Đó là câu chuyện mà Nicole Johnson Goddard, bà mẹ 3 con, đã chia sẻ trên Facebook.
"Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của chúng tôi bởi đã có rất nhiều người bị sốc khi nghe tôi kể. Họ không hề hay biết tác hại nghiêm trọng mà bỏng ngô có thể gây ra cho một em bé ở tuổi chập chững biết đi như thế nào. Chúng tôi ngồi xem phim và nhâm nhi bỏng ngô với nhau - một cảnh tượng thường gặp vào mỗi cuối tuần ở nhà tôi. Tôi không hề lăn tăn nghĩ ngợi gì hết khi đưa bỏng ngô cho Nash, bé út của gia đình. Nash có bị hóc nghẹn một chút nhưng không vấn đề gì. Chúng tôi không thấy có gì rớt ra ngoài nên đinh ninh rằng, con đã nuốt bỏng ngô. Con trông hoàn toàn ổn và vẫn tiếp tục xem phim. Điều duy nhất chúng tôi nhận thấy là một cơn ho sau lúc con bị nghẹn. Ngày hôm sau, Nash vẫn ổn nhưng tiếng ho của con khá lạ. Điều đó làm tôi lo lắng đôi chút.
Thứ hai, Jake, ông xã tôi đi công tác xa nhà 3 ngày. Mọi chuyện diễn ra không có gì khác nhiều so với hôm trước. Buổi tối, tôi để ý Nash hơi ấm đầu và con tỏ vẻ cực kỳ khó chịu. Con bị sốt nên tôi cho con uống Motrin rồi đưa con đi ngủ. Một đêm thật dài với Nash. Tôi cứ nghĩ chắc con bị ốm qua loa thôi. Sau đó, tôi cảm nhận hơi thở khó nhọc của con. Đúng là con không ổn chút nào. Tôi lập tức gọi điện cho bác sĩ nhi của gia đình và nói Nash cần phải được khám càng sớm càng tốt. Chúng tôi tới phòng khám của bác sĩ rồi nhanh chóng được chuyển tới khoa nhi. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ nhận ra điều bất thường và chỉ định nội soi phế quản cho Nash ngay tối hôm đó.
Kết quả nội soi khí quản cho thấy, Nash đã hít bỏng ngô vào phổi trong lúc hóc nghẹn.
Cơ thể con nhận diện đó là vật thể ngoại lai nên đã tạo một bọc mủ bao quanh. Toàn bộ sự viêm nhiễm khiến phổi trái của con bị viêm. Trong quá trình nội soi phế quản, bác sĩ đã lấy ra 6 mẩu bỏng ngô.
Tuy nhiên, do tình trạng viêm rất nghiêm trọng, bác sĩ không mấy tự tin vào việc đã lấy hết được số bỏng ngô ở trong phổi của Nash ra. Con phải trải qua lượt nội soi thứ hai. Thật may mắn, lần này, tất cả bỏng ngô đã được loại bỏ khỏi phổi con.
Nếu tôi không tin vào trực giác của mình và đưa con tới viện, kết cục có thể không được như vậy.
Chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi cuối cùng, chàng trai bé bỏng của chúng tôi đã khỏe mạnh trở lại, nguyên nhân là thứ mà chúng tôi thường xuyên ăn ở nhà. Tôi đã được giảng dạy kỹ lưỡng về việc không được cho bé dưới 5 tuổi ăn bỏng ngô. Tôi ghét phải viện cớ rằng Nash là con thứ ba của tôi. Do đó, tôi đã chủ quan và không để ý sát sao tới những việc gì được làm, những việc gì không được làm như với 2 bé đầu tiên".
Những thực phẩm trẻ nghiền nhưng dễ gây hóc nghẹn
Xúc xích
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho biết, những loại thực phẩm có hình ống như xúc xích có thể làm bé nghẹn khi ăn, đặc biệt đối với bé dưới 3 tuổi. Thậm chí, ngay cả khi xúc xích được thái miếng, bé cũng vẫn có thể bị nghẹn. Vì vậy, để tránh làm bé bị nghẹn, mẹ có thể hạn chế xúc xích trong khẩu phần ăn của bé. Nếu bé vẫn ưa thích món này, mẹ nên thái hạt lựu để bé ăn dễ dàng hơn.
Kẹo
Kẹo là món ăn khoái khẩu của rất nhiều trẻ. Tuy nhiên, món ăn này lại chứa nguy cơ gây nghẹn rất cao. Những loại kẹo nằm trong danh sách này gồm kẹo cứng, kẹo cao su, kẹo dẻo. Theo tài liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, những vụ cấp cứu do nghẹn kẹo ở trẻ chiếm tới 19%. Trong những loại kẹo trên, kẹo dẻo có thể coi là sự lựa chọn an toàn hơn cả. Tuy nhiên, mẹ nên lựa chọn kẹo mềm và có hình tròn để bé dễ nuốt hơn đồng thời tránh bị mắc ở cổ họng. Tốt nhất, mẹ nên để kẹo tránh xa tầm tay của trẻ và chỉ cho bé ăn kẹo khi có sự mặt người lớn.
Đồ ăn nhẹ
Những loại thực phẩm trong món ăn nhẹ cũng có thể làm bé nghẹn như đậu phộng, hạt hướng dương, bỏng ngô. Đối với những bé đang trong quá trình mọc răng, bé sẽ nhai thức ăn bằng lợi còn đối với bé đang trong giai đoạn tập đi, bé sẽ chỉ nuốt mà không nhai thức ăn. Chính vì vậy, cho bé ăn đồ ăn như các loại hạt, bỏng ngô rất có nguy cơ làm bé bị nghẹn hoặc hóc. Những thực phẩm này thường khiến bé khó nhai và khó nuốt một cách an toàn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ không nên cho trẻ ăn những loại hạt này khi răng trẻ chưa phát triển đủ để nhai thức ăn một cách trọn vẹn.
Mẹ nên làm gì để tránh bé bị nghẹn?
Ngoài việc tránh không cho bé ăn những thực phẩm kể trên, mẹ cũng lưu ý:
- Không nên để cho bé tự ăn một mình và luôn để ý tới những gì bé đang ăn.
- Khi cho bé ăn, nên đặt bé ngồi thẳng.
- Đối với các thực phẩm dễ khiến bé nghẹn, mẹ phải nấu kỹ cũng như xắt nhỏ trước khi cho bé ăn.