Xuất huyết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là xuất huyết não và màng não có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng của trẻ.
Việc phát hiện, chẩn đoán và xử trí phải được thực hiện sớm tại các tuyến y tế theo đúng quy định.
Gần đây Bệnh viện Nhi trung ương tại Hà Nội trong vài ngày đã tiếp nhận điều trị 3 trẻ sơ sinh mới hơn 1 tháng tuổi bị xuất huyết não được xác định do thiếu vitamin K. Cũng qua theo dõi, giám sát ở các địa phương, Bộ Y tế ghi nhận một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh, sau mổ lấy thai dẫn đến hậu quả >trẻ bị xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K1. Vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này để hạn chế biến chứng xảy ra đối với trẻ.
Vai trò của vitamin K đối với trẻ sơ sinh
Có 3 loạivitamin K gồm vitamin K1 còn gọi là phylloquinone được tìm thấy trong thức ăn tự nhiên; vitamin K2 còn gọi làm enaquinone được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích ở trong ruột; vitamin K3 còn gọi là menadione là dạngvitamin K nhân tạo. Vitamin thuộc nhóm K có tên chung quốc tế là Phytomenadione sản xuất dưới dạng viên nén, viên bao đường, ống tiêm được chỉ định sử dụng trong các trường hợp xuất huyết và nguy cơ xuất huyết tăng do giảm prothrombin huyết. Bình thường vi khuẩn trong ruột có thể tổng hợp đủ vitamin K nhưng đối với trẻ sơ sinh các nhà khoa học khuyến cáo nên điều trị cho trẻ một liều vitamin K1 (Phytomenadione) 1mg ngay sau khi sinh để phòng ngừa xuất huyết sơ sinh. Thực tế vitamin K1 qua nhau thai ít, do đó chúng được chọn để điều trị tình trạng giảm prothrombin huyết ở người mẹ và phòng ngừa được bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh; tuy nhiên việc bổ sung cho người mẹ là không cần thiết trừ khi có nguy cơ thiếu vitamin K, một thực đơn trong thai kỳ của người mẹ hàng ngày cần có 45 microgam vitamin K là đủ. Nồng độ vitamin K trong sữa mẹ thường thấp, hầu hết các mẫu sữa đều dưới 20 nanogam/ml; nhiều mẫu dưới 5 nanogam/ml. Mặc dù không phải tất cả trẻ sơ sinh nhưng rất nhiều trẻ sơ sinh thiếu vitamin K là do chúng được chuyển qua nhau thai rất ít. Nếu trẻ chỉ bú mẹ thôi thì không phòng ngừa được sự giảm sút thêm vitamin K dự trữ vốn đã thấp và có thể phát triển thành tình trạng thiếu vitamin K trong 48 - 72 giờ. Khi người mẹ dùng một số thuốc như thuốc chống co giật, warfarin hoặc thuốc chống lao có thể gây nên bệnh lý xuất huyết trẻ sơ sinh điển hình và sớm; trái lại nếu trẻ bú mẹ được xem là một căn nguyên của bệnh lý xuất huyết trẻ sơ sinh điển hình và muộn. Việc sử dụng vitamin K cho trẻ sơ sinh phòng ngừa được bệnh xuất huyết trẻ sơ sinh do ngăn cản được các yếu tố đông máu II, VII, IX, và X tiếp tục giảm sút. Theo đó, hàm lượng vitamin K tự nhiên trong sữa mẹ quá thấp nên không bảo vệ được trẻ sơ sinh khỏi sự thiếu hụt vitamin K dẫn đến bệnh xuất huyết trẻ sơ sinh, trong đó có cả xuất huyết não và màng não trên thức tế đã gặp. Có thể dùng vitamin K cho người mẹ để tăng nồng độ trong sữa nhưng cần được các nhà khoa học nghiên cứu thêm.
Phát hiện, xử trí xuất huyết sơ sinh do thiếu vitamin K
Đối với tuyến xã, phường, thị trấn: cần phát hiện và ghi nhận các trường hợp trẻ có nguy cơ bị xuất huyết như trẻ bị ngạt thở khi sinh, sinh khó, sinh quá nhanh, sinh non tháng, nhiễm khuẩn. Đối với người mẹ phát hiện sản phụ có sử dụng các loại thuốc chống lao, thuốc chống động kinh. Để nhận biết các dấu hiệu xuất huyết ở trẻ sơ sinh, cần chú ý đến những vị trí ở da dầu, rốn, đường tiêu hóa và bất kỳ một dấu hiệu nguy hiểm nào đó. Việc xử trí phải được thực hiện cầm máu ngay bằng cách băng ép khi có chảy máu rốn, chảy máu chỗ tiêm chích. Đồng thời tiêm bắp thịt 1mg vitamin K1 và chuyển trẻ lên y tế tuyến trên an toàn để được theo dõi, chăm sóc và xử trí điều trị tiếp tục.
Đối với tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố: cần khám lâm sàng kỹ để đánh giá mức độ xuất huyết. Thực hiện các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán xác định nguyên nhân như xét nghiệm công thức máu. dung tích hồng cầu, lượng hemoglobin, tiểu cầu, thời gian máu chảy, thời gian máu đông... Việc xử trí được thực hiện như tuyến xã, phường, thị trấn; cần kiểm tra xem trẻ đã được tiêm vitamin K1 sau khi sinh chưa, nên thực hiện lại một liều vtamin K1 1mg khi còn dấu hiệu chảy máu; có thể truyền dịch, truyền máu tùy theo mức độ mất máu của trẻ; lưu ý cần sử dụng máu toàn phần hoặc hồng cầu lắng mới trong vòng 5 - 7 ngày và phù hợp nhóm máu mẹ - con trong trường hợp nghi xuất huyết có kèm theo bất đồng nhóm máu ABO; đồng thời làm thông thoáng đường thở, cung cấp oxygen, điều trị các rối loạn khác kèm theo nếu có và chuyển trẻ lên y tế tuyến trên một cách an toàn khi vượt quá khả năng điều trị.
Đối với tuyến tỉnh, thành phố thuộc trung ương: cách xử trí cũng giống như tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố nhưng cần thực hiện thêm các xét nghiệm đông máu toàn bộ, chức năng gan và một số xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân như chẩn đoán hình ảnh. Có thể xử trí bằng cách truyền máu và các sản phẩm của máu khi có chỉ định. Lưu ý sau thời gian tiêm vitamin K1 trong khoảng 12 - 24 giờ, thuốc mới có tác dụng điều chỉnh các xuất huyết do thiếu vitamin K1; do đó cần truyền huyết tương tươi đông lạnh trong khoảng thời gian chờ vitamin K1 có tác dụng. Ngoài ra việc điều trị nguyên nhân, các rối loạn kèm theo và chăm sóc hỗ trợ phải được chú ý thực hiện.
Điều cần quan tâm
Để phòng chống bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh, trong đó có xuất huyết não và màng não có hiệu quả do thiếu vitamin K; Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập phải thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh theo đúng hướng dẫn quốc gia. Cụ thể đối với trẻ sinh ra có cân nặng trên 1.500g phải tiêm bắp thịt 1mg vitamin K1; đối với trẻ sinh ra có cân nặng từ 1.500g trở xuống phải tiếp bắp thịt 0,5mg vitamin K1. Lưu ý việc tiêm vitamin K1 phải thực hiện ngay sau khi trẻ được chăm sóc sớm thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau khi sinh hoặc sau mổ lấy thai còn gọi là chăm sócthiết yếu bà mẹ và trẻsơ sinh sớmEENC (early essential newborn care).