Chàm sữa là căn bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trên thế giới, cứ 10 trẻ sơ sinh thì có khoảng 2 bé mắc bệnh chàm sữa. Khi bị chàm sữa, bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Vì vậy, mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh da liễu phổ biến này.
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hai bên má, vùng da đầu, thân mình và các vùng da khác của bé xuất hiện những mảng màu hồng, có mụn nước, đóng mài, tróc vảy. Chàm sữa khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Nhiều trẻ hay quấy khóc và không chịu bú mẹ.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Ths. Bs Huỳnh Văn Quang – Khoa Da liễu Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết: “Chàm sữa ở trẻ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cơ địa dị ứng của bé. Hiện tượng này sẽ mất dần khi bé bước vào độ tuổi mầm non, tức là từ 3 – 4 tuổi. Có trẻ đến giai đoạn 5 – 7 tuổi mới hết chàm sữa”.
Bên cạnh yếu tố cơ địa, trẻ bị chàm sữa còn xuất phát từ phía cha mẹ. Nếu cha mẹ bé mắc các chứng bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da, dị ứng thời tiết… thì nguy cơ cao trẻ sinh ra cũng mắc các chứng bệnh da liễu này.
Ngoài ra, các chất gây dị ứng đến da bé như: nấm mốc, lông chó mèo, bụi bẩn, các thực phẩm mẹ ăn có nhiều độc tố gây dị ứng… cũng là những nguyên nhân khiến trẻ bị mắc chàm sữa.
Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ hết dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, khi bị chàm sữa, nhiều bé không chịu nổi những cơn ngứa ngáy liên tục thường cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa khiến các mụn nước vỡ ra gây nguy hiểm đến những vùng da khác. Vì vậy, khi thấy trẻ có những triệu chứng của bệnh chàm sữa, mẹ cần biết cách chăm sóc và lưu ý chế độ >dinh dưỡng cho con.
Về các loại thuốc điều trị, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Khi trẻ sơ sinh bị chàm sữa, mẹ nên bôi các sản phẩm giữ ẩm như cetaphil, atopiclair, dexeryl, eucerin hay sudocrem... Nếu trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ chuyển sang bôi các thuốc có chứa corticoide liều thấp như eumovate. Khi bôi eumovate có dấu hiệu cải thiện, mẹ nên giảm liều và chuyển sang dùng các sản phẩm giữ ẩm cho trẻ”.
Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, Bác sĩ Huỳnh Văn Quang lưu ý một số vấn đề cơ bản cho các mẹ như sau:
- Tắm cho trẻ sơ sinh: Thời gian tắm cho bé chỉ giới hạn từ 5 – 10 phút; Xà phòng tắm cho bé nên chọn loại dịu nhẹ, độ pH cân bằng. Sau khi tắm, mẹ dùng khăn bông lau người nhẹ nhàng cho bé. Sau đó, mẹ nên bôi cho con các sản phẩm dưỡng ẩm chuyên dụng.
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ: Trong thời kỳ cho con bú, mẹ lưu ý hạn chế ăn các thực phẩm gây dị ứng cho bé như: hải sản, trứng, thực phẩm lên men…
- Nếu các dấu hiệu chàm sữa ở trẻ sơ sinh ngày càng nặng, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị thích hợp.