Những câu hỏi như tại sao trẻ sơ sinh lại ngủ nhiều hơn thức, tại sao cái gì bé cũng đưa vào miệng hay tại sao bé lại có khả năng tìm vú mẹ và nhận diện khuôn mặt mẹ chính xác như vậy, tất cả sẽ được giải đáp cụ thể ở bài viết dưới đây.

05:30 02/12/2018

Trẻ sơ sinh vốn khá non nớt, bé chào đời chưa được bao lâu và tất cả mọi sinh hoạt của bé đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của bố mẹ. Đối với các mẹ, nhất là làm mẹ lần đầu thì sự bỡ ngỡ trong quá trình chăm trẻ sơ sinh là không thể tránh khỏi. Rất nhiều thắc mắc và câu hỏi được đặt ra xoay quanh bé như vì sao trẻ sơ sinh thường gào khóc vào ban đêm mà không có một lý do nào, tại sao bé lại ngủ nhiều hơn thức, thế giới dưới góc nhìn của một em bé vừa chào đời sẽ ra sao, tại sao cái gì bé cũng đưa vào miệng...

Các mẹ hãy cùng giải mã bí ẩn cũng như khám phá thêm nhiều sự thật thú vị về các bé sơ sinh trong bài viết dưới đây để không còn bỡ ngỡ và chủ động hơn trong quá trình chăm sóc các bé.

1. Vì sao các bé sơ sinh thường hay khóc vào ban đêm?

 

Các bé sơ sinh thường hay khóc đêm có thể không vì một lí do nào hết (Ảnh minh họa).

Đây có lẽ là nỗi lo của không ít bậc cha mẹ khi không thể hiểu vì sao bé nhà mình lại hay quấy khóc vào ban đêm mà không hề có một lý do nào. Dưới góc độ khoa học, có khá nhiều giả thiết giải thích cho hành động này và một trong số đó chính là để ngăn ngừa việc có thêm một người em. Tác giả David Haig, người đã đề ra giả thuyết và cho rằng hành vi khóc không có nguyên do của trẻ là kết quả của quá trình tiến hóa vì bé có nhiều cơ hội sống sót hơn nếu bố mẹ bé không phải chăm sóc nhiều người con khác. Và tất nhiên là quấy khóc khiến cho bố mẹ phải mất ngủ và lo lắng là cách thể hiện duy nhất mà các bé có thể làm lúc này.

Ngoài ra, còn có một giả thiết thú vị khác đó là còn tùy thuộc vào em bé thừa hưởng đức tính của bố hay mẹ. Nếu bé theo gene của mẹ thì sẽ thuần tính, ít làm phiền cha mẹ hơn những bé theo gene của bố. Đây đều là những giả thiết được các nhà khoa học đặt ra và khá nhiều bậc cha mẹ tỏ ra bất ngờ.

2. Não của trẻ sơ sinh phát triển như thế nào?

 

Não trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh chỉ trong vòng 3 tháng sau khi chào đời (Ảnh minh họa).

Câu trả lời là sau khi sinh, não của các bé phát triển rất nhanh. Nó có thể đạt một nửa kích thước so với bộ não trưởng thành chỉ trong vòng 3 tháng đầu đời. Hơn nữa, các nhà khoa học còn cho rằng bé đã có thể khám phá thế giới ngay từ khi còn đang ở trong bụng mẹ bằng việc nhìn thấy ánh sáng mạnh và nhận ra giọng nói của mẹ hay thậm chí là một bài hát yêu thích nào đó.

3. Tại sao bé lại không thể nhớ những kí ức khi còn nhỏ?

 

Trẻ sẽ không thể nhớ những sự kiện đã xảy ra trong những năm tháng đầu đời (Ảnh minh họa).

Chứng mất trí nhớ ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng sau này khi lớn lên trẻ không thể nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trong những năm tháng đầu đời. Các nhà khoa học không biết tại sao nó lại xảy ra, nhưng có một nghiên cứu cho thấy quá trình sản xuất tế bào não mới ở trẻ nhanh hơn ở người lớn, và những tế bào mới này thay thế các tế bào cũ lưu trữ những ký ức ban đầu khiến cho kí ức của trẻ biến mất.

4. Làm cách nào mà bé tìm được núm vú nếu được đặt lên bụng mẹ?

 

Phản xạ bé tìm vú mẹ đã được khoa học lí giải (Ảnh minh họa).

Nếu bé được đặt lên bụng mẹ trong vòng một giờ đầu tiên sau khi chào đời, bé sẽ có phản xạ tiến lên để tìm núm vú của mẹ mình. Lời giải thích ở đây chính là núm vú mẹ có mùi hương gần giống nước ối, nơi bé đã gắn bó trong suốt 9 tháng. Vị giác của bé cũng phát triển ngay từ khi còn trong bụng mẹ, mẹ ăn thức ăn gì thì bé cũng có xu hướng thích những món đó sau này và tìm đến mùi hương quen thuộc.

Ngoài ra, các nhà khoa học người Ý còn phát hiện ra rằng trong hai ngày đầu tiên sau khi sinh, có một sự khác biệt đáng kể giữa nhiệt độ môi của trẻ sơ sinh và nhiệt độ bầu núm vú của mẹ. Chính điều này đã tạo ra sự hấp dẫn về nhiệt hay nói cách khác, trẻ sơ sinh di chuyển về phía núm vú để tìm kiếm nguồn nhiệt, giống như một mũi tên dò tìm sức nóng của nguồn nhiệt ấy.

5. Thế giới hiện ra dưới góc nhìn của một em bé vừa chào đời sẽ như thế nào?

 

Thị lực của bé dần cải thiện theo thời gian

Không giống người lớn, các bé sơ sinh chỉ có thể nhìn thế giới với 2 màu đen - trắng, hoặc xám. Tầm nhìn của bé cũng hạn chế, không thể nhìn thấy những vật ở cách xa hơn 30 cm. Càng ở xa thì bé nhìn càng thấy nhòe vì thị lực của hai mắt bé còn kém, khả năng não phối hợp hình ảnh nhận được từ cả hai mắt vẫn còn đang trong quá trình phát triển. Trẻ có thể nhận diện khuôn mặt và vật thể một cách tối ưu nhất trong tầm nhìn 25 cm, đây cũng chính là khoảng cách giữa bé và gương mặt của người mẹ khi đang bú sữa.

6. Vì sao lại nói: Thai nhi "sống" mãi trong cơ thể mẹ?

 

Tế bào của thai nhỉ giúp chữa lành bệnh cho người mẹ để tăng cơ hội sống sót (Ảnh minh họa).

Một nghiên cứu tiến hành trên loài chuột đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra tế bào gốc của thai nhi có thể giúp khôi phục trái tim bị tổn thương của mẹ sau cơn đau tim. Bà Hina Chaudhry, nhà khoa học tiến hành nghiên cứu này cho rằng chính các tế bào của thai nhi đã chữa lành bệnh cho người mẹ để tăng cơ hội sống sót. Mặc dù còn nhiều điều cần phải làm rõ và có bằng chứng chứng minh cụ thể hơn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đặt giả định rằng thai nhi có dùng chung tế bào với mẹ.

7. Vì sao bé thường cho tất cả mọi thứ vào miệng

 

Bé phải sử dụng môi và lưỡi để tìm hiểu thế giới xung quanh thay cho tay (Ảnh minh họa).

Trong vòng 7 tháng đầu sau sinh, trẻ không thể khám phá thế giới bằng ngón tay của mình bởi các kỹ năng vận động tinh chưa phát triển đủ để chà xát hoặc cầm nắm, cảm nhận đồ vật. Bé phải sử dụng môi và lưỡi để tìm hiểu thế giới xung quanh như một phương pháp thay thế hoàn hảo. Đó là lí do vì sao bố mẹ hay thấy các bé liên tục cho tất cả mọi thứ vào trong miệng của mình một cách hứng thú như vậy.

8. Tại sao thời gian bé ngủ nhiều hơn thời gian thức?

 

Khi ngủ cơ thể sẽ hấp thụ glucose nhanh hơn và hiệu quả hơn là thức (Ảnh minh họa).

Bộ não của trẻ sơ sinh tiêu thụ đến 50% lượng đường glucose mà cơ thể hấp thụ được từ thực phẩm, trong khi con số này ở người trưởng thành chỉ là 20%. Đây là lí do các nhà khoa học lí giải cho việc các bé dành nhiều thời gian trong ngày chỉ để ngủ, bởi khi ngủ cơ thể sẽ hấp thụ glucose nhanh hơn và hiệu quả hơn là thức.

9. Nguyên nhân bé ăn nhiều bữa trong ngày là gì?

 

Dạ dày của bé sơ sinh còn khá nhỏ nên phải chia thành nhiều lần ăn trong ngày (Ảnh minh họa)

Khi mới sinh, dạ dày của bé còn khá nhỏ, không thể chứa nhiều thức ăn cùng lúc. Thay vì ăn 3 bữa chính như người lớn thì các bé phải chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Tuy nhiên, cơ quan chứa thức ăn này lại phát triển với tốc độ chóng mặt, chỉ sau 2 tuần đầu nó đã có thể to ra bằng một quả trứng nên mẹ không cần quá lo lắng về bữa ăn nhỏ xíu của các bé lúc này nhé.

Theo Phương Phương/ Helino