Theo các bác sĩ, thời tiết thay đổi thất thường, trẻ nhỏ rất hay bị sổ mũi, nghẹt mũi, tắc mũi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bố mẹ không biết cách xử lý nên “vô tình” khiến trẻ gặp họa.
Con viêm phổi vì mẹ >vệ sinh mũi sai cách
Gần hai tuần nay, bé Gia Huy, 15 tháng tuổi (ở Đan Phượng, Hà Nội) lúc nào cũng trong tình trạng “thò lò mũi xanh”. Chị Quỳnh Trang, mẹ bé cho biết, dù đã tích cực nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho con nhưng tình trạng của bé không có dấu hiệu thuyên giảm. Mới đây, nghe người bạn mách dùng xi lanh bơm nước muối loãng vào mũi con có thể khiến các dịch bẩn “trôi” ra ngoài hết, chị Trang lập tức mua xi lanh về áp dụng ngay.
Theo lời kể của chị Trang, lần đầu tiên bơm xi lanh rửa mũi cho con, chị rất mừng vì quả thực, dịch gỉ mũi “tuôn” ra ào ào. Bé Huy con chị cũng đỡ khò khè hơn. Thấy có hiệu quả, chị Trang ngày nào cũng rửa mũi cho bé 2 lần, sáng và tối. Đến ngày thứ ba, do bơm hơi mạnh tay, bé Huy gào khóc và ho sặc sụa, da và môi tái lại.
“Đêm hôm ấy, con bỗng dưng ho nặng tiếng, kèm sốt cao. Sáng dậy nhất định không chịu ăn cháo, uống sữa, người cứ lả đi. Quá sốt ruột, vợ chồng tôi đưa con đến viện khám thì mới biết, thằng bé đã chớm bị viêm phổi do không được chữa trị dứt điểm ngay từ đầu. Bác sĩ cũng nói thêm, niêm mạc mũi của con tôi đã bị tổn thương, có thể do tôi dùng xi lanh rửa mũi, gây xước mũi của con”, chị Trang ngậm ngùi nói.
Tương tự, trường hợp nhà anh Thanh (ở quận Thanh Trì, Hà Nội) cũng đau đầu vì cứ chuyển mùa là bé Nhím (tên gọi ở nhà của bé), 3 tuổi, con anh chị lại “dính” các bệnh về đường hô hấp. Lúc thì sổ mũi, nghẹt mũi, khi thì viêm họng, viêm phế quản… Anh Thanh cho biết, sở dĩ con gái bị như vậy là do khi bé 5 tháng tuổi thì bị sổ mũi. Vì nghĩ chỉ là triệu chứng đơn giản, không đáng lo nên vợ chồng anh chị không đưa con đi khám mà tự chữa cho con tại nhà.
Theo lời ông bố trẻ, hàng ngày, vợ anh giã tỏi rồi lọc lấy phần nước cốt. Tiếp đến, chị pha với nước muối sinh lý loãng thành một loại dung dịch để nhỏ vào mũi cho con. Anh Thanh cũng có thắc mắc về cách làm ấy thì được vợ giải thích, đây là bài thuốc dân gian được coi là “kháng sinh tự nhiên” chuyên dùng để điều trị sổ mũi cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhỏ loại nước ấy vào mũi là bé Nhím khóc thét, mũi ửng đỏ. Sau gần 1 tuần, anh chị phải đưa con đến viện vì bé không chỉ bị sổ mũi mà còn khò khè, khó thở.
Anh Thanh cũng nói thêm, khi biết anh chị nhỏ nước tỏi pha nước muối sinh lý vào mũi của bé vài lần mỗi ngày, các bác sĩ đã lắc đầu và cho biết, đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm đối với bé vì khiến niêm mạc mũi bé bị bỏng, gây mất khả năng lọc bụi bẩn về sau. “Quả thực, mũi con bé giờ rất yếu, cứ “động” thay đổi thời tiết là bé “dính” bệnh hô hấp ngay”, anh Thanh nói.
Không tự ý thụt rửa mạnh mũi của trẻ
Nói về việc nhiều bố mẹ có thói quen thụt rửa, hút mũi cho con, ThS.BS Lương Văn Chương, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, mũi là nơi đầu tiên để không khí vào phổi nên mũi có chức năng cực kì quan trọng là làm ấm, làm ẩm, làm sạch không khí.
Theo đó, để làm ấm nên mũi có rất nhiều mạch máu, vì thế khi trời lạnh mũi làm việc nhiều nên thường đỏ lên. Bên cạnh đó, để làm ẩm, mũi sẽ tiết rất nhiều dịch nhày có tác dụng như cái bẫy bắt hết bụi và vi khuẩn. Mặt khác, trong dịch nhầy còn có kháng thể có thể diệt vi khuẩn gây bệnh. Dịch nhầy còn là nơi để vi khuẩn có lợi sinh sống để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Vì một loạt lợi ích của dịch nhầy của mũi như vậy nên chúng ta không nhất thiết phải hút sạch nó. Bố mẹ chỉ nên hút mũi cho trẻ khi mũi quá đặc gây tắc hoặc dịch mũi có mùi hôi.
Theo BS Lương Văn Chương, khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, bố mẹ hay lạm dụng các loại thuốc nhỏ mũi tự mua ngoài hiệu thuốc mà không tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này cũng rất nguy hại vì rất có khả năng mua nhầm thuốc nhỏ mũi khiến trẻ gặp “họa”. Thực tế, BS Chương cho biết, cách đây không lâu, khoa Cấp cứu đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi bị ngộ độc do dùng nhầm thuốc nhỏ mũi Naphazolin (thuốc nhỏ mũi cấm dùng cho trẻ dưới 7 tuổi). Rất may bé được đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Cũng theo BS Chương, một trong những sai lầm khác của bố mẹ trong điều trị các bệnh về mũi họng cũng như các bệnh khác là “sợ” phải dùng kháng sinh cho con. Do đó, khi bác sĩ kê kháng sinh, bố mẹ chỉ cho con uống một phần hoặc thấy con đỡ là không cho con uống nốt liều. “Kháng sinh có thể tiêu diệt 99% vi khuẩn nhưng nếu còn 1% sống sót thì đó là những con khỏe nhất, sẽ gây kháng thuốc”, BS Chương nhấn mạnh.
Cũng đề cập đến những sai lầm trong điều trị các bệnh lý về mũi cho trẻ, BS Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, khi trẻ gặp vấn đề về mũi, nếu thật sự cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng khí dung cho trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bố mẹ cứ thấy con tắc mũi, nghẹt mũi lại tự ý dùng máy xông mũi cho trẻ, điều này là không nên.
Theo BS Nguyễn Toàn Thắng, nếu được chỉ định sử dụng khí dung trong điều trị, bố mẹ cần tuân thủ các hướng dẫn trong việc sử dụng thuốc và thời gian của mỗi lần xông. Không nên khí dung cho trẻ quá nhanh vì như thế thuốc sẽ chưa kịp ngấm, không đem lại hiệu quả mong muốn. Trường hợp khí dung quá lâu vừa tốn thời gian không cần thiết vừa có nguy cơ gây tổn thương đến niêm mạc mũi của trẻ. Đặc biệt, theo ThS.BS Nguyễn Toàn Thắng, với trẻ nhỏ từ 1-2 tháng tuổi, phụ huynh không nên sử dụng các máy khí dung mũi cho trẻ.
Ngoài ra, việc sử dụng xilanh đưa nước vào khoang mũi cũng cần lưu ý vì đầu xi lanh khá nhọn, dễ gây chảy máu mũi, viêm, xước mũi của trẻ. Hơn nữa, nếu thao tác không đúng, có thể làm trẻ sặc và nước sẽ tràn vào màng phổi. Mỗi lần chọc sâu ống hút vào mũi trẻ để hút thì áp lực ấy sẽ hút niêm mạc mũi lên. Nhiều lần làm sẽ gây phù nề niêm mạc mũi nhiều hơn mà nghẹt mũi vẫn kéo dài, không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp này còn có thể khiến trẻ hoảng loạn, sợ hãi, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cho trẻ, nhất là khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ, ngực; đeo khẩu trang cho trẻ khi ra bên ngoài để tránh các tác nhân xấu ngoài môi trường có thể xâm nhập gây hại cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ các chất >dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày để tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật cho trẻ.