Chị Huệ đưa con lên bệnh viện Nhi Trung ương khám, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị viêm ruột, bác sĩ cho bé cách ly 6 ngày.
Mới qua sinh nhật 1 tuổi của cậu con trai, nét mặt của mẹ Vũ Huệ (SN 1993) ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn còn ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Thế nhưng, mỗi lần nhắc nhớ đến quá khứ, chị lại không thể quên được thời điểm sau sinh, bé Đức Tùng (SN 2018) là con trai của chị ngày đó dù còn rất bé bỏng nhưng con đã phải gồng lên chiến đấu với bệnh lý >trẻ sinh non khi chưa đầy 2kg.
Và rồi theo thời gian mọi khó khăn rồi cũng dần lùi lại phía sau, giờ đây trong tổ ấm nhỏ của gia đình bé Tùng chỉ còn là tiếng cười và niềm vui.
Đi siêu âm định kỳ bất ngờ được bác sĩ thông báo có dấu hiệu sinh non
Chị Huệ lập gia đình cuối năm 2017, sau ngày cưới chị biết tin mình có bầu khi có đầy đủ tất cả các dấu hiệu thai nghén. Song chị cũng thú nhận ngày mang bầu bản thân còn khỏe hơn hồi chưa lấy chồng, vẫn đi làm bình thường. Chị Huệ có ý định sẽ đi làm đến ngày sinh nhưng bước vào tháng thứ 7 chị đi siêu âm định kỳ và được bác sĩ thông báo em bé nặng 1,7kg có dấu hiệu sinh non, phải nhập viện để theo dõi và giữ thai.
Chưa kịp dưỡng thai thì chị đã hạ sinh em bé ở tuần 33 của thai kỳ. Sau khi sinh xong, chị chỉ kịp nghe một tiếng khóc yếu ớt của con rồi nhìn bác sĩ mang con vào lồng kính gấp chuyển xuống khoa sơ sinh để hỗ trợ thở máy.
Rồi sau đó là những tháng ngày nhớ mong, lo lắng cho tình trạng của con. Gần một tuần con có thể tự thở và chính thức được cai máy thở và oxy nhưng bác sĩ đã phải gọi người nhà lên để đưa trẻ đi siêu âm vì nghi con tắc ruột do bé không tiêu hóa được sữa mẹ. Kết quả siêu âm đã loại trừ nghi ngờ tắc ruột song con vẫn không thể tiêu hóa được sữa mẹ.
Quá lo lắng nên chị đã cho con lên Hà Nội kiểm tra. Tại bệnh viện thêm một lần nữa con được nghi ngờ viêm ruột, các bác sĩ đã cho con cách ly mẹ 6 ngày để theo dõi. Đến ngày thứ 7 gia đình nhận được thông báo nên để con ghép mẹ và được bác sĩ giải thích con bị nhiễm trùng máu phải chọc dò và phân tích dịch não tủy.
Nhớ lại khoảnh khắc một năm về trước, chị Huệ nói: “Khi vợ chồng mình chuẩn bị đồ lên để con ghép mẹ, bác sĩ bảo ngồi chờ sau đó giải thích về kết quả xét nghiệm máu cho thấy con bị nhiễm trùng nặng, vì thế bác sĩ phải chọc dò và phân tích dịch não tủy để loại trừ viêm màng não mủ, từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả. Nghe tin dữ mà cảm giác của mình như trời sập. Chẳng còn nghĩ được gì, ngoài trời mưa to mà trong phòng lưu trú hai vợ chồng xót con nên chỉ biết ôm nhau khóc”.
Không dám bế con vì quá bé
Nhìn con trên giường bệnh với dây dợ và ống truyền xung quanh, người mẹ trẻ không khỏi xót xa: “Gặp con mà phát khóc, mồm con đặt ống xông, băng dính dán chặt chân tay. Lúc đó mình chỉ ước được tháo hết dây dợ ra cho con thôi. Lúc này bé được 1,560gram như con lợn con, quấn 3 lần khăn mình mới dám bế con nhưng vẫn cứ sợ làm rơi con”.
