Hiện tượng thở bằng miệng trong khi ngủ ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến răng miệng, mà còn gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trong mắt các ông bố bà mẹ, tất cả mọi hành động của con đều được xem là dễ thương, kể cả trong lúc con đang ngủ. Không ít cha mẹ cho rằng hành động ngủ há miệng của con trông thật dễ thương. Tuy nhiên, Tiến sĩ Jason Turowski – chuyên gia về phổi cộng tác với bệnh viện South Pointe và Bệnh viện Marymount (Mỹ), nói rằng thở bằng miệng trong khi ngủ ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng mà còn gây ra một số vấn đề >sức khỏe nghiêm trọng.
Tiến sĩ Jason giải thích: "Thở bằng miệng khi ngủ là không hề tốt vì thở qua mũi mới tốt cho sức khỏe. Mũi lọc không khí mà chúng ta hít thở, loại bỏ chất độc và các phần tử lạ. Thêm vào đó, mũi sẽ giúp làm ấm không khí để nhiệt độ của nó phù hợp với phổi của chúng ta".
Tiến sĩ Jason cũng cho biết thêm, ngoại trừ khi trẻ bị nghẹt mũi do dị ứng, viêm xoang…bắt buộc phải thở bằng miệng ra, thì cha mẹ nên sửa tật ngủ há miệng cho con vì nếu không trẻ sẽ có nguy cơ mắc phải một số vấn đề về sức khỏe như sau:
1. Chứng ngưng thở lúc ngủ
Theo Tiến sĩ Jason thở bằng miệng trong khi ngủ có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ xảy ra khi hơi thở của một người đột ngột ngừng lại, sau đó bắt đầu thở lại. Các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm ngừng thở đột ngột trong khi ngủ, ngáy to, thức dậy với miệng khô, mất ngủ và mệt mỏi vào ban ngày. Bản thân chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm, thế nhưng không chỉ có vậy, nó còn có thể gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe khác như bệnh tim, gan và các vấn đề trao đổi chất.
2. Khô miệng và sâu răng
Khi trẻ ngủ mà há miệng, luồng không khí sẽ làm khô môi và toàn bộ miệng, bao gồm cả nướu. Kết quả là sẽ có những thay đổi trong vi khuẩn sống tự nhiên trong miệng của con, từ đó gây nên tình trạng sâu răng và các vấn đề về nướu.
3. Khớp cắn kém vì răng mọc lệch
Thói quen dùng miệng thay vì dùng mũi để thở sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về răng và hàm. Răng khấp khểnh, khớp cắn xấu, lệch lạc và cười hở lợi chỉ là một số trong số đó. Vì thở bằng miệng khiến cho vị trí lưỡi bị đặt sai làm ảnh hưởng đến khớp cắn, răng sẽ mọc chen chúc và hàm bị lệch.
Kết quả là khuôn mặt của trẻ sẽ phát triển không cân đối, cằm trông nhỏ hơn còn mũi trông to hơn.
4. Khuôn mặt trẻ bị biến dạng
Theo nghiên cứu của Giáo sư Bahija Basheer - công tác tại Khoa Nha khoa thuộc trường cao đẳng Nha khoa Al-Farabi (Riyadh, Ả Rập Xê Út) thì việc thở bằng miệng, cộng với tư thế lưỡi thấp khiến phần dưới của khuôn mặt trở nên dài hơn. Những đặc điểm này sẽ khá nổi bật ở trẻ sau 5 tuổi.
Ngoài ra, thở bằng miệng trong khi ngủ cũng có thể khiến khuôn mặt của trẻ bị "biến dạng" thành mặt lồi với cằm nhỏ và trán dô ra.
Do đó, tiến sĩ Jason khuyên các cha mẹ rằng nếu thấy con mình thở bằng miệng hãy đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra các vấn đề về hô hấp. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra một số lời khuyên cụ thể cần thiết cho từng trường hợp trẻ.