Sự trưởng thành của con cái thực ra chính là sự trưởng thành của những ông bố bà mẹ.

00:56 27/09/2021

Có rất nhiều cách để biết một chuyến bay đã hạ hay cất cánh chưa. Thời buổi công nghệ mà, ứng dụng rất nhiều. Nhưng với rất nhiều ông bố bà mẹ có con bay thật xa, một cái nhắn tin khi con đã đến nơi có ý nghĩa vô cùng lớn.

Nó không chỉ báo tin mọi việc đã suôn sẻ, mà còn là một sự kết nối giữa trái tim những người yêu mến nhau. Nó như một cái ôm, một cái hôn, một ánh nhìn thân thiết nhất mà chỉ những người trong gia đình mới hiểu.

Một ông bạn có con đi học nước ngoài có lần bảo mình, tớ lo lắm cậu ạ, tớ chẳng muốn con đi chút nào, nhưng mẹ nó muốn thế, bảo rằng không đi thì đến khi nào lớn. Mình chỉ cười, bảo, con có cuộc sống của con, rồi con sẽ đi, đấy là điều sẽ phải xảy ra. Nhưng mình hiểu cảm giác hẫng hụt của bạn.

 

Chính mình, rất tin tưởng con, rất biết con có thể tự lập và vốn sống của con đủ tốt để con đi một mình năm con 14 tuổi, cũng vẫn lo lắng nọ kia, rồi có lúc tưởng tượng cảnh con bị lạc đường, con đánh rơi giấy tờ, con quên cái này cái kia trên máy bay hoặc xe bus.

Rồi những ngày đầu tiên con đi mấy năm trước vẫn leo cầu thang để đứng trước cửa phòng riêng của con trên tầng. Rồi tự hiểu ra là con không còn ở đây nữa, con đi rồi, con sẽ đi lâu đấy, cái phòng ấy chỉ còn lại những thứ đồ con không thể mang theo thôi.

Sự trưởng thành của con cái thực ra chính là sự trưởng thành của những ông bố bà mẹ. Khi ta sợ con ta gặp khó khăn, trở ngại, khi ta hình dung con sẽ thế này thế nọ khi con không có bố mẹ ở bên nữa, ta sẽ lo lắng, thậm chí có những người mình quen cho con đi rồi có lúc mất ăn mất ngủ.

Và chính cảm giác ấy khiến họ muốn mình lúc nào cũng hiện diện bên con bằng những nhắn tin, Facetime để dặn dò đủ thứ. Không, bạn không thể dạy con tự lập nếu bạn làm cho con mọi thứ khi con ở nhà cùng bạn.

Bạn cũng không thể giúp con lớn nếu ngày nào cũng "kiểm tra" con đã làm điều này, làm điều kia theo lời bố mẹ dặn chưa khi con không còn ở nhà. Con đã đi xa nghĩa là có một khoảng trống, nhưng nó không thể được lấp đầy bằng nỗi lo lắng hoặc thái độ kiểm tra của bố mẹ chỉ vì bố mẹ nói luôn yêu con.

Mình, một ông bố rất khuyến khích con tự lập từ nhỏ, cũng lo cho con chứ, chuyện bình thường mà, nhưng không bao giờ thể hiện điều đó. Nhưng việc đó cũng phải học đấy, kể cả khi con đã học và sống ở châu Âu từ nhỏ, nghĩa là sự độc lập, tự chủ của con rất lớn, và con không có bất cứ vấn đề gì về sự hoà nhập, bởi con nói tiếng ở đó như người bản địa, con hiểu văn hoá và lối sống.

Bây giờ, mình, người luôn thúc đẩy con đi, cũng đã quen với việc con không còn ở nhà và những lời hẹn hò "một năm nữa gặp lại" ở đâu đó trên thế giới này. Và chợt hiểu cảm giác chống chếnh một chút khi vẫy tay tạm biệt con ở sân bay đến từ đâu.

Đấy là khi con còn ở nhà, mình cảm thấy ở bên con chưa đủ nhiều, hiểu con chưa đủ sâu, và không phải lúc nào cũng có mặt trong những dịp quan trọng trong đời học sinh của con, khi cứ hai năm, đến hè lại lên đường đi các World Cup và EURO.

Và vì thế, mình không thể có mặt trong những buổi biểu diễn của con ở trường (lúc thì con hát, lúc con đàn). Mấy năm nữa, khi con mũ áo tốt nghiệp đại học ở bên Anh, mình không thể vắng mặt...

Theo Trương Anh Ngọc/Gia Đình Mới