Vào hè, lựa chọn bộ môn thể dục nào hay ăn uống ra sao để tăng chiều cao cho con trẻ đang là mối quan tâm của nhiều phụ huynh.
Để con trai 7 tuổi (nặng 30kg, cao 1,1m) giảm cân và tăng chiều cao, trưa 5-6 chị Huỳnh Trâm (42 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) đưa bé đến Trung tâm thể dục Bằng Tâm (sân vận động Quân khu 7, TP.HCM) để được tư vấn môn học thể thao phù hợp với thể trạng và cân nặng.
Năng động và tránh xa thiết bị điện tử
Tại đây, hiện có hơn 2.000 học viên, tăng gấp đôi so với những ngày trong năm học. Trong đó, hầu hết phụ huynh đều mong muốn con em mình sẽ tăng chiều cao, giảm cân, năng động hơn, tránh xa các thiết bị điện tử... sau kỳ tập luyện.
Theo kết quả từ trung tâm này, sau khóa học 4 tháng, trung bình mỗi bé tăng thêm 2-3cm tùy thể trạng, đặc biệt, kết quả này tốt đối với trẻ tiền dậy thì (dưới 10 tuổi).
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm - chủ nhiệm lớp thể dục phát triển chiều cao tại Bằng Tâm - cho hay để phát triển chiều cao và cải thiện thể lực, trẻ cần tăng sức mạnh các nhóm cơ, phát triển xương - khớp, kéo giãn toàn thân, điều chỉnh cân nặng, vóc dáng cân đối.
"Những bộ môn thích hợp trong kỳ nghỉ hè là: bóng đá, điền kinh, bóng né, bóng rổ, bộ môn vận động dưới nước, rượt bắt. Ngoài ra, để tăng tính hứng thú trong quá trình tập luyện, các trẻ nếu được thì tham gia thêm các giải thưởng khi tập luyện theo hình thức thi đấu" - chị Ngọc Tâm nói.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Karen Postal, thể dục thể thao không chỉ tăng sức đề kháng, mà còn giúp bé tỉnh táo hơn, tập trung tốt hơn và vì thế học hành tốt hơn. Đồng thời, hormone endophine được tiết ra khi tập thể dục sẽ giúp con vui vẻ hơn và tránh các chứng trầm cảm, lo âu.
"Tập luyện thể thao vào kỳ nghỉ hè sẽ giúp trẻ tăng cường >sức khỏe, kích thích sự phát triển xương khớp và góp phần hình thành thói quen tốt cho trẻ. Bên cạnh đó, việc tham gia các môn thể thao đồng đội sẽ giúp trẻ gắn bó với bạn bè và nâng cao tinh thần đoàn kết hơn" - chị Tâm chia sẻ thêm.
Theo anh Nguyễn Long (huấn luyện viên thể thao), nguyên tắc chung cho trẻ tập luyện ngày hè là phù hợp với thể trạng và cường độ tập luyện vừa phải. "Hãy giúp trẻ tìm ra môn thể thao phù hợp và xác định địa điểm tập - trường học, trung tâm >giải trí hay sân sau nhà" - anh Nguyễn Long góp ý.
Ngoài cho trẻ >luyện tập, phụ huynh cần chú ý đến chế độ >dinh dưỡng. Trong đó, cần hạn chế tối đa cho trẻ ăn đường, mỡ, món ăn vặt vì có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi và gây dậy thì sớm.
Chị NGUYỄN THỊ NGỌC TÂM
Tầm soát miễn phí trẻ chậm tăng trưởng chiều cao
Nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể phát hiện sớm và theo dõi các rối loạn về tăng trưởng ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt là rối loạn do thiếu hormone tăng trưởng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình "Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em" từ ngày 8-6 đến 27-7.
Theo đó, chương trình diễn ra từ 8h - 11h vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, tại lầu 3 - khu A Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP.HCM).
Phụ huynh đăng ký khám cho trẻ trực tiếp tại bệnh viện vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật trong thời gian tổ chức chương trình, hoặc gọi điện thoại số 0774 880 289 (trong giờ hành chính, từ 8h - 16h, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần).
TS.BS Trần Quang Khánh - trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết trẻ từ lúc mới sinh đến trước tuổi dậy thì đều có thể có biểu hiện chậm tăng trưởng chiều cao. Nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.
Theo bác sĩ Khánh, quá trình điều trị cần bắt đầu trước khi trẻ dậy thì. Tốt nhất điều trị trong khoảng độ tuổi 4-13. Nếu qua "thời gian vàng" này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng.
Thực tế các trường hợp điều trị bằng hormone tăng trưởng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy các bé sẽ tăng được từ 6 - 12cm/năm và khoảng 80% bé tăng được 1cm/tháng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần bắt đầu sớm, trước khi trẻ dậy thì mới có kết quả.