Thực đơn ăn dặm cần phải đa dạng, đủ chất và phù hợp với hệ tiêu hóa của bé theo từng tháng tuổi. Sau đây là những hướng dẫn để mẹ có thể chế biến được những món cháo dinh dưỡng ngon, đủ chất và phù hợp với bé. Hãy cùng tìm hiểu thôi nào!
Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, nếu có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất và phù hợp với độ tuổi thì sẽ giúp bé phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ.
Hiện nay, theo thông tin từ WHO - tổ chức Y tế thế giới: có 4 nhóm thực phẩm chính được chia thành 4 ô vuông bên dưới, để giúp bé tập ăn ngon miệng mà vẫn cân bằng dinh dưỡng cho sự phát triển của bé.
Lấy sữa mẹ làm trung tâm, 4 ô vuông thức ăn chính là 4 nhóm thức ăn chứa: chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Trong món cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm, mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất này với tỷ lệ thích hợp. Cụ thể:
- Nhóm thức ăn cơ bản: Gạo, ngũ cốc
- Nhóm thức ăn cung cấp chất đạm (protein): Thịt, cá, trứng, tôm, cua, lươn, đậu đỗ,…
- Thức ăn có vitamin và muối khoáng: rau, củ, quả
- Thức ăn giàu chất béo (lipit): Dầu thực vật, bơ, mỡ động vật, lạc...
Một lợi thế cho các mẹ là ở nước ta có một nguồn thực phẩm dồi dào từ các loại cá, thịt tới các loại ngũ cốc hay rau củ quả. Mẹ có thể lựa chọn các loại ngũ cốc phổ biến như gạo, mì, ngô, khoai tây, khoai lang... để nấu cháo cho bé.
Ngoài ra, sự đa dạng về rau xanh, trái cây, củ quả ngon và sạch, cũng là điểm mạnh ở thị trường nông sản nước ta. Mẹ có thể tận dụng nguyện liệu ở các cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm thêm thật phong phú và ngon miệng nhé!
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng: trẻ nên bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6 trở đi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bé phải tập ăn dặm sớm hơn do chất lượng sữa mẹ hoặc >sức khỏe của trẻ.
Để bắt đầu quá trình ăn dặm, bố mẹ cần tập cho trẻ làm quen dần với từng loại bột, loại cháo và phải tuân thủ một số những nguyên tắc sau:
- Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé phải áp dụng thực hiện từ bột ngọt tới bột mặn (bột ngọt, bột rau củ, bột cá thịt kết hợp rau củ), từ loãng đến đặc (bột loãng, bột 5%, bột 10%, bột đặc hơn, cháo loãng, cháo đặc).
- Mẹ nên nấu gần thời điểm cho bé ăn, không nên nấu trước rồi bảo quản, cháo sẽ bị mất chất, thậm chí là bị nhiễm khuẩn.
- Mức ăn của trẻ sẽ tăng dần theo từng tháng tuổi, mẹ lưu ý để nấu một lượng vừa phải: Khi mới tập ăn thì mỗi bữa vài thìa, sau đó là 1/4 bát, tiếp tục là 1/3 bát, 1/2 bát, 3/4 bát rồi 1 bát (tương đương 200ml cháo).
- Số bữa cũng tăng dần từ thời điểm bé tập ăn cho đến khi bé 12 tháng tuổi. Ban đầu chỉ nấu 1 bữa/ngày, rồi 2 bữa/ngày, sau đó là 3 bữa/ngày.
- Cho trẻ làm quen với từng loại thức ăn chứ không cho bé ăn nhiều, đột ngột ngay từ lần đầu tiên. Ví dụ, mẹ muốn cho bé ăn dặm bằng cháo thịt bò khoai tây, thì trước hết, lần đầu tiên mẹ nên nấu cháo loãng với một ít thịt bò nghiền (thịt xay), cho bé ăn khoảng 3-5 thìa để cảm nhận phản ứng. Sau vài ngày nếu thấy bé tiêu hóa tốt, vẫn ăn ngon thì mẹ có thể nấu với lượng thịt nhiều hơn, cháo nhiều hơn, cho thêm khoai tây nghiền vào nấu cùng nhé.
Giai đoạn này bé bắt đầu làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ, bạn chỉ nên cho bé ăn mỗi ngày 1 bữa bột hoặc cháo loãng, để trẻ tập làm quen với các thức ăn rắn như bột. Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm trong giai đoạn này đảm bảo cho bé ăn các món giàu dinh dưỡng, tuy nhiên phải dễ tiêu hóa, phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của bé.
Các món cháo dinh dưỡng phù hợp trong độ tuổi này là:
- Cháo bí đỏ nghiền trộn sữa mẹ hoặc sữa công thức: Bí đỏ đem hấp chín nghiền nhỏ, thêm nước cho loãng, trộn thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé ăn.
- Cháo khoai tây nghiền trộn sữa mẹ hoặc sữa công thức: Khoai tây đem hấp chín nghiền nhỏ, thêm nước cho loãng, trộn thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức cho bé ăn.
- Cháo cải ngọt, cải chíp hoặc rau xanh theo mùa, đậu phụ non đem xay, nghiền nhỏ, rây qua rây rồi nấu chín cho bé ăn.
- Bột đậu Hà Lan nghiền trộn cùng sữa mẹ: đậu Hà lan đem rửa sạch, luộc chín cho mềm rồi dùng thìa nghiền nát, có thể xay mịn rồi rây qua rây. Sau đó trộn cùng sữa mẹ tạo thