Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bé, mẹ đừng nên bỏ qua dấu hiệu bệnh sau.
Trong quá trình chăm sóc các bé yêu, có rất nhiều dấu hiệu, triệu chứng biểu hiện bất thường có thể xảy ra ở bé, nếu mẹ lơ là không để ý và không có biện pháp xử lý kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm mà chúng ta không thể lường trước được.
Trước các triệu chứng và dấu hiệu dưới đây của trẻ, các mẹ chớ nên xem thường. Trẻ có khỏe mạnh hay không là do sự chăm sóc yêu thương từ cha mẹ, chính vì thế trẻ sơ sinh cần có một sự chăm sóc đặc biệt để trẻ có thể lớn khỏe mạnh.
1. Có dấu hiệu lạ ở môi
Nếu môi và lưỡi của trẻ đột nhiên sưng, thì đây có thể là một dấu hiệu của sốc phản vệ; một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Nếu sưng kèm theo nôn mửa hoặc ngứa, mẹ cần phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Những triệu chứng này thường khiến cho cổ họng bị sưng và ảnh hưởng nhiều đến đường thở của trẻ.
Bên cạnh đó, khi thấy trẻ có những dấu hiệu môi tím tái, xanh, hoặc trong lưỡi có màng nhầy, kèm màu xanh là dấu hiệu cơ thể thiếu oxy hay còn gọi là chứng da xanh. Tình huống này rất nhiều bố mẹ chủ quan và suy nghĩ đơn giản nên dễ dẫn đến những tình huống nguy hiểm.
Ở trẻ em, nó có thể là một triệu chứng của bệnh đường hô hấp và là nguyên nhân gây ho, khàn tiếng. Ở người lớn, đôi môi tím tái thường là một triệu chứng khi tim đang gặp khó khăn để bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Triệu chứng này thường thấy ở những người bị suy tim mãn tính.
Cách thức xử lý: Khi bé có hiện tượng này, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Đảm bảo cho bé được thoáng khí, dễ thở, tránh mặc cho bé quá nhiều áo quần hay cuôn bé quá chặt sẽ khiến bệnh càng thêm trầm trọng.
2. Khó thở
Trẻ sơ sinh thường thở nhanh hơn người lớn và có nhịp thở không đều, thậm chí thấy rút lõm ngực nhẹ do lồng ngực mềm. Bình thường nhịp thở của bé dao động từ 20-40 nhịp một phút và thỉnh thoảng khi vừa mới thức dậy, nhịp thở của bé sẽ tăng nhanh hơn một chút. Nếu trường hợp trẻ thở nhanh, khó thở, lồng ngực rung lên, thở bằng mũi thì rất có thể trẻ gặp vấn đề về đường hô hấp, mà cụ thể là chứng suy hô hấp hay khó thở thanh quản. Hầu hết trẻ bị khó thở thanh quản đều có những dấu hiệu như hít thở khó, thở chậm, nghe có tiếng rít thanh quản khi thở, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp nhất là tình trạng lõm ức và rút lõm lồng ngực.
Cách thức xử lý: Các mẹ nên cho trẻ bú đều, uống đầy đủ nước. Nếu trẻ đang bị khó thở và kèm theo môi, miệng, mặt tím tái hoặc xanh nhạt, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
3. Đau bụng
Dấu hiệu trẻ bị đau bụng là dấu hiệu tương đối phổ biến, tùy theo biểu hiện và độ tuổi của trẻ mà nó là triệu chứng của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau
Trẻ lớn xuất hiện đau bụng phía dưới, bên phải hoặc đột nhiên đau quặn bụng... thì các bà mẹ hãy bảo trẻ thử nhảy lên xuống, nếu thấy đau hơn khi làm vậy thì đó có thể là dấu hiệu đau ruột thừa. Đau do viêm ruột thừa có thể bắt đầu xung quanh rốn và di chuyển về bên phải. Với viêm ruột thừa, dấu hiệu nhận biết là tiêu chảy, sau đó đau bụng, nôn, đau đớn, sốt. Khi mẹ nhận thấy những dấu hiệu này của con thì cần cho đi khám ngay lập tức để kịp thời chữa trị.
