Cha mẹ nên nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ hay đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ khi con bước vào giai đoạn thay răng sữa.
Thay răng sữa ở trẻ em là hiện tượng răng vĩnh viễn mọc lên thay thế răng sữa. Ở độ tuổi tiểu học, răng sữa của bé bắt đầu lung lay theo từng giai đoạn cụ thể như sau:
- Trẻ từ 6 – 7 tuổi: Thay răng cửa giữa hàm dưới
- Trẻ 7 tuổi: Thay răng cửa hàm trên; Răng cửa bên hàm trên
- Trẻ từ 7 – 8 tuổi: Thay răng cửa bên hàm dưới
- Trẻ từ 9 – 10 tuổi: Thay răng cối 1 hàm dưới
- Trẻ từ 10 – 11 tuổi: Thay răng nanh hàm trên
- Trẻ từ 11 – 12: Thay răng nanh hàm dưới; Răng hàm sữa thứ hai
- Trẻ 12 tuổi: Thay răng cối 2 hàm trên
Để trẻ có hàm răng vĩnh viễn mọc lên chắc khỏe, cha mẹ cần biết chăm sóc và nhổ răng sữa đúng cách cho con. >Có nên nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ hay không là thắc mắc phổ biến của các bậc cha mẹ. Bạn hãy nghe câu trả lời của bác sĩ chuyên khoa dưới đây.
Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Nguyễn Phương Như – Khoa nha chu Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM cho biết: “Cha mẹ có thể nhổ răng sữa tại nhà cho bé nếu răng lung lay nhiều. Trường hợp răng chỉ mới lung lay nhẹ, mẹ có thể dặn bé lắc nhẹ răng mỗi ngày để răng lung lay nhiều hơn. Từ đó, việc nhổ răng tại nhà cho bé sẽ ít đau hơn.
Tuy nhiên, cách tốt nhất là cha mẹ nên đưa bé đến gặp nha sĩ. Bằng các dụng cụ cần thiết và vô trùng, các nha sĩ sẽ có cách nhổ răng sữa cho bé không đau. Bên cạnh đó, nha sĩ sẽ dễ dàng kiểm tra được tình trạng răng vĩnh viễn ở trẻ (răng chậm mọc, răng bị sâu hoặc răng có mọc lệch hay không…) để can thiệp kịp thời”.
Ngoài ra, một số trẻ bị bệnh đái tháo đường tuýp 1, bệnh tim mạch không nên nhổ răng tại nhà để tránh ảnh hưởng không tốt đến >sức khỏe. Trẻ đang bị sốt cao, bị viêm lợi cũng không nên nhổ răng tại nhà.
Răng sữa có vai trò quan trong đối với trẻ em. Cha mẹ cần tạo thói quen giữ gìn sức khỏe răng miệng từ nhỏ cho bé. Để chăm sóc răng sữa cho bé đúng cách, mẹ cần lưu ý:
- Tập cho trẻ thói quen đánh răng 4 lần/ngày: Sau mỗi bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Thực hiện quy trình chải răng đúng cách: Chải theo chiều dọc từ trên xuống và ngược lại để làm sạch thức ăn và mảng bám; tránh thao tác đánh răng theo chiều ngang.
- Không nên ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt rải rác trong ngày, chỉ nên ăn vào một thời điểm cố định.
- Trẻ dưới 3 tuổi: Sử dụng bàn chải đánh răng và nước sạch, không cần dùng kem đánh răng. Ở độ tuổi này, trẻ có thể vô tình nuốt kem đánh răng dẫn đến nguy cơ nhiễm flour làm ố men răng.
- Trẻ từ 3 tuổi trở lên: Mẹ tập cho bé sử dụng một lượng vừa phải kem đánh răng dành cho trẻ em và tăng dần theo độ tuổi.
- Đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần; Khi trẻ gặp các vấn đề về răng (sâu răng, mất răng sữa quá sớm, sưng nướu…) mẹ cần đưa bé đến gặp nha sĩ để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện cho sự phát triển của răng vĩnh viễn về sau.