Không giấu giếm về những lúng túng trong lần đầu làm mẹ, chị thú nhận hồi đầu không biết bế con, không biết thay bỉm hay rửa ráy cho con, mẹ 9X từng ngồi gọi điện cho mẹ ruột khóc vì không biết cách chăm em bé. Thời gian con ở bệnh viện đã có ngày con đi nặng xong nhưng chị không biết cách rửa phải nhờ một mẹ khác cũng đi trông con ở giường bên cạnh thay hộ và chỉ cho cách mặc bỉm trẻ nhỏ.
Bé Đức Tùng sau một thời gian điều trị bệnh lý trẻ sơ sinh con ăn được 10ml sữa/cữ, những ngày sau đó bác sĩ bắt tập cho bé bú bình để con có phản xạ nuốt, mỗi ngày trôi qua con có những tiến bộ vượt bậc, hôm sau con ăn được 30ml/cữ, dần dần lượng ăn và số lần tăng lên.
Nếu các bé cùng phòng tiêm ngày 2 mũi kháng sinh thì bé Đức Tùng bị nhiễm trùng ở thể nặng phải tiêm ngày 3 mũi kèm theo một số loại thuốc bổ trợ. Nhìn con lấy ven để tiêm nhiều lần không được, chị Huệ tự trách bản thân cảm thấy mình là một người mẹ vô dụng, không thể giữ con được lâu hơn trọng bụng, để con chào đời sớm và mắc phải vô vàn bệnh lý trẻ sơ sinh.
Con nằm viện được 10 ngày, mẹ trẻ nhận được kết quả xét nghiệm máu của con hoàn toàn bình thường, bác sĩ yêu cầu dừng kháng sinh và thông báo có thể xuất viện, người mẹ ấy đã òa lên khóc nức nở vì quá hạnh phúc. Trở về nhà bé Đức Tùng ăn ngủ nhiều hơn, song vẫn được chăm sóc đặc biệt, tránh các môi trường lây bệnh đường hô hấp.
Mẹ nằm viện, bà nội tất bật đi xin sữa cho cháu
Khi Đức Tùng được gần 2 tháng tuổi, mẹ Huệ bị sốt gần 40 độ, uống thuốc nhưng không đỡ nên đi khám được chẩn đoán viêm phổi. Thương con nhỏ lại sinh non nên chị xin thuốc về nhà điều trị, vừa cắt cơn sốt thì lên cơn khó thở, đến bệnh viện chị được bác sĩ báo phải nhập viện vì phổi bị tổn thương sâu.
Khó khăn chồng chất khi mẹ nhập viện, con sinh non phải ở nhà với ông bà. Chị vào viện điều trị gần như mất sữa hoàn toàn nên bà nội tất bật mỗi ngày 3 lượt đi xin sữa, cứ như vậy suốt 4 tháng trời, sữa xin được để trữ đông, cứ đến cữ bà lại đem hâm cho cháu ăn. Rất may mắn ông trời vẫn thương nên em bé dù xa mẹ nhưng rất ngoan, ăn xong là ngủ, không quấy khóc.
Giờ đây khi con đã tròn 1 tuổi, dù chưa đi thạo và nói sõi nhưng con rất nhanh nhẹn, người lớn nói gì con đều hiểu. Theo lời mẹ 9X, khi chơi chung với các bạn cùng tuổi, ít ai có thể biết Đức Tùng từng là một đứa trẻ sinh thiếu tháng, có những thứ con còn phát triển trội hơn những em bé sinh đủ tháng khác.
Tuy nuôi con sinh non nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhìn thấy con phát triển từng ngày, nhìn thấy nụ cười con cũng khiến chị hạnh phúc. Con đã giúp cho bà mẹ trẻ như chị nhìn thấy nghị lực, hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng biết nhường nào.