như chu sa, thần sa; có những vị thuốc hiện nay ngành y tế cấm dùng như: hùng hoàng trong đó có thạch tín, hồng đơn trong đó có chất chì.

Những người có bài thuốc gia truyền ngành chức năng nên kiểm tra bài thuốc, tay nghề của người sản xuất trước khi cấp phép sử dụng. Thế hệ trước vì có trình độ chuyên sâu về Đông y nên mới có những bài thuốc độc đáo điều trị bệnh có kết quả tốt để lại cho thế hệ sau làm bài thuốc gia truyền. Nhưng thế hệ sau một số người không hiểu gì về cách bào chế Đông y và bệnh tật của bệnh nhân nên cứ làm ẩu, làm liều dùng sai, làm tổn hại đến >sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Ít nhất người thừa kế bài thuốc cam hay một bài thuốc gia truyền nào đó trước hết ngành chức năng phải kiểm tra tay nghề, sự hiểu biết về chuyên môn. Nếu như thuốc cam thì phải hiểu bệnh tật của trẻ em, hiểu tính chất và cách bào chế của các vị thuốc trong bài thuốc gia truyền, mới cấp phép hành nghề, có thể mời các chuyên gia Đông y đến kiểm tra tay nghề, không nên để tình trạng như hiện nay.

Theo TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng/ Sức khỏe & Đời sống