Trẻ 8 tuổi mắc cúm B, sau 3 ngày không khỏi đã lên cơn co giật, khi vào viện cấp cứu được chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm B, viêm phổi kèm theo tình trạng rối loạn đông máu.

Q.A (t/h) 09:47 20/12/2022
Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một trường hợp cúm B biến chứng rất nặng. Bệnh nhi T.A.V (8 tuổi, trú tại Phú Thọ) được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán hôn mê sâu, viêm não - màng não, cúm B, viêm phổi kèm theo tình trạng rối loạn đông máu.

Trước đó 3 ngày, trẻ có biểu hiện sốt theo cơn kèm buồn nôn, nôn nhiều và được dùng thuốc theo đơn của trạm y tế xã. Sau 3 ngày dùng thuốc, tình trạng trẻ không cải thiện đồng thời xuất hiện cơn giật (khoảng 4 phút). Sau cơn giật, trẻ lơ mơ nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện huyện. Đến 4h sáng hôm sau, trẻ tiếp tục lên cơn co giật, ý thức lơ mơ, các bác sĩ xử trí đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Sau 8h được điều trị chống phù não, điều trị tăng áp lực nội sọ và thở máy, tình trạng trẻ vẫn rất xấu. Trẻ hôn mê, glasgow (công cụ đánh giá ý thức của bệnh nhân sau chấn thương não cấp tính) 3 điểm, không có phản xạ ánh sáng, đồng tử 2 bên giãn 5mm, còn tăng áp lực nội sọ. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bé.

Sau 30 phút cấp cứu, trẻ có tim trở lại, nhịp tim không đều, mạch quay bắt yếu, huyết áp trung bình 60 - 65mmHg, trẻ hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn to 5mm, không có phản xạ ánh sáng. Do tiên lượng bệnh rất nặng, gia đình xin đưa bé về, không tiếp tục điều trị.

Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ thông tin thêm so với các năm trước, năm nay số lượng bệnh nhi mắc cúm B ghi nhận tại viện có sự gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2022, khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 124 trẻ, con số này cao gấp 3 lần so với số liệu được tổng hợp trong cả năm 2020. Các bệnh nhi khi nhập viện điều trị chủ yếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi.

Đáng báo động là khi thấy trẻ bị cúm, nhiều gia đình thường không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám mà tự mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Chỉ đến khi các biểu hiện của trẻ nặng lên, gia đình mới cho trẻ đến viện. Khi đó, rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng không đáng có, ảnh hưởng xấu tới >sức khỏe của trẻ.

Theo TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, virus cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa. Về khác biệt, cúm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và gây bệnh ở nhiều mức độ từ trung bình tới nghiêm trọng. Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi là những đối tượng không nên xem nhẹ chứng bệnh nhiễm trùng hô hấp này. Trong đó, virus cúm A và B là 2 loại vi rút đáng lưu tâm nhất.

Những đối tượng thường dễ mắc cúm là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có sức khỏe kém,…Những đối tượng này cũng rất dễ mắc các biến chứng như viêm phổi do cúm hoặc bội nhiễm vi khuẩn, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng tai…nếu không điều trị cúm kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus khi chưa có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc cúm. Ảnh minh họa.

Để phòng tránh cúm nói chung, các chuyên gia khuyến cáo:

- Người dân nên thực hiện tiêm ngừa cúm hàng năm. Do virus cúm biến đổi liên tục nên mỗi năm đều có loại vaccine chủng ngừa mới được sản xuất dựa theo nghiên cứu từ các nhà khoa học về khả năng gây bệnh của virus. Chỉ cần 1 mũi tiêm nhắc lại mỗi năm cũng giúp bạn phòng ngừa cúm hiệu quả. Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, vaccine có tỷ lệ bảo vệ rất cao, lên tới 90%. Ở người lớn tuổi, tiêm vaccine cúm giúp giảm tới 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong từ các vấn đề có liên quan tới bệnh cúm. 

 Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm: Không nên sinh hoạt, làm việc, học tập chung hoặc tiếp xúc gần với người khác mà bạn nghi ngờ họ đang bị nhiễm cúm mà không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh cũng cần ý thức tự cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người xung quanh. Tốt nhất nên ở riêng trong phòng hoặc tại nhà ít nhất 24 tiếng kể từ thời điểm hết sốt. 

Làm sạch bề mặt vật dụng: Thường xuyên lau sạch, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà, văn phòng, nơi công cộng có khả năng cầm nắm nhiều như tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi, mặt bàn,… cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm. 

Tập thể dục đều đặn: Người có thói quen vận động, thể dục thể thao hàng ngày thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm cúm.

Theo Lê Liên/Tổ Quốc