Sau khi sinh, trẻ nên được bú mẹ tối thiểu 6 tháng đầu đời. Thế nhưng có 1 trường hợp có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của bé trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ mà nhiều mẹ chưa biết.
Trải qua hơn 9 tháng mang nặng, người mẹ có thể đón con chào đời và cho con bú dòng sữa mẹ ngọt ngào đầu tiên. Trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể và là nguồn cung cấp >dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn khuyến cáo trẻ sơ sinh nên được cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Trong quá trình đó, người mẹ có thể gặp phải 1 số vấn đề như tắc tia sữa, ngực sưng đau, đầu vú ngắn khiến cho bé gặp khó khăn khi bú mẹ. Đây đều là những hiện tượng phổ biến và có thể nhanh chóng qua khỏi. Thế nhưng có 1 trường hợp có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của bé trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ mà nhiều mẹ chưa biết. Đó chính là việc cơ thể người mẹ không tiết đủ sữa để cho bé bú, nhưng nguy hiểm thay chính người mẹ lại không nhận ra điều này và vô tình khiến bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và mất nước, lâu dài có thể khiến trẻ tử vong.
Chỉ tiết 30ml sữa mỗi ngày và vẫn chỉ cho con bú mẹ, người mẹ vô tình đẩy con vào nguy kịch
Deseray Valdez, bà mẹ đến từ bang Texas đã kể lại câu chuyện của chính con chị từng rơi vào nguy kịch lúc mới sinh. Chị kể lại rằng sau khi sinh, chị và con trai được xuất viện về nhà như bao bà mẹ khác. Tất cả các báo cáo kiểm tra >sức khỏe mẹ và bé đều ổn. Nhưng 1 thời gian sau, con trai chị có biểu hiện lạ, da dẻ của bé trở nên vàng hơn và bé lả đi trên tay mẹ. Quá sợ hãi, chị đã đưa con quay lại bệnh viện và được bác sĩ thông báo bé bị suy dinh dưỡng nặng do bị đói lâu ngày, cơ thể mất nước nghiêm trọng. Bé cần nằm viện để hồi sức tích cực trong 3 ngày.
Điều đáng nói ở đây là chị Valdez không hề hay biết về sự cố này: “Tôi đã rất sốc khi biết tin con có thể chết mà nguyên nhân là do tôi. Bé bị mắc bệnh vàng da do cơ thể bị mất nước càng khiến tôi đau đớn và tự trách mình hơn bao giờ hết”.
Bác sĩ điều trị cho biết cơ thể chị Valdez tiết không đủ sữa mẹ để nuôi em bé, trung bình chị chỉ có khoảng 30ml sữa/ngày, thế nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc như vậy. Theo lời kể thì mẹ bé không có biểu hiện gì nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới lượng sữa mẹ. Nhưng theo các chuyên gia y tế thì việc cơ thể không tiết đủ sữa có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tác dụng phụ của thuốc hoặc các cuộc phẫu thuật trước đó.
Thật may là sau khi được tích cực điều trị và bổ sung dinh dưỡng thì con trai chị Valdez đã qua cơn nguy kịch. Bé hiện được 3 tuổi, khỏe mạnh và hiếu động, không có biến chứng nào do việc suy dinh dưỡng và mất nước lúc nhỏ gây ra.
"Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên vì 1 lí do nào đó hoặc có thể tự nhiên, lượng sữa mẹ bị tụt giảm và không đủ cung cấp cho bé nữa. Tôi chưa từng nghĩ chuyện đó lại có thể xảy ra với mẹ con tôi”, bà mẹ 3 con mỗi lần kể lại sự việc vẫn còn hiện rõ sự sợ hãi trên gương mặt.
Quan sát và kiểm tra các dấu hiệu mất nước ở trẻ là việc cần làm mỗi ngày
Bà Burlene Carrizales, chuyên gia tư vấn về tiết sữa mẹ tại trung tâm tiết sữa Lactation Care Center RG, Texas, Mỹ cho biết trường hợp giống như 2 mẹ con chị Valdez ở trên không phải là hiếm.
Trước khi câu chuyện này xảy ra, bà mẹ người Mỹ khác là Jillian Johnson đã từng chia sẻ câu chuyện đau lòng khi mất đi bé Landon vào năm 2012 cũng với triệu chứng tương tự. Landon là một em bé sinh đủ tháng và trọng lượng của cậu bé lúc chào đời là 3,3 kg. Tuy nhiên, sau 52 giờ rời bụng mẹ, Landon mất 9,72% trọng lượng so với lúc mới sinh. Jillian đã không nhận ra mình không có đủ sữa cho con bú khiến sau đó bé bị ngưng thở và qua đời sau 15 ngày nằm trong lồng ấp.
Hiện tượng mất nước ở trẻ sơ sinh rất khó để nhận biết và mỗi trường hợp đều khác nhau. Nhưng người mẹ có thể quan sát và nhận biết 1 số dấu hiệu điển hình khi bé bị mất nước như sau:
- Đi tiểu ít.
- Mắt sụp.
- Khóc không có nước mắt, da và môi khô.
- Thở nhanh, người gầy yếu.
- Lơ mơ, không tỉnh táo.
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, nếu bạn lo lắng rằng bé ăn không đủ thì có thể theo dõi việc đi tiêu, tiểu của bé, quan sát mức độ ướt và bẩn trong tã, bỉm. Ngoài ra, mẹ có thể kiểm tra trọng lượng của bé, sau mỗi lần cho bé bú thì quan sát dấu hiệu xem bé đã no bụng hay chưa. Khi bé bú, nếu có sữa, mẹ có thể nghe thấy tiếng nuốt “ực ực” trong cổ họng của bé, nhưng nếu bé bú im lặng, không phát ra âm thanh thì cần lưu ý kiểm tra.
Còn Tiến sĩ Christie del Castillo-Hegyi, một bác sĩ chuyên về các biến chứng khi cho con bú, nhà đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận có tên Fed is Best (nghiên cứu và cung cấp kiến thức về sữa mẹ và rủi ro liên quan), ông cho rằng người mẹ nên biết cách làm những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Kể cả việc cho con uống thêm sữa công thức hoặc nếu người mẹ không thể đáp ứng thì có thể cho con uống sữa công thức hoàn toàn. Hay nói cách khác, sữa mẹ không phải là tuyệt đối và là con đường duy nhất để nuôi dưỡng trẻ.
Nếu bạn lo lắng bé ăn không đủ và thấy bé có những dấu hiệu kể trên, hãy nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn càng sớm càng tốt.