Viêm bao quy đầu là hiện tượng phổ biến ở các bé trai, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nếu thấy con có dấu hiệu tiểu buốt, bao quy đầu tấy đỏ và các triệu chứng bất thường khác thì nguy cơ cao trẻ đã bị viêm bao quy đầu.
Viêm bao quy đầu là bệnh lý nam khoa phổ biến ở người lớn và cả trẻ em. Hội chứng viêm bao quy đầu xuất hiện ở trẻ em do 2 nguyên nhân chính:
- Các yếu tố bên trong: Bao quy đầu của trẻ phát triển bất thường (hẹp bao quy đầu, dài bao quy đầu bẩm sinh...). Các vấn đề này khiến cho cặn bã nước tiểu, chất bẩn tích tụ lâu ngày bám ở đầu dương vật, vi khuẩn từ đó có điều kiện sinh sôi gây nên tình trạng viêm nhiễm.
- Ảnh hưởng của môi trường và hoạt động bên ngoài: Thói quen vệ sinh bao quy đầu hàng ngày ở trẻ không đúng cách hoặc do quá trình trẻ vui chơi, tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm tại các khu vực hồ, ao, sông, suối.
Trẻ bị viêm bao quy đầu nếu không được phát hiện kịp thời có thể ảnh hưởng đến >sức khỏe và tinh thần. Nghiêm trọng hơn, tình trạng viêm nhiễm bao quy đầu nếu không được phát hiện sớm có thể khiến cơ quan sinh sản của trẻ bị ảnh hưởng khi trưởng thành, nhiều trường hợp gây hoại tử hoặc ung thư dương vật.
Khi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ cần kịp thời vệ sinh vùng bao quy đầu và đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán tình trạng bệnh:
- Bao quy đầu trẻ tấy đỏ, xuất hiện mủ trắng, đi tiểu tiện có cảm giác đau buốt. Nhiều trường hợp bao quy đầu xuất hiện nốt đỏ, bao da căng bóng.
- Trẻ bị viêm bao quy đầu sẽ liên tục quấy khóc, khóc nhiều hơn khi đi tiểu. Trẻ hay sờ vào bao quy đầu và gãi do tình trạng viêm bao quy đầu có thể gây ngứa.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Bùi Thế Lữ - Bệnh viện Mỹ Phước (Bình Dương) cho biết trẻ bị viêm bao quy đầu do bao quy đầu bị hẹp cần tiến hành điều trị sưng viêm trước, đồng thời kết hợp vệ sinh đúng cách và tiến hành nong bao quy đầu.
Trường hợp bao quy đầu trẻ quá dài, khi đi tiểu nước tiểu đọng lại phía đầu dương vật gây viêm nhiễm dẫn đến tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ cắt bao quy đầu. Đây sẽ là biện pháp can thiệp sau cùng vì trên thực tế chỉ nên tiến hành cắt bao quy đầu cho trẻ khi đã trưởng thành.
Bác sĩ Bùi Thế Lữ thông tin, đối với trường hợp nong bao quy bầu bằng tay, để hạn chế cơn đau, cha mẹ có thể dùng gạc tẩm vaseline sau khi điều trị viêm nhiễm dứt điểm. Nếu bé đau và không chịu hợp tác cùng cha mẹ, nên đưa bé đến cơ sở y tế để các bác sĩ tiến hành nong bao quy đầu bằng dụng cụ.
Đối với trường hợp viêm bao quy đầu do các yếu tố viêm nhiễm thông thường, trẻ sẽ được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh bôi và uống để giảm sưng tấy kết hợp với hoạt động vệ sinh bao quy đầu bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Trẻ sẽ hết tình trạng sưng tấy, tiểu buốt sau một thời gian điều trị.