Những thực phẩm tưởng như vô cùng an toàn nhưng chỉ một chút thiếu cẩn trọng của người lớn, chúng cũng có thể đe dọa tính mạng trẻ vì nguy cơ hóc nghẹn.
Nghẹn một miếng bánh mì, bé gái 2 tuổi tử vong
Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Malaysia, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả các bậc phụ huynh và những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ. Đặc biệt, trong vấn đề lựa >chọn thực phẩm có kích cỡ phù hợp cho trẻ nhỏ để tránh nguy cơ bị hóc nghẹn.
Nhập viện do bị nghẹn bánh mì, bé Nia Adreanna Mohd Yasir (2 tuổi) đã không qua khỏi 4 ngày sau đó. Báo cáo từ một nhân viên y tế của Bệnh viện Selayang được gửi tới văn phòng cảnh sát thị trấn Selayang, gần Kuala Lumpur.
Theo cảnh sát trưởng Samsor Maarof, hôm thứ hai, 1/7, khoảng 10 giờ sáng, bé Nia được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Trước đó, cô bé có ăn bánh mì tại nhà người trông trẻ.
Trong quá trình nỗ lực hồi sức cấp cứu cho Nia, nhân viên y tế phát hiện "một miếng bánh mì". Cô bé đã được chăm sóc tận tình nhưng không thể qua khỏi vào 4 ngày sau đó. Bé Nia được xác nhận tử vong vào thứ năm (6/7).
Khám nghiệm tử thi xác nhận nguyên nhân tử vong chính thức là "bệnh não do thiếu máu - thiếu oxy cục bộ". Điều này có nghĩa là não bộ bệnh nhân không nhận đủ oxy và máu, dẫn tới suy đa tạng.
Do bản chất tự nhiên của trường hợp này và nguyên nhân tử vong bất thường, quan chức Malaysia sẽ tiến hành điều tra cụ thể điều gì đã khiến bé gái bị "nghẹn bánh mì" theo điều 31, Luật Hành động vì Trẻ em.
Bé 4 tháng tuổi tử vong vì nghẹn sữa
Trước đó, vào 11/4, một người trông trẻ ở Jalan Merdeka (Malaysia), cũng đã bị cảnh sát bắt giữ nhằm phục vụ quá trình điều tra nguyên nhân cái chết của một bé mới 4 tháng tuổi thiệt mạng do nghẹn sữa hôm 9/4.
Theo lời kể của cha nạn nhân, anh nhận được cuộc điện thoại từ người trông trẻ vào khoảng 2 giờ chiều hôm 9/4 thông báo con trai anh bị hôn mê bất tỉnh. Người cha lập tức đến nhà người trông trẻ. Nhưng em bé đã vĩnh viễn ra đi sau khi được chuyển tới bệnh viện.
Khám nghiệm tử thi xác nhận nguyên nhân thiệt mạng là chứng viêm phổi hít – do sữa đi vào phổi nạn nhân, khiến phổi không thể hoạt động bình thường và dẫn đến thiếu oxy.
Một số quy tắc phòng ngừa nguy cơ hóc nghẹn thức ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Bé nên ngồi thẳng trong lúc ăn và bạn phải để mắt tới bé trong toàn bộ bữa ăn.
- Không hối thúc con khi bé ăn – hãy dành nhiều thời gian để bé tận hưởng và hoàn tất bữa ăn.
- Chỉ đưa một lượng nhỏ thức ăn ra khay/bát của bé mỗi lúc.
- Tránh thực phẩm hình tròn, cứng và những loại kích cỡ lớn (bánh mì kẹp xúc xích, các loại hạt, nho nguyên trái, kẹo cứng hoặc mềm, bỏng ngô, cà rốt sống).
- Bánh mì kẹp xúc xích không an toàn cho trẻ sơ sinh. Nếu bé 1-2 tuổi của bạn thích bánh mì kẹp xúc xích, hãy đảm bảo cắt chúng theo chiều dọc.
- Tránh các loại thực phẩm dẻo dính.
- Tránh sản phẩm bánh mì trắng bán sẵn bởi chúng có thể hình thành các cục dính trong miệng bé.
- Thái thịt đỏ và thịt gà thành các miếng nhỏ bằng đầu ngón tay.
- Các miếng thức ăn không nên lớn hơn kích cỡ 1cm theo bất cứ chiều nào. Nếu vẫn còn nghi ngại, bạn hãy thái nhỏ thức ăn hơn nữa.