Chị Quỳnh cho rằng việc cho con ngủ riêng ở cũi ngay từ khi ở viện về chính là lý do giúp chị luyện con tự ngủ thành công và dễ dàng chỉ sau khoảng 1 tuần.
Luyện con tự ngủ mà mẹ không mất thời gian dỗ dành mệt mỏi, con có điều kiện được phát triển nhiều mặt về tính cách, thể trạng luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của các mẹ. Và khi mục tiêu này đạt được, bất cứ người mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Chẳng thế mà chị Quỳnh Nguyễn (28 tuổi, hiện đang sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc) tâm sự: "Kể từ khi sinh Tommy ra đến nay thì việc luyện ngủ là một trong những quyết định sáng suốt nhất của mình".
Lý do là bởi: "Mỗi ngày, Tommy sẽ ngủ 2 giấc buổi ngày và 1 giấc buổi đêm. Buổi đêm con đi ngủ từ 7h30 phút tối hôm nay đến sáng hôm sau. Tất cả các giấc là tự ngủ, mẹ không cần phải cho bú, ba không cần phải lắc hay ru. Chỉ cần đặt xuống giường, dù mắt vẫn đang mở nhưng chỉ cần ba mẹ đi ra đóng cửa là con sẽ tự ngủ sau đó. Nhờ vậy, ba mẹ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, làm các công việc khác. Còn Tommy sau khi ngủ ngoan, ngủ đủ, thức dậy sẽ chơi rất ngoan".
Phương pháp luyện con tự ngủ được chị Quỳnh sử dụng là cry it out with check (để con khóc có kiểm soát), bắt đầu áp dụng từ khi bé Tommy được 4 tháng tuổi và chỉ sau 1 tuần là đã thành công. "Nói là luyện ngủ khi Tommy được 4 tháng tuổi nhưng thực ra, từ khi sinh con ra ở viện về, mình đã cho con ngủ riêng ở cũi. Hẳn đó cũng là một lý do khiến việc luyện ngủ đối với mẹ con mình dễ dàng hơn một chút. Nhưng với các mẹ bé khác, dù không ngủ riêng từ đầu, mình tin vẫn có thể thực hiện được với con".
Theo đó, chị Quỳnh cho rằng trước khi luyện con tự ngủ, mẹ phải chuẩn bị các điều kiện cơ bản: "Quan trọng nhất, đó là một cái cũi. Vì nếu luyện ngủ trên giường, việc con khóc sẽ ảnh hưởng đến bố mẹ, hoặc sinh hoạt của bố mẹ sẽ gây ra xáo trộn cho giấc ngủ của con. Hoặc nếu có điều kiện, bố mẹ nên chuẩn bị phòng riêng cho con. Với nhà mình, Tommy được ngủ trong phòng riêng. Trong phòng riêng có một cái cũi. Và trên cũi chỉ có nệm, không có gối, không có chăn. Bởi trẻ sơ sinh hoàn toàn không cần nằm gối. Chăn cũng là không cần thiết, dễ gây nguy hiểm cho con trong khi nhiệt độ phòng đã đảm bảo sự ấm áp".
Ngoài ra, bố mẹ nếu có điều kiện nên chuẩn bị thêm: máy tạo độ ẩm, máy tạo tiếng ồn trắng, rèm cửa để chặn ánh sáng. Những điều này sẽ giúp tạo một môi trường ngủ đảm bảo cho con. Tuy nhiên chị Quỳnh cho rằng không chuẩn bị cũng không sao.
Bắt tay vào luyện ngủ, bắt buộc mẹ phải cho bé đi ngủ vào giờ cố định mỗi ngày: "Với Tommy, mình cho con đi ngủ từ 7h30 phút tối và áp dụng đồng nhất mỗi ngày như thế. Tức là khoảng 7h mình sẽ chuẩn bị cho con đi ngủ, bao gồm chuẩn bị môi trường ngủ, tắm cho con, cho con ăn no và chào tạm biệt, chúc con ngủ ngon. Trong khi luyện con tự ngủ, việc sợ nhất với tất cả các bố mẹ và với cả mình, đó là nghe tiếng con khóc. Nhưng muốn thành công, bắt buộc bố mẹ phải dũng cảm chịu đựng được việc để con khóc như vậy".
Ngày đầu tiên luyện ngủ, bé Tommy khóc hết 17 phút. Dù cảm thấy rất khó khăn để vượt qua nhưng chị Quỳnh vẫn cố gắng đứng ngoài cửa, tránh việc vào bế con. Ngày thứ 2, Tommy khóc ít hơn, thời gian khóc giảm xuống còn 5 phút. Ngày thứ 3, bé chỉ khóc 3 phút. Thời gian cứ rút ngắn dần mỗi ngày như vậy và chỉ sau 1 tuần là bé đã không khóc nữa. Đó là thời điểm chị Quỳnh có thể thở phào nhẹ nhõm, tin chắc con đã có thể tự ngủ.
"Với các bố mẹ hỏi rằng việc để con khóc như vậy, con có làm sao không, thì mình muốn mượn một câu trong tiếng Anh để trả lời, đó là "Crying but not die". Câu nói này nghĩa là chỉ khóc thôi chứ không phải điều gì có thể gây nguy hiểm cho con cả. Vì vậy, việc bố mẹ cần làm là nên kiên nhẫn, cố gắng quyết tâm chịu đựng khi nghe con khóc, tuyệt đối không chạy vào bế con. Bởi việc bế con đó sẽ khiến con hiểu là cứ khóc thì bố mẹ sẽ vào, con sẽ trông chờ, khóc đòi nhiều hơn vào ngày hôm sau. Việc luyện ngủ vì thế mà sẽ nhân lên độ khó rất nhiều lần".
Chị Quỳnh cũng lưu ý là khi nghe con khóc nhiều, khoảng 30 phút mà không chịu được, bố mẹ có thể vào trấn an con. Ví dụ như bố mẹ có thể vỗ vào mông con, nói với con rằng: "Không sao đâu, con vẫn ổn mà. Con ngủ đi nhé!". Nhờ vậy, dần dần con sẽ quen và tự đi ngủ.
"Việc luyện ngủ, để con khóc mất 1 tuần hoặc lâu hơn 1 chút nhưng khi thành công sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong lâu dài. Như mình đã nói ở trên, con sẽ chơi ngoan hơn, tự lập hơn, phát triển vượt trội về những kỹ năng khác và cả về mặt >sức khỏe nữa. Bố mẹ nhờ vậy cũng thoải mái hơn khi chăm con. Và thậm chí sau này khi sinh thêm một em bé khác nữa thì cuộc sống của cả gia đình cũng sẽ không bị đảo lộn quá nhiều", chị Quỳnh chia sẻ thêm.