Gần đây, liên tiếp những ca hóc dị vật phải nhập viện cấp cứu đã khiến dư luận lo ngại, nhất là đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Theo các chuyên gia, khi bị hóc, sặc, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ, ngay lập tức cần được sơ cứu kịp thời. Nếu không biết cách xử lý hoặc xử lý không đúng sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu, chịu di chứng suốt đời, thậm chí tử vong.
Bệnh nhi bị hóc dị vật có những biểu hiện như ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở. Nếu cấp cứu chậm sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì ngạt đường thở dễ dẫn đến tử vong.
Mới đây, chiều 2/12, bé Đ.T.H 5 tuổi, ở Đức Hoà, Long An trong khi ăn Sapôchê (Hồng xiêm) bị sặc ho liên tục, tím tái, được đưa đến cấp cứu bệnh viện địa phương đặt ống giúp thở, chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
BS CK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi Sức tích cực Chống độc cho biết, tại đây các bác sĩ khám và kết quả chụp X-quang và CT ngực cho thấy trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải có một dị vật không rõ bản chất, kèm thương tổn viêm xẹp thùy giữa và thùy dưới phổi phải. Quyết định tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm ngay trong đêm.
Theo TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố, khi nội soi các bác sĩ phát hiện dị vật có màu đen, hình elip, kích thước khoảng 2 cm, trông giống hạt sapôchê. Ngay sau đó, khi tiến hành gắp dị vật ra, do hạt sapoche to, sắc nhọn 2 đầu kẹt không qua được thanh môn, BS Nhiên phải dụng kềm bóp vụn một phần hạt rồi gắp ra hết. sau đó soi kiểm tra hút gắp sạch các mảnh vụn ở khí và phế quản hai bên. XQuang kiểm tra sau nội soi gắp dị vật, phổi bé thông khí tốt, viêm phổi cải thiện nhanh chóng, bé được cai máy thở, hết khó thở và sẽ được xuất viện vài ngày tới.
Theo các bác sĩ nếu khi ăn uống bị sặc, ho, có triệu chứng đau tức ngực, ho dữ dội, tím tái cần đi khám ngay, không nên làm các biện pháp cố lấy dị vật ra, nhất là khi dị vật đã đi vào đường hô hấp. Nếu để lâu, điều này có thể dẫn tới viêm phổi tái phát nhiều lần.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở. Cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu lạc, hạt trái cây to, ngô bắp, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Không móc họng hoặc cố nuốt dị vật
Khi bị hóc, sặc, thay vì sơ cứu đúng cách, nhiều người lại có thói quen dùng tay móc họng hoặc dùng vật cứng móc ngoáy sâu vào họng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây trầy xước, dẫn đến các biến chứng viêm nhiễm vùng hầu họng. Bên cạnh đó, nhiều người còn lấy nguyên cục cơm hoặc miếng thức ăn thật to để nuốt với hi vọng “tống” được dị vật xuống. Đây cũng là một việc làm sai lầm vì dễ “gậy ông đập lưng ông”, khiến đường thở bị chặn toàn bộ gây khó thở, thậm chí ngừng thở cho bệnh nhân.
Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng Heimlich: Xác định, nếu bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ để con đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp; Trường hợp hôn mê, đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp; Trong tình huống bệnh nhân hôn mê sâu và không thở được, trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn; Sau các bước sơ cứu, đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp còn sót dị vật.