Đầy hơi khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, khiến bé khó chịu, quấy khóc nhưng cha mẹ có thể giúp bé loại bỏ hiện tượng này bằng 8 cách đơn giản.
Đầy hơi, chướng bụng là hiện tượng khá phổ biến và là một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khi bị đầy hơi, nếu bản thân bé không tự xử lý được và không có mẹ giúp giải quyết hiện tượng này thì bé có thể cảm thấy khó chịu, bứt rứt, quấy khóc và ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới >sức khỏe của trẻ. Vì vậy, mẹ cần nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như giải pháp để xử lý kịp thời khi trẻ bị đầy bụng, giúp bé thoải mái, dễ chịu hơn.
Chuyên gia, bác sĩ Low Kah Tzay, công tác tại Phòng khám Nhi khoa và phát triển trẻ em Quốc tế Anson (Singapore) cho biết tình trạng đầy bụng của trẻ sẽ dần cải thiện khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi, lúc này hệ tiêu hóa đã dần hoàn thiện hơn kể từ sau khi chào đời. Lí giải về nguyên nhân gây ra chứng đầy hơi, bác sĩ Low liệt kê một số nguyên nhân chính như sau:
- Trẻ bú mẹ nhiều hơn nhu cầu: Bác sĩ Low cho hay trẻ có thể vô tình bú nhiều hơn nhu cầu nếu mẹ có nguồn sữa dồi dào, dẫn đến hiện tượng trào ngược, đầy bụng, khó chịu. Mẹ có thể hạn chế bằng cách vắt ra bình trước rồi cho bé ăn để kiểm soát lượng sữa, hoặc mỗi lần cho bé bú thì chỉ bú một bên.
- Quá tải đường lactose từ sữa mẹ: Một số bé không dung nạp và bị quá tải lactose trong sữa mẹ nên rất dễ bị đầy bụng, xì hơi nhiều quá mức.
- Đồ ăn của mẹ: Có một thực tế là thực phẩm mẹ ăn cũng có thể khiến bé bị đầy bụng thông qua nguồn sữa mẹ.
Nếu mẹ thấy bé có hiện tượng không thoải mái, bứt rứt, chướng bụng thì rất có thể là bé bị đầy hơi và cần xả khí. Mẹ hãy tham khảo ngay một số kỹ thuật "xì hơi" cho bé hiệu quả sau đây:
1. Thay đổi tư thế cho bé
Việc thay đổi tư thế cho bé có thể giúp loại bỏ lượng khí dư thừa trong bụng của bé. Chẳng hạn, mẹ cho bé ngồi dậy hoặc di chuyển đi lại một chút sẽ hiệu quả trong việc đẩy sạch khí trong dạ dày ra ngoài, làm bé cảm thấy dễ chịu hơn.
2. Mát xa cho bé
Mẹ hãy đặt bé nằm sấp lên một bề mặt phẳng, nâng chân bé lên để tì vào vị trí dạ dày, nhẹ nhàng mát-xa bụng bé. Mẹ cũng có thể thử đặt bé nằm ngửa, di chuyển chân và hông bé vòng quanh như động tác đạp xe đạp, chuyển động này đẩy khí tích tụ trong bụng ra ngoài.
3. Cho bé bú đúng tư thế
Khi cho con bú, mẹ hãy giữ sao cho đầu của bé cao hơn dạ dày để giảm việc bé nuốt không khí, sữa có thể trôi xuống đáy dạ dày trong khi bóng khí nổi lên trên cùng, bé sẽ dễ ợ hơi hơn. Nếu bé bú bình thì mẹ hãy điều chỉnh bình ở góc để sữa lấp đầy toàn bộ núm ti, như vậy bé sẽ không nuốt phải bong bóng sữa.
4. Vỗ ợ hơi sau khi bú
Sau khi cho bé bú, mẹ hãy chú ý cho bé ợ hơi bằng cách ôm bé dựa đầu trên vai hay ngực bạn, khum tay vỗ nhẹ vào lưng bé cho đến khi bé phát ra tiếng ợ sảng khoái.
5. Thay đổi dụng cụ cho bú
Mẹ hãy lựa chọn những loại bình có dụng cụ hỗ trợ giảm lượng hơi thừa khi bé bú sữa.
6. Tắm nước ấm cho bé
Tắm nước ấm là một cách tuyệt vời để giúp bé thư giãn, cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy thêm một chút dầu oải hương vào nước tắm để tăng hiệu quả.
7. Cho bé bú trước khi bị đói
Khi bé đói rất dễ khóc để đòi ăn. Quá trình khóc cũng khiến cho bé nuốt vào nhiều không khí. Vì vậy, mẹ hãy cho bé ăn trước khi bé bị đói và phải khóc.
8. Dùng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ
Nếu tình trạng đầy bụng của bé không cải thiện và liên tục khiến bé khó chịu, bác sĩ Low khuyên mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám. Ông cũng lưu ý rằng nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ kê thuốc cho bé nếu bé bị trào ngược gây đau bụng hoặc không dung nạp đường lactose trong sữa.