Sức đề kháng non nớt của trẻ em rất dễ mắc các bệnh phổ biến dưới đây, đặc biệt trong dịp Tết. Tìm hiểu thông tin và biện pháp phòng ngừa là cách đơn giản bảo vệ sức khỏe cho con.
Thời điểm cận Tết và trong những ngày Tết, việc chăm sóc >sức khỏe cho trẻ là điều cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Đây là giai đoạn trẻ rất dễ mắc các căn bệnh thường gặp, nguyên nhân chủ yếu do sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công.
Thạc sĩ Bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trong dịp Tết, lịch sinh hoạt của cả gia đình và của bé bị xáo trộn, môi trường sống của trẻ tiếp xúc với nhiều người như khi đi nhà trẻ, đến các nơi công cộng, gia đình có nhiều thành viên… Do đó, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cho bé khi có một người mang mầm bệnh dễ lây lan.
Trẻ thường gặp những bệnh gì trong dịp Tết?
Nhóm bệnh về đường hô hấp
Theo bác sĩ Đinh Thạc, thời tiết thay đổi trong dịp Tết cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, làm phát sinh các căn bệnh về đường hô hấp. Vào thời điểm này, độ ẩm trong không khí và thời tiết lạnh sẽ làm cho các chủng vi khuẩn, virus bùng phát gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em.
Nhóm bệnh đầu tiên thường gặp là viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA, viêm phế quản… Đặc biệt là cúm và hen phế quản (bệnh suyễn) cực kỳ dễ bùng phát nếu cha mẹ không chủ động giữ ấm cho trẻ.
Nhóm bệnh về đường tiêu hóa
Bác sĩ Đinh Thạc thông tin, theo thống kê tại tất cả các cơ sở y tế trên cả nước, nhất là những cơ sở có khám chữa bệnh trẻ em, vào dịp Tết, tỉ lệ mắc bệnh tiêu hóa tăng từ 25 – 30%. Những căn bệnh về đường tiêu hóa dễ xảy ra do vấn đề ăn uống trong ngày Tết không đảm bảo.
Ví dụ: Ngày Tết, nhiều gia đình thường sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, mua về bảo quản trong tủ lạnh không đúng hay những thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần. Hoặc thực phẩm là hải sản tươi sống bảo quản không đúng cách có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp. Trường hợp nặng, bé có thể bị rối loạn tiêu hóa khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, quấy khóc. Nặng hơn là trường hợp ngộ độc thực phẩm những ngày Tết.
Sốt phát ban
Vào dịp Tết, cơ thể bé cũng có nguy cơ nhiễm các loại siêu vi như rubella, parvovirus với biểu hiện sốt cao liên tục trong 3 ngày đầu và giảm dần đến ngày thứ 5,6. Cơ thể trẻ sẽ xuất hiện những mảng ban màu hồng từ mặt đến chân và lặn đi. Trẻ bị sốt phát ban thường mệt mỏi, mất nước, li bì.
Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng, bệnh về mắt hay dị ứng phấn hoa trong dịp Tết.
Cách >phòng bệnh cho trẻ trong dịp Tết
Để bảo vệ sức khỏe của con, bác sĩ Đinh Thạc khuyên các bậc cha mẹ cần chú trọng phòng bệnh cho bé trong dịp Tết. Theo đó, phụ huynh cần chú ý:
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ >dinh dưỡng cân bằng, khoa học. Đồng thời đảm bảo số giờ ngủ cho con.
Tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ các mũi cho bé.
Giữ ấm cơ thể cho bé, hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột. Môi trường sống nên đảm bảo vệ sinh, trong lành, thông thoáng. Người lớn hạn chế hút thuốc lá ở những khu vực vui chơi của trẻ.
Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm loại bỏ vi khuẩn, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh lây lan qua con đường tay – miệng.