Nghiên cứu mới nhất một lần nữa chỉ ra tác hại của vật dụng quen thuộc này đối với sức khỏe của trẻ em ngày nay.
Nghiên cứu trên do Tiến sĩ Jean Twenge - Khoa Tâm lý, Đại học Bang San Diego (Mỹ) và cộng sự tiến hành. Kết quả cho thấy, trẻ em dành nhiều giờ chơi điện thoại di động, máy tính bảng hay máy chơi trò chơi điện tử bị tăng nguy cơ thiếu ngủ. Trẻ dưới 10 tuổi dùng các "thiết bị điện tử cầm tay" từ 4 tiếng trở lên thì nguy cơ ngủ không đủ tăng gấp 2 lần.
Thiết bị cầm tay được coi là gây tác hại nhiều hơn so với việc xem tivi đơn thuần do trẻ có thể lén giấu chúng trong phòng ngủ để chơi khi đèn ngủ đã tắt.
Đó là lý do Viện Nhi khoa Mỹ, Hiệp hội Nhi khoa Canada và Cơ quan Y tế Australia đều khuyên trẻ em không nên dành quá 2 tiếng xem màn hình mỗi ngày.
Nhưng sự phổ biến rộng rãi của điện thoại di động và máy tính bảng những năm trở lại đây đồng nghĩa với việc khuyến nghị trên thường bị bỏ qua – các tác giả nghiên cứu viết trên tạp chí Sleep Medicine.
Để kiểm tra tác động của thiết bị điện tử di động (cầm tay) so với thiết bị điện tử tĩnh (như tivi), các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu cuộc khảo sát quốc gia về >sức khỏe trẻ em năm 2016, cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.
Theo đó, người chăm sóc 43.755 trẻ em khỏe mạnh đến năm 17 tuổi cần trả lời bảng câu hỏi về mức độ trẻ thường xuyên sử dụng máy vi tính, điện thoại di động, máy chơi game hay các thiết bị điện tử khác vào các ngày trong tuần và câu trả lời bao gồm dưới 1 giờ tới hơn 4 giờ.
Những người chăm sóc trẻ cũng được đề nghị trả lời xem thời gian trẻ ngủ mỗi đêm là bao nhiêu.
"Thiếu ngủ" không được định nghĩa trong nghiên cứu trên. Tuy nhiên, NHS (dịch vụ y tế quốc gia của Anh) khuyến nghị trẻ 5 tuổi nên ngủ 11 tiếng, 10 tuổi ngủ 9 tiếng và 45 phút, trẻ 15 tuổi ngủ 9 tiếng/ngày.
Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, trẻ nhỏ dành nhiều thời gian xem màn hình thì thời gian ngủ sẽ giảm đi. Tác hại của các thiết bị điện tử cầm tay cũng cao hơn so với việc xem tivi hay sử dụng máy vi tính. Kết quả này vẫn đúng sau khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố như sự lo lắng, trầm cảm, mức độ hoạt động và chỉ số BMI của người tham gia.
Một chi tiết có lẽ khá bất ngờ, đó là tác hại của thiết bị điện tử giảm đi ở trẻ từ 10 tuổi trở lên. Trong khi trên thực tế, trẻ ở độ tuổi này nhiều khả năng có điện thoại di động hơn so với trẻ nhỏ tuổi.
Theo nghiên cứu, trẻ dưới 10 tuổi dành nhiều hơn 4 tiếng mỗi ngày để xem thiết bị điện tử cầm tay tăng gấp đôi nguy cơ thiếu ngủ so với trẻ không dùng điện thoại di động, máy tính bảng. Trẻ từ 11-13 tuổi dùng thiết bị điện tử cầm tay mỗi ngày từ 4 tiếng trở lên có hơn 57% nguy cơ không ngủ đủ. Con số này là 44% ở trẻ 14-17 tuổi.
Ngoài việc có thể sử dụng dễ dàng trên giường ngủ, thiết bị điện tử cầm tay cũng dễ giấu. Điều này có nghĩa là trẻ hoàn toàn có thể lén xem các đoạn clip, hình ảnh có nội dung bạo lực hoặc thô tục.
Một lưu ý khác, màn hình thiết bị càng nhỏ thì khả năng trẻ càng đưa chúng về gần mắt để xem. Điện thoại di động, máy tính bảng phát ra ánh sáng xanh, làm ức chế quá trình tiết hormone ngủ có tên melatonin. Trường hợp càng ngồi sát màn hình bao nhiêu thì tác hại của ánh sáng xanh càng tăng lên bấy nhiêu.
Theo các nhà nghiên cứu, cần tiến hành xem xét kỹ hơn trong tương lai để xác định thời điểm chính xác trong ngày khi các thiết bị điện tử cầm tay tác động nhiều nhất tới giấc ngủ.
Tivi đặt trong phòng ngủ, trẻ tăng nguy cơ béo phì
Các bé gái từ tuổi lên 4, nếu có tivi lắp đặt trong phòng ngủ của mình, thì nguy cơ béo phì sẽ tăng lên. Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Bồ Đào Nha.
Họ đã phân tích lối sống và thói quen của 120 bé gái tuổi từ 4 đến 5 bằng cách đặt câu hỏi cho cha mẹ các bé.
Kết quả, ở những gia đình có tivi trong phòng ngủ của con, nguy cơ thừa cân ở các bé gái tăng gấp 3 lần. Nguy cơ béo phì tăng gấp 4 lần. Gần 2/3 phụ huynh tham gia nghiên cứu thú nhận rằng, họ lắp tivi trong phòng ngủ của con trước khi trẻ lên 6 tuổi.