Nếu trẻ nhỏ bị đau bụng thất thường, lúc thì quặn thắt lúc lại đó có thể là dấu hiệu của chứng lồng ruột - một loại rối loạn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ khi các đoạn ruột bị vướng vào nhau. Cơn đau sẽ thường xuất hiện khoảng 20 đến 60 phút, có thể dẫn đến nôn mửa, sốt, đi ngoài ra máu. Khi con quá đau, mẹ hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa con thẳng đến bệnh viện.
Cách thức xử lý: các mẹ thử thay đổi thức ăn hằng ngày cho con, và trong trường hợp trẻ bị đau quá thì ngay lập tức phải đưa đến bệnh viện để nhờ các bác sĩ can thiệp.
4. Sốt cao trên 38 độ C
Trẻ em với hệ miễn dịch, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ bị sốt cao do nhiễm trùng vi rút, vi khuẩn, thời tiết thay đổi, mọc răng,…
Nếu bé dưới 2 tháng tuổi bị sốt cao, có thể bé bị cảm sốt (chỉ có dấu hiệu sót và cơ thể mệt mỏi) hay viêm màng não, viêm não do mô cầu (kèm theo xuất hiện các ban giống như vết bầm tím hoặc đốm nhỏ hình sao). Mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt vì bệnh viêm màng não và viêm não do mô cầu rất nguy hiểm đến tính mạng, diễn biến nhanh và nặng.
Còn khi trẻ đã trên 2 tuổi, sốt là bệnh lý phổ biến nên bạn không cần quá lo lắng nếu thấy bé không mất nước và không có biểu hiện bất thường.
Cách thức xử lý: Nên chữa trị càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng tới >sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Bởi sốt cao trên 38 độ C là dấu hiệu ban đầu của nhiều loại bệnh. Bố mẹ không được tự ý mua thuốc về cho trẻ uống khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Khi bé không có chiều hướng giảm hoặc kéo dài nhiều hơn 5 ngày thì các mẹ cần đưa bé đến bệnh viện.
5. Bị choáng và ngất xỉu bất thường
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ bị choáng và dễ bị ngất như quá mệt mỏi, học hành căng thẳng, do quá đói,… Nhưng trẻ bỗng nhiên choáng rồi ngất xỉu không rõ nguyên nhân, cha mẹ không nên chủ quan, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Bởi các trường hợp bị ngất không rõ nguyên nhân có tỉ suất tử vong sau 1 năm là 6% và tần suất đột tử là 4%, còn những bệnh nhân bị ngất do nguyên nhân tim thì có tỉ suất tử vong sau 1 năm là từ 18 -33% và tần suất đột tử là 24%.
Cách thức xử lý: Nếu trẻ đã ngất, để trẻ ở tư thế nằm ngửa và kiểm tra hơi thở. Nếu bé đã ngưng thở thì cần phải thực hiện các bước sơ cứu đơn giản như: nâng chân trẻ lên từ 20 – 30 cm để tăng lượng máu lên não; Nới lỏng quần áo; Gọi cấp cứu nếu trẻ vẫn bất tỉnh hơn 1 phút bởi khi trẻ xỉu dài trong vài phút hơi thở ngắn, nhịp tim yếu, co giật hoặc lên cơn tai biến.
Các mẹ lưu ý: Nếu trẻ ngất xỉu và tỉnh lại sau vài phút mẹ cũng nên đưa trẻ đến bác sỹ để kiểm tra.
