Nhiều cha mẹ đang bỏ qua một kiểu học tập khá hiệu quả.
Nhiều trẻ thường được cha mẹ hướng dẫn cách đọc hiểu, nghĩa là đọc trong yên lặng, đọc không lời. Trẻ sẽ ghi nhớ thông tin trong đầu nhưng cách này gây bó hẹp không gian lưu trữ. Và thông thường, chỉ khi đọc truyện trước khi đi ngủ hay khi phát biểu trước lớp, trẻ mới đọc lên thành lời.
Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chỉ ra, cha mẹ đang bỏ lỡ nhiều lợi ích khi không hướng dẫn trẻ đọc thành tiếng. Việc đọc to giúp trẻ cải thiện trí nhớ, hiểu được những đoạn có nội dung phức tạp và tăng cường sự gắn kết với mọi người. Dù cách đọc này ít được sử dụng, không phải là phương pháp mới nhưng nó đáng được chú ý trong cuộc sống hiện đại.
Nhà tâm lý học Colin MacLeod (trường Đại học Waterloo, Canada) có một nghiên cứu về sự ảnh hưởng của việc đọc to với trí nhớ con người. Nhóm nghiên cứu của ông chỉ ra rằng thay vì đọc không lời, người ta sẽ nhớ được từ và nội dung văn bản tốt hơn khi đọc to. Đọc to thành tiếng giúp trẻ em nhớ tốt hơn theo từng độ tuổi khác nhau.
Hay trong một nghiên cứu khác ở Úc, người ta chia các em 7-10 tuổi thành hai nhóm, một nhóm đọc to và một nhóm đọc thầm theo danh sách các từ. Cuối cùng có đến 87% từ được ghi nhớ với nhóm đọc to và chỉ 70% từ được ghi nhớ với nhóm đọc thầm.
Dưới đây là những lợi ích cụ thể của việc đọc to thành tiếng:
1. Có lợi cho sự phát triển của não phải
Bản chất của việc đọc là người đọc đang tự đánh giá giọng nói của chính mình cùng với sự liên tưởng trong quá trình đọc. Vì thế, theo thời gian, việc cha mẹ khuyến khích trẻ đọc thành tiếng sẽ giúp trẻ trau dồi khả năng tư duy hình ảnh.
Trong quá trình đọc, các từ ngữ, âm điệu kèm nhịp điệu sẽ giúp trẻ liên tưởng đến một bức tranh đầy đủ sắc màu. Điều này mang đến trải nghiệm nghệ thuật, giúp trẻ phát triển não phải.
Đặc biệt, khi trẻ đọc, một loại sóng sẽ xuất hiện có tên gọi là sóng alpha (sóng thư giãn). Loại sóng này có tần số chậm và tạo ra cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, khơi nguồn sự sáng tạo. Khi não phải hoạt động, một lượng lớn sóng alpha sẽ xuất hiện. Vì thế, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đọc thành tiếng nhiều hơn.
2. Giúp trẻ thay đổi tính cách
Nhiều đứa trẻ trầm tính, tính cách hướng nội, ngại đọc to thành tiếng. Nếu thấy con như vậy, cha mẹ hãy động viên con đọc to các loại văn bản, sách báo. Điều này có thể khiến trẻ trở nên thích đọc, thích nói, dần dần thay đổi được tính cách.
Hầu hết những người hướng nội đều không giỏi sử dụng ngôn ngữ. Nhưng bằng phương pháp này, họ sẽ rèn luyện được sự tự tin, lòng dũng cảm, mạnh dạn giao tiếp với mọi người.
3. Kích thích thần kinh não bộ
Khi trẻ đọc to thành tiếng, trẻ sẽ hiểu sâu sắc hơn các loại sách báo. Bởi lúc này, sự cử động của miệng, lưỡi, luồng khí,… có thể kích hoạt nhiều vùng của não (đặc biệt là thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy trán). Nó cũng có thể cân bằng sự ức chế của vỏ não, điều hòa lưu lượng máu và chức năng thần kinh ở trạng thái hoạt động tốt.
Vì thế, kiên trì đọc to thành tiếng sẽ giúp bộ não trở nên nhạy bén, đồng thời giúp các khả năng học tập như sự tập trung, trí nhớ sẽ được cải thiện.
4. Tốt cho việc ghi nhớ thông tin
Khi trẻ đọc to thành tiếng thường xuyên sẽ khơi thông mạch trí nhớ, kích thích não bộ hoạt động, từ đó nâng cao trí nhớ. Lúc này, mạch trí nhớ sâu sẽ được kết nối với não phải. Khi mạch này hoạt động được liên kết với mạch bộ nhớ giúp con người tiếp nhận thông tin, nhớ thông tin tốt hơn.
Chính vì vậy, đọc to, rõ ràng cũng là phương pháp hiệu quả giúp trẻ nhớ bài lâu hơn. Cha mẹ có thể áp dụng vào quá trình học tập của trẻ bằng cách kiểm tra bài cũ, bài học thuộc lòng của trẻ.
5. Cải thiện kỹ năng viết
Đọc tác phẩm của người khác là quá trình học hỏi. Còn đọc tác phẩm của chính mình về cơ bản là quá trình sửa đổi và hoàn thiện. Đọc to thành tiếng sẽ giúp trẻ có thể dễ dàng học thuộc lòng, huy động cảm xúc một cách nhanh nhất. Trẻ sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, âm điệu, nội dung tác phẩm. Từ đo, trẻ hình thành kỹ năng viết luận tốt hơn