Trẻ sơ sinh bị ho có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản.

06:30 09/03/2018

Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn non yếu, vì vậy bé rất dễ mắc các chứng ho, sổ mũi, cảm… Việc sử dụng thuốc ho cho bé sơ sinh mẹ cần phải tìm hiểu thật sự cẩn thận vì nhiều loại thuốc ho có khả năng gây nguy hiểm cho bé.

Nội dung bài viết bao gồm:

Nguyên do trẻ sơ sinh bị ho

Có dùng thuốc ho cho trẻ sơ sinh?

Biểu hiện nguy hiểm khi trẻ sơ sinh bị ho

 NGUYÊN NHÂN TRẺ SƠ SINH BỊ HO

Hệ miễn dịch của bé sơ sinh còn non yếu nên rất dễ bị ho, sổ mũi, sốt… khi thời tiết chuyển mùa. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến khiến bé sơ sinh bị ho:

- Nhiễm Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus)

Virus RSV thường gây bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các triệu chứng nhiễm RSV cũng tương tự như cảm lạnh nhưng kèm theo ho nặng hơn và hô hấp khó khăn.

- Cảm lạnh:

Nếu bị cảm lạnh, bé có thể bị ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ăn ít hoặc không ăn, và sốt nhẹ.

Cảm lạnh là nguyên nhân phổ biến khiến bé bị ho. (Ảnh minh họa)

- Viêm thanh khí quản

Viêm thanh khí quản cũng là nguyên nhân khiến bé bị ho, đặc biệt là vào ban đêm.

- Dị ứng

Bé có thể bị dị ứng với các chất kích thích từ môi trường như khói thuốc, bụi bẩn, lông chó mèo dẫn đến việc ho. Dị ứng có thể khiến bé bị nghẹt mũi, chảy nước mũi và ho.

- Hen suyễn

Trẻ em bị hen cũng có khuynh hướng ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu bé bị hen suyễn, bé có thể bị tức ngực, thở khò khè và khó thở.

- Viêm phổi và viêm phế quản

Viêm phổi và viêm phế quản có thể bắt đầu từ cảm lạnh. Nếu bé bị ho dai dẳng, khó thở, sốt, đau cơ thể và ớn lạnh thì bố mẹ cần đưa bé đi khám.

 CÓ NÊN DÙNG THUỐC HO CHO TRẺ SƠ SINH?

Thuốc ho có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho bé sơ sinh. (Ảnh minh họa)

Ngay cả khi bé bị ho do cảm lạnh thì bố mẹ cũng cần phải hỏi bác sĩ trước khi định sử dụng thuốc ho cho bé.

Hầu hết các bác sĩ không khuyến khích dùng thuốc cho trẻ sơ sinh. Thuốc ho và thuốc cảm có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi, theo FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ). Tác dụng phụ của thuốc thường có thể khiến tim bé đập nhanh và thậm chí co giật.

Vì vậy bố mẹ luôn luôn phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kì loại thuốc giảm ho nào. FDA cũng cảnh báo rằng trẻ em dưới 12 tuổi không nên dùng các sản phẩm thuốc ho có chứa codeine vì nguy cơ phát triển các vấn đề hô hấp đe dọa tính mạng.

Bố mẹ có thể giúp bé giảm ho bằng các bài thuốc dân gian sau:

- Quất hồng bì ngâm đường phèn

Tinh dầu trong quất hồng bì có thể kích thích hệ hô hấp, giúp làm long đờm, giảm ho. Mỗi ngày cho bé dùng một thìa quất hồng bì ngâm đường phèn sẽ giúp ngăn chặn cơn ho hiệu quả.

- Lá hẹ hấp đường phèn

Bên cạnh tác dụng trị ho, hẹ còn có khả năng trị cảm, sốt, sổ mũi. Mẹ cho 5 đến 10 lá hẹ và một ít đường phèn vào hấp cách thủy. Sau đó cho bé uống 2 lần một ngày sẽ giúp làm dịu cơn ho.

- Quất hấp đường phèn

Mẹ chọn 2 đến 3 quả quất xanh rửa sạch, cắt ngang để nguyên hạt. Sau đó trộn với một ít đường phèn mang đi hấp cách thủy 30 phút. Cho bé uống 2 lần một ngày để chữa ho.

Một số biện pháp tác động kèm: 

- Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi

- Cho trẻ bú nhiều hơn chút

- Nâng cao đầu khi nằm

- Sử dụng máy làm ẩm không khí

 BIỂU HIỆN NGUY HIỂM KHI TRẺ SƠ SINH BỊ HO

Khi bé sơ sinh bị ho bố mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Sau đây là các dấu hiệu nguy hiểm khi bé bị ho:

- Bé thở nhanh, thở gấp hơn bình thường.

- Bé thở khò khè.

- Bé ho ra chất nhày màu vàng, xanh lá cây hoặc có máu.

- Bé sốt cao.

- Bé mắc bệnh mãn tính như bệnh tim hoặc phổi.

- Bé ho nặng đến mức bị nôn.

- Bé ho dai dẳng.

 

Theo BS.CKI. Trần Quốc Long cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, điều trị ho không dùng thuốc thường áp dụng cho trẻ cho trẻ bị ho do bị cảm lạnh thông thường, nhất là vào thời gian chuyển mùa, thời tiết từ nóng sang lạnh, lúc mưa nhiều, thời tiết lạnh… Thường trẻ em rất dễ bị cảm lạnh, viêm mũi họng do nhiễm siêu vi từ đó gây ho.

Trường hợp này phụ huynh không cần dùng thuốc trị ho mà chỉ cần chăm sóc đúng cách như: giữ ấm, nghỉ ngơi, >dinh dưỡng đầy đủ chất, cho uống nước nhiều hơn đặc biệt nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày và không ảnh hưởng nhiều đến trẻ.

Nên massage gan bàn chân cho bé. Dùng một vài giọt dầu như: dầu oliu hoặc dầu hạnh nhân hoặc tinh dầu bạc hà vào lòng bàn tay, xoa đều rồi massage lòng bàn chân cho bé, vuốt nhẹ nhàng và đều tay theo chiều từ gót chân đến ngón chân.

Vỗ rung long đờm cho bé, trường hợp bé ho có đờm, bằng cách vỗ rung, khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục và nên để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống. Sau động tác này, bé có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm, cần làm lúc bé đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì. Với những bé không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng…

Theo Lê Ánh/Eva/Khám Phá