Hiện số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trên cả nước đã tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt trong 5 tuần gần đây, số mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh thành thuộc các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đã có 6 trường hợp tử vong.
Theo nhận định của các chuyên gia số ca sốt xuất huyết tăng cao là do điều kiện thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và loăng quăng phát triển. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại… là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh phát triển và khó kiểm soát triệt để. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống sốt xuất huyết chưa cao, chưa chủ động diệt bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... khiến công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Khi bị sốt xuất huyết (SXH), bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức mình mẩy, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng.
Nếu có các triệu chứng nói trên, để xác định rõ có bị SXH hay không, người dân cần đi khám để được chẩn đoán sớm và được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi bệnh. Khi đã được chẩn đoán mắc SXH nhưng không phải nhập viện, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị SXH tại nhà.
Dưới đây là 10 lưu ý trong chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết được ThS.BS. Nguyễn Đình Qui - Khoa Nhiễm, BV. Nhi đồng 2 khuyến cáo:
1. Sốt xuất huyết sẽ sốt cao liên tục 3 - 4 ngày nên đôi khi hạ sốt bằng thuốc Paracetamol chỉ giảm sốt phần nào, sau đó sẽ sốt lại. Tâm lý phụ huynh thường sẽ rất lo lắng, cố gắng cho con uống nhiều lần Paracetamol hơn hoặc dùng thuốc khác hạ sốt như Ibuprofen. Việc dùng quá liều thuốc Paracetamol sẽ làm tổn thương gan, dùng Ibuprofen sẽ khiến >trẻ bị sốt xuất huyết dễ bị xuất huyết tiêu hóa.
2. Không dùng kháng sinh để điều trị sốt xuất huyết vì sốt xuất huyết do virus Dengue gây bệnh, không phải vi khuẩn nên kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng. Nếu không có bằng chứng nhiễm trùng nào khác kèm theo thì không dùng kháng sinh.
3. Vì sốt xuất huyết sẽ khiến trẻ thường mệt mỏi, ăn uống kém, người nhà sẽ lo lắng và có xu hướng muốn truyền dịch, truyền “đạm” cho bé để hỗ trợ >sức khỏe. Việc truyền dịch không đúng chỉ định dễ khiến trẻ bị quá tải dịch trong người, gây tràn dịch màng phổi, màng bụng nhiều khiến trẻ khó thở.
4. Trong bệnh sốt xuất huyết trẻ dễ bị ói, hạn chế không cho trẻ ăn các thức ăn thức uống có màu đỏ, nâu, đen. Khi trẻ ói, không thể phân biệt đó là dịch lẫn màu thực phẩm hay trẻ có xuất huyết tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc theo dõi bệnh.
5. Ở một số nơi vẫn còn tập quán “cạo gió”,“cắt lễ” khi trẻ sốt, việc làm này dễ khiến trẻ bị bầm da, chảy máu khó cầm hoặc nhiễm trùng huyết từ dụng cụ cắt da.
6. Nhiều phụ huynh không cho con tắm vì nghĩ tắm sẽ khiến trẻ bệnh nặng hơn. Thực tế, vẫn nên cho trẻ tắm nước ấm để giữ vệ sinh thân thể, đồng thời trong giai đoạn sốt, tắm nước ấm cũng là cách hạ sốt không dùng thuốc.
7. Các ngày nguy hiểm của sốt xuất huyết là ngày thứ 3 - 4 - 5 của bệnh, thường giai đoạn này trẻ hết sốt, nhưng mệt hơn, ói, đau bụng hoặc có xuất huyết kín đáo. Đôi khi người nhà thấy trẻ hết sốt nên không đi khám bệnh, dẫn đến tình trạng nhập viện trễ, bệnh nặng.
8. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường chích lúc trời còn sáng, đôi khi phụ huynh chỉ mắc màn cho trẻ ngủ buổi tối, ban ngày thì lại không nên muỗi sốt xuất huyết vẫn chích và gây bệnh.
9. Phụ huynh đôi khi nghĩ rằng con mình đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại, thực tế, sốt xuất huyết hiện tại có 4 type virus Dengue gây bệnh, nên đôi khi trẻ vẫn có thể bị lại sốt xuất huyết khi nhiễm type virus khác lần đầu.
10. Không phải tất cả các trường hợp sốt xuất huyết đều phải nhập viện, thực tế chỉ có khoảng 30% cần phải nhập viện theo dõi sát, các trường hợp khác đa phần chỉ cần điều trị ngoại trú.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, vì vậy, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, đồng thời tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch…