Trẻ em luôn thích thú khi được ăn những trái vải ngọt mát vào mùa hè. Tuy nhiên, nếu không biết ăn đúng cách, những chùm vải chín mọng có thể hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe của trẻ.
Một nghiên cứu gần đây cho biết trẻ em ăn vải quá nhiều có thể bị ngộ độc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến >sức khỏe, đặc biệt đối với những trẻ bị suy >dinh dưỡng.
Theo trang Theasianparent Singapore, các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã kết luận nguyên nhân khiến nhiều trẻ em sinh sống tại bang Bihar tử vong hàng năm là do ăn quá nhiều vải.
Khi đói bụng, trẻ em ăn vải có thể bị hạ đường huyết đột ngột làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ. Một nhóm nghiên cứu tại trường Cao đẳng Y khoa Christian, quận Vallore thuộc bang Tamil Nadu (Ấn Độ) đã phát hiện hoạt chất methylene cyclopropyl-glycine (MCPG), hypoglycin G trong quả vải chín và vải xanh là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết cấp tính ở trẻ em.
Nguyên nhân là khi bụng đói, cơ thể trẻ sẽ giải phóng một lượng glycerin và huy động lượng mỡ tích trữ nhằm đảm bảo năng lượng cho các hoạt động. Quá trình này đòi hỏi sự phân hủy các axit béo, carnitine và coenzyme. Trẻ ăn vải lúc đói sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Hậu quả là đường huyết bị suy giảm đột ngột.
Ăn vải khi đói có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, nếu cho trẻ ăn một cách hợp lý và khoa học, quả vải sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Quả vải giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch non nớt ở trẻ. Khoáng chất kali và các chất chống oxy hóa trong quả vải cải thiện chức năng mạch máu, giúp hệ tim mạch trẻ khỏe mạnh.
Vì vậy, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ ăn vải nhưng cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chỉ nên cho bé ăn từ 3 – 4 quả mỗi lần ăn. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn vải khi bụng no, sau bữa ăn 30 phút.
- Sau khi ăn vải, mẹ có thể cho trẻ uống ít nước muối, trà lạnh, canh đậu xanh để tránh chứng “hư hỏa”, không tổn hại sức khỏe.
- Ngoài vải tươi, mẹ có thể cho trẻ thưởng thức trà vải, chè hạt sen vải, sinh tố sữa vải hoặc chè khúc bạch vải thiều để bé thêm ngon miệng.