Đâu phải cứ sau khi ra đời bé mới bắt đầu biết nhận thức, bởi ngay từ trong bụng mẹ, bé đã học lỏm được 7 kĩ năng tuyệt vời này rồi.
Dù mới chỉ là một cơ thể bé xíu nằm trong bụng mẹ nhưng các bé đã có thể trang bị cho mình những khả năng cơ bản của cuộc sống. Đã bao giờ mẹ cảm nhận được những cứ huých của bé vào mạng sườn mình sau khi mẹ uống một ly nước lạnh, hoặc khi nghe thấy bố hát thì bé nhào lộn và chuyển động khá nhiều trong bụng mẹ? Đây đều là những dấu hiệu cho thấy em bé đang phát triển các giác quan và thực hành các kỹ năng mới phát hiện của mình.
1. Kĩ năng thở
Tiếng khóc đầu tiên sau khi sinh rất quan trọng, giúp kiểm tra phổi, khả năng hít thở luồng không khí đầu tiên trong đời bé. Khi còn trong bụng mẹ, bé không thở chính thức bằng phổi như khi chào đời nhưng bé đã bắt đầu tập thở ngay từ tuần thứ 9 của thai kỳ. Bé đã bắt đầu chuẩn bị cho tiếng khóc lớn đầu tiên để đưa không khí lấp đầy phổi. Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ hỗ trợ bé với nhiệm vụ thở này bằng cách sử dụng dụng cụ hút để làm thông thoáng cổ họng và phổi, xoa nhẹ nhàng để kích thích bé thở tốt hơn.
2. Nếm
Trước khi bé được nếm hương vị của sữa mẹ thì vị giác của bé sẽ phải làm quen với các hương vị khác nhau trong môi trường nước ối. Từ tuần thứ 15, gai vị giác của bé hoàn thiện hơn và con có thể "nhấm nháp" hương vị từ thực phẩm mẹ ăn vào, thông qua nước ối. Theo một nghiên cứu, khi thai nhi tiếp xúc với một loại hương vị nhất định trong bụng mẹ sẽ làm tăng khả năng em bé sẽ thích hương vị đó sau khi cai sữa mẹ và chuyển sang thức ăn đặc. Khoa học cũng chỉ ra rằng trẻ sơ sinh có xu hướng thích hương vị ngọt hơn là vị mặn, đắng và chua bởi khi còn trong bụng mẹ, thai nhi nuốt nhiều nước ối hơn mỗi khi mẹ uống sữa hay ăn những món có hương vị "ngọt ngào".
3. Mỉm cười
Khi chụp hình bé qua siêu âm 4D, mẹ thấy em bé mỉm cười là chuyện không phải hiếm gặp. Bé tập thực hiện các cử chỉ khác nhau trên khuôn mặt ngay từ tuần thai thứ 26, thậm chí bé có thể cười toe toét. Tuy nhiên, điều đó không thực sự có ý nghĩa là bé đang vui hay hạnh phúc mà đơn giản là nụ cười phản xạ, tương tự như những cử động chân tay giật giật của bé trong vài tuần đầu tiên sau khi chào đời.
4. Lắng nghe
Ngay từ trong bụng mẹ, bé đã lắng nghe mọi âm thanh diễn ra xung quanh, từ tiếng huýt sáo của bố, tiếng cười của chị gái, và quan trọng nhất là giọng nói trầm bổng của mẹ. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp thu ngôn ngữ cũng bắt đầu trong bụng mẹ. Bộ não trẻ sơ sinh có các phản ứng khác nhau giữa ngôn ngữ quen thuộc và ngôn ngữ lạ. Điều này cho thấy ngay cả trước khi sinh, bộ não trẻ của bé đã thích nghi với môi trường ngôn ngữ mà bé sẽ được nuôi dưỡng sau này.
5. Phản ứng với ánh sáng
Bé sẽ hơi chói mắt một chút khi lần đầu bước ra thế giới bên ngoài vì bé chưa nhìn thấy nhiều ánh sáng như vậy khi còn trong bụng mẹ. Thực tế thai nhi có thể hé mở mắt từ khi 28 tuần thai, tất nhiên trong bụng mẹ sẽ là một màu tối nhưng bé đang tập phản ứng với ánh sáng. Ví dụ, mẹ thử chiếu đèn trước bụng thì có thể cảm nhận bé chuyển động, hoặc cuộn mình như để tránh ánh sáng.
6. Mút ngón tay
Rất nhiều bé có thói quen mút ngón tay như một cách để tự xoa dịu chính mình. Thói quen này thực sự bắt đầu từ trước khi bé sinh ra. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học Durham và Lancaster (Anh), thai nhi há miệng trước khi đưa tay lên miệng - một dấu hiệu cho thấy bé đang dự đoán cảm giác va chạm giữa miệng và ngón tay. Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng đó là một dấu hiệu cho thấy em bé đang chuẩn bị cho hoạt động giao tiếp xã hội và ăn uống sau này.
7. Gắn kết với mẹ
Có một sự thật là mẹ và bé gắn kết với nhau ngay từ khi còn thai nghén. Bé chăm chú lắng nghe giọng nói của mẹ, ghi nhớ nhịp tim và những tiếp xúc cảm giác với mẹ. Đó không chỉ đơn giản là kết nối về vật lý mà còn là một mối quan hệ tình cảm sâu sắc. Khi mẹ cảm thấy vui, buồn hay thậm chí là tức giận, tâm trạng của bé cũng thay đổi theo. Đó là lý do tại sao các bà mẹ tương lai cần nghỉ ngơi, thư giãn và tránh căng thẳng để không làm ảnh hưởng đến bé.