Thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh làm trẻ dễ bị ho. Cha mẹ cần chú ý để biết cách phân biệt trẻ ho thông thường và ho bệnh lý theo chỉ dẫn dưới đây.
Theo bác sĩ chuyên khoa nhi Phí Xuân Thi, BV Sản Nhi Quảng Ninh, ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Có nhiều dạng ho và có các nguyên nhân gây ho khác nhau. Nó phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.
Virus là tác nhân gây ho phổ biến nhất. Trẻ em có thể bị từ 6 đến 12 lần nhiễm virus/năm, đặc biệt đối với trẻ đi học nhà trẻ hoặc nhà có đông anh chị em.
Nhiều bậc cha mẹ cố gắng tìm hiểu xem, liệu có những nguyên nhân nào gây ho ở trẻ, đặc biệt là ho kéo dài, hoặc ho tái phát nhiều lần.
Dưới đây là nguyên nhân và các loại ho phổ biến hay gặp ở trẻ mà cha mẹ cần biết.
1. Ho do cảm lạnh
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho ở trẻ em và thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.
Thuốc kháng sinh thường không cần thiết và cũng không làm giảm triệu chứng của bệnh. Ho do cảm lạnh có thể kéo dài từ 3 đến 4 tuần và việc điều trị quan trọng nhất là bảo đảm đầy đủ nước, >dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sử dụng paracetamol hoặc ipuprofen khi cần thiết.
2. Viêm tiểu phế quản
Là nguyên nhân gây ho ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, thường do nhiễm virus. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng giống cảm lạnh. Nhưng sau 1 vài ngày, trẻ bắt đầu thấy khó thở hơn, thở nhanh hơn, thở khò khè, kèm theo ho và sốt.
Sau đó trẻ bắt đầu bú kém (thường bú ít hơn một nửa so với bình thường) và có thể lờ đờ, buồn ngủ.
Cách điều trị là cho chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, hoặc có thể phải cho trẻ tới viện để được cho ăn qua sonde, đôi khi cần tới cả oxy cho trẻ thở.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường bắt đầu nặng hơn vào ngày thứ 2-3 của bệnh, và có thể kéo dài tới 7-10 ngày. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài từ 2-4 tuần.
3. Ho do hen suyễn
Là thuật ngữ được sử dụng để mô tả ho ở trẻ trên 12 tháng tuổi, và thường khởi phát bởi nhiễm virus.
Ho do hen suyễn tương tự như viêm tiểu phế quản và thường gọi là hen khi trẻ đáp ứng với khí dung ventolin, thuốc dùng để giãn phế quản.
Ho đơn thuần thì thường không phải là hen suyễn, nhưng nghĩ tới hen khi trẻ xuất hiện các triệu chứng khò khè, nặng ngực.
Tình trạng trở nên xấu đi, trẻ thở nhanh hơn, tăng công thở, co kéo cơ liên sườn hoặc cơ ức đòn chũm. Một số trẻ bị các triệu chứng của hen khi đang tập thể dục.
Điều trị với thuốc giãn phế quản (Ventolin) và có thể phải dự phòng nếu trẻ phải sử dụng ventolin nhiều hơn và/ hoặc có triệu chứng giữa các cơn cấp. Mỗi trẻ cần có một kế hoạch quản lý hen rõ ràng.
4. Ho do viêm thanh quản
Bệnh gây ra tiếng ho khan, thường ở trẻ dưới 5 tuổi và do nhiễm virus. Không giống như viêm tiểu phế quản và hen suyễn, viêm thanh quản không ảnh hưởng tới đường thở dưới.
Bệnh bắt đầu với các triệu chứng như cảm lạnh, sau đó gây phù nề thanh quản, và khí quản gây ra tiếng thở rít, ồn ào, ho ông ổng.
Bệnh thường nặng vào ban đêm, đạt đỉnh và ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh, có thể kéo dài đến ngày thứ 4. Các điều trị là cho trẻ nghỉ ngơi, không bị kích thích, uống đủ nước.
Các thuốc steroid đường uống đôi khi được sử dụng để làm giảm sưng nề thanh quản. Nếu trẻ khó thở, hoặc tình trạng diễn biến xâu hơn thì phải cho trẻ đến bệnh viện.
5. Ho gà
Là nguyên nhân gây ra ho ở trẻ em mọi lứa tuổi và do nhiễm vi khuẩn. Trẻ cũng bắt đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường. Sau một tuần, ho bắt đầu thành từng cơn, kèm theo nôn sau cơn ho.
Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, cơn ho có thể khiến trẻ đỏ mặt rồi tái xanh, thậm chí là có các cơn ngừng thở, hoặc không thở được.
Đây là nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh và có thể phải đến bệnh viện vì có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não.
Ở trẻ lớn và người lớn có thể bị, nhưng cơn ho có thể nhẹ hơn, dai dẳng hơn và có thể làm cha mẹ không nghĩ đến ho gà.
Thường thì các thành viên khác trong gia đình cũng có thể cùng bị ho. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng trẻ và các thành viên khác trong gia đình phải được chủng ngừa ho hà.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng lây sang người khác nếu được bắt đầu trong 2 tuần. Cơn ho có thể kéo dài đến 3 tháng.
6. Ho do viêm phổi
Là nguyên nhân gây ho ở trẻ em mọi lứa tuổi, và là tình trạng phổi bị tổn thương do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Bệnh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, thở nhanh.
Khi đến bệnh viện trẻ sẽ được xử trí bao gồm chụp quang ngực, bù nước điện giải, kháng sinh (nếu cần). Các điều trị khác phụ thuộc vào tình trạng của trẻ.
Trẻ có thể được điều trị tại nhà bằng kháng sinh đường uống, hoặc có thể phải nhập viện dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, và có thể thở oxy. Hầu hết trẻ sẽ cải thiện sau 2-3 ngày, và hồi phục trong 10 ngày.
Ngoài các nguyên nhân gây ho kể trên, nếu trẻ ho kéo dài hơn và ít có khả năng do nhiễm trùng thì phải tìm thêm các nguyên nhân khác. Ở trẻ nhũ nhi có thể là các vấn đề về cấu trúc đường thở.
Ở trẻ bắt đầu tập đi có thể do nuốt phải di vật. Trẻ lớn hơn có thể bị chảy mũi mạn tính kèm theo ngứa mũi và gây ho nhiều hơn, thường biến mất trong khi ngủ.
Đôi khi có thể ho do dùng thuốc kháng sinh kéo dài. Hầu hết các trường hợp này, tùy vào mức độ nặng và phức tạp của bệnh, cần có sự chăm sóc và thăm khám lâm sàng thêm của các bác sĩ chuyên khoa.