6. Trẻ bị mất nước
Theo các chuyên gia nhi khoa, cách để nhận biết xem trẻ sơ sinh có khỏe mạnh hay không là quan sát số lượt thay tã một ngày của bé. Số lần thay tã cho bé trong ngày là một chỉ số rất tốt để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé cưng. Nếu trẻ không cần thay tã thường xuyên, điều đó có thể báo hiệu một vấn đề bất ổn nào đó. Khi bé yêu chưa đầy một tháng tuổi, mỗi ngày bé sẽ làm ướt từ 6 miếng tã trở lên và đi tiểu 3 - 4 lần. Không có gì là bất thường khi cha mẹ của trẻ sơ sinh phải thay tã cho bé ít nhất 10 lần trong ngày ở giai đoạn đầu đời.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ không ướt tã, có nhiều bà mẹ cho rằng trẻ khỏe mạnh nhưng đây chính là hiện tượng thiếu nước, khát, mất nước của cơ thể. Khi trẻ bị mất nước thường có dấu hiệu môi khô, khô miệng, mắt trũng, thờ ơ, đờ đẫn thiếu tập trung.
Cách thức xử lý: Các bác sĩ khuyên nên cho trẻ bú bình thường, bổ sung thêm chất điện giải, không nên cho trẻ uống nước thường vì lúc này nước thường có thể làm giảm hàm lương natri. Nếu mất nước nhiều thì mẹ cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
7. “Sản phẩm” của con có màu lạ
Một cách khác để phán đoán sức khỏe của trẻ đó chính là phương pháp quan sát “sản phẩm” của con. Nếu nhận thấy “sản phẩm” của bé có màu lạ so với bình thường thì các mẹ cần phải cảnh giác. Nếu màu trắng hoặc không màu, mẹ nên để ý vì có lẽ chức năng gan hoặc ống dẫn mật của bé gặp một số vấn đề. Còn nếu “sản phẩm” có màu xanh lá thì chắc chắn bé đang gặp vấn đề rối loạn tiêu hóa. Nghiêm trọng hơn, nếu bé đi tiêu có kèm máu và có hiện tượng nôn ói, mẹ phải đưa bé đến bác sĩ ngay.
“Sản phẩm” có máu: Nếu phát hiện trong “bô” của trẻ có máu thì mẹ hãy cẩn thận. Trẻ có thể bị chảy máu do nhiều nguyên nhân như rách hậu môn khi trẻ cố rặn đi ngoài; pô líp trực tràng; hoặc có thể trẻ bị chảy máu ở một bộ phận nào đó ở đường tiêu hóa. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi thấy phân của trẻ có máu hoặc nghi ngờ có máu, mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay.
“Sản phẩm” màu nâu nhạt, vón hạt thường do trẻ uống quá ít nước hoặc trời nóng, hoặc trong chế độ ăn ít tinh bột và chất xơ. Nếu phân trắng xám hoặc màu trắng trơn như sữa vón cục thì có thể đường tiêu hoá trẻ không tốt.
“Sản phẩm” có màu đen: Nó có thể ám chỉ hiện tượng chảy máu ở phần phía trên hệ thống dạ dày - ruột và có khả năng khởi phát từ một khối u hoặc chỗ loét.
“Sản phẩm” có màu trắng: Khi chất đại tiện có màu trắng, nó được xác định là hậu quả của việc thiếu mật tiết ra. Hiện tượng bất thường này có thể do sự tắc nghẽn ống mật
Cách thức xử lý: các trường hợp do rối loạn hệ tiêu hóa thì mẹ cần kiểm tra lại chế độ ăn của bé; còn các hiện tượng nghiêm trọng hơn thì cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
8. Xuất hiện nốt ruồi mới hoặc thay đổi so với ban đầu
Mẹ nên ghi nhớ vị trí của các nốt ruồi trên cơ thể của con từ khi con mới được sinh ra, bởi vì những nổt ruồi này có nguy cơ cao trở thành ác tính. Hãy để ý các nốt ruồi trên cơ thế của con 1 tháng một lần vào lúc tắm.
Cách thức xử lý: Hãy gọi cho bác sĩ nếu phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như: thay đổi kích thước, hình dạng, thay đổi màu sắc… Tất cả những dấu hiệu này đều tiềm tàng khả năng của một bệnh ung thư da.