Con cái cao lớn trưởng thành là mong muốn của tất cả các bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên để phát triển còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vậy các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao là gì?

05:00 31/07/2019

Trên thực tế không ít các bậc cha mẹ tìm mọi cách để con mình có thể cao lớn. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh lại không biết được hoặc không hiểu đầy đủ về các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao của con mình là gì và yếu tố nào là quan trọng nhất để có thể tác động đúng cách.

PGS.TS.BS. Phạm Văn Hoan

Những nội dung thiết thực dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh giải quyết được vấn đề chiều cao của trẻ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ

Để trẻ đạt được đến chiều cao tối ưu, cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

- Yếu tố gen và chiều cao

Khoa học đã chứng minh chiều cao của mỗi cá nhân là do yếu tố gen, >dinh dưỡng, bệnh tật, chế độ >luyện tập thể thao quy định, trong đó gen là yếu tố không thể thay đổi được. Ở những chủng tộc khác nhau và ở những môi trường (khí hậu, thói quen ăn uống, lối sống) khác nhau, thì gen sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau lên chiều cao.

Một vài nghiên cứu đã tiến hành trên những cặp sinh đôi để cố gắng xác định những gen đặc thù quy định chiều cao. Sau khi nghiên cứu, những nhà khoa học cho rằng sự khác biệt về chiều cao có thể nằm ở một phần trên nhiễm sắc thể X, NST số 7, 8, 20. Nhưng việc tương tác gen rất phức tạp nên để cho dễ hình dung hơn, các nhà khoa học đã phân chia thành hai loại đó là loại gen quy định chính và loại gen quy định phụ.

Từ những ví dụ trên chúng ta nhận ra rằng gen ảnh hưởng rất lớn tới chiều cao của con người, nhưng gen lại là yếu tố mà chúng ta không thể thay đổi được.

Để trẻ đạt được đến chiều cao tối ưu, cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau

- Yếu tố dinh dưỡng

Các chuyên gia dinh dưỡng trong nước và quốc tế đều cho rằng, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao cũng như cải thiện >sức khỏe cho trẻ mỗi ngày. Ở mỗi lứa tuổi, trẻ lại có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau để bảo đảm cho sự phát triển cơ thể mà còn đáp ứng các hoạt động thể chất và khả năng học tập của mỗi bạn.

Yếu là dinh dưỡng lại là yếu tố có thể thay đổi và có thể giúp kích thích tăng trưởng chiều cao cho thế hệ sau. Bước đầu tiên để giúp trẻ đạt được chiều cao tối ưu là cho trẻ ăn một chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh xa các loại đồ ăn uống vặt không lành mạnh như nước ngọt có ga, khoai tây chiên hay bánh humberger.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu nạp đủ lượng protein trong quá trình tăng trưởng thì chiều cao sẽ tăng trưởng tốt hơn. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, người Nhật có chế độ ăn gần như đạt được lượng protein theo nhu cầu khuyến nghị nên chiều cao trung bình của người dân quốc gia này sau gần nửa thế kỷ đã tăng thêm khoảng 7,5cm.

Do vậy, hãy bổ sung đầy đủ protein, đặc biệt là từ thịt nạc, đậu nành, cá và các sản phẩm từ sữa. Những loại protein này sẽ giúp cơ thể phát triển cơ, làm chắc khỏe xương và kích thích sự tăng trưởng của cơ thể.

Trong chế độ dinh dưỡng của con trẻ, các mẹ cần tránh xa các loại đường đơn có trong bánh ngọt, pizza, đồ ngọt và nước ngọt có ga.

Các khoáng chất, đặc biệt canxi và vitamin A, D cũng ảnh hưởng đến chiều cao. Rau có lá màu xanh, các sản phẩm từ sữa là những nguồn cung cấp rất dồi dào các loại khoáng chất này.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, kẽm giúp kích thích cơ thể tăng trưởng một cách rất hiệu quả. Do vậy, hãy cố gắng bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm vào chế độ ăn như các loại hạt, cua và bí ngô.

Về cơ bản các bé trai sẽ đạt được chiều cao tối đa ở tuổi cuối giai đoạn dậy thì, còn các bé gái sẽ đạt được chiều cao tối đa ở tuổi giữa giai đoạn dậy thì. Do đó việc đảm bảo đủ dinh dưỡng trước giai đoạn dậy thì là vô cùng quan trọng.

Yếu tố dinh dưỡng có thể dẫn đến sự khác biệt về chiều cao giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Không có gì có thể đảm bảo việc ăn uống chắc chắn giúp trẻ cao hơn, nhưng ít nhất dinh dưỡng qua nhiều năm có thể thúc đẩy những yếu tố tiềm ẩn trong hệ gen.

Một chế độ ăn hợp lý và cân đối giữa các nhóm thực phẩm và các chất béo, protein và chất đường bột (có thể tham khảo trong hình dưới đây) không chỉ giúp trẻ có chiều cao tối ưu mà còn tốt cho sức khỏe nói chung.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao cũng như cải thiện sức khỏe cho trẻ mỗi ngày.

Các yếu tố tác động đến tăng trưởng chiều cao khác

- Vai trò của giấc ngủ với tăng trưởng chiều cao

Có một vài nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc tăng trưởng chiều cao và giấc ngủ. Giấc ngủ được cho là giúp giải phóng một số nội tiết tố (hormone) tăng trưởng và phục hồi cơ thể lúc ngủ. Khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức.

Vậy nếu muốn trẻ cao tối đa thì phải đi ngủ trước mấy giờ tối? Theo quy luật là lúc chúng ta đi vào giấc ngủ hormone tăng trưởng mới sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hormone sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ đêm cho tới 1 giờ sáng hôm sau. Do vậy, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

- Trẻ 1-3 tuổi cần ngủ từ 12 - 14 giờ mỗi ngày

- Trẻ 3-6 tuổi sẽ cần phải ngủ đủ từ 10 - 12 giờ mỗi ngày

- Và trẻ 6 - 12 tuổi cần ngủ 10 - 11 giờ mỗi ngày

Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ là nguyên nhân của chậm phát triển chiều cao. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ rằng những rối loạn giấc ngủ có thể gây chậm phát triển của trẻ trong giai đoạn dậy thì.

Ngoài ra, những trẻ không ngủ đủ giấc cũng sẽ có những sự thay đổi về hormone trong cơ thể. Hormone điều chỉnh cảm giác đói và vị giác có thể bị ảnh hưởng, khiến trẻ ăn nhiều hơn bình thường và có nguy cơ thừa cân cao hơn. Thêm vào đó, thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến việc cơ thể chuyến hóa thức ăn, gây ra tình trạng kháng insulin và có liên quan đến bệnh tiểu đường typ 2 khi trưởng thành.

Do vậy, nếu không muốn trẻ vừa thấp, vừa béo và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 trong tương lai, các bậc phụ huynh nên hình thành thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ và cho trẻ ngủ đủ giấc mỗi ngày.

- Vai trò của việc luyện tập thể thao với tăng trưởng chiều cao

Thường xuyên luyện tập thể thao sẽ có ích cho việc phát triển chiều cao của trẻ. Luyện tập thể thao sẽ giúp cơ và xương chắc khỏe, giúp duy trì cân nặng hợp lý. Đối với trẻ em ở độ tuổi đi học, cần ít nhất một giờ luyện tập mỗi ngày. Trong khoảng thời gian này, trẻ nên tập trung vào các bài tập như:

+ Các bài tập xây dựng sức mạnh cơ bắp, ví dụ như chống đẩy và đứng lên ngồi xuống

+ Các bài tập nâng cao khả năng linh hoạt, dẻo dai của cơ thể, ví dụ như yoga

+ Các hoạt động có nhịp điệu, như tập aerobic, nhảy dây hoặc đạp xe đạp.

Trong quá trình luyện tập, cần cho trẻ uống bổ sung đủ nước và các chất điện giải, đặc biệt là trong những ngày hè nắng nóng và đừng quên cho trẻ ăn một thực đơn đầy đủ, cân đối, bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển chiều cao.

Một số căn bệnh mắc khi còn nhỏ có thể làm hạn chế sự tăng trưởng chiều cao của trẻ

Yếu tố bệnh tật với tăng trưởng chiều cao

Một số căn bệnh mắc khi còn nhỏ có thể làm hạn chế sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Các bệnh truyền nhiễm, nhiễm giun sán, bệnh đường hô hấp mạn tính là những tác nhân phổ biến có tác động ngắn hạn, dài hạn, thậm chí là vĩnh viễn lên sự phát triển chiều cao của cơ thể. Khi bị bệnh, trẻ thường chán ăn, dễ sụt cân, làm giảm khả năng đề kháng.

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh lại thường kiêng khem quá mức khi trẻ bị ốm, điều này sẽ khiến tình hình bệnh lý của trẻ ngày càng nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ càng chán ăn, sụt cân và khả năng hồi phục bệnh tật lại càng kém. Cứ như vậy, vòng xoắn luẩn quẩn này sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng, nhất là chiều cao của trẻ.

Do vậy, để trẻ tăng trưởng và phát triển tốt, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng vacxin đầy đủ ngay từ khi mới sinh, nghiêm khắc tuân thủ thực đơn dinh dưỡng và giờ giấc sinh hoạt của trẻ - đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nắng nóng, hội hè và du lịch, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ để tránh không để trẻ bị ốm.

Khi trẻ ốm cần duy trì chế độ dinh dưỡng bình thường, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, dành thời gian chăm sóc trẻ để trẻ mau khỏi bệnh. Có như vậy, mới có thể giúp trẻ phòng bệnh và hạn chế được những tác động tiêu cực của bệnh tật lên tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Các mẹ cũng cần nhớ rằng, bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn, kết hợp với việc vận động hợp lý, ngủ đủ giấc và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị bệnh là đủ để trẻ tăng trưởng chiều cao tối ưu.

Theo PGS.TS.BS. Phạm Văn Hoan/ Eva/ Khám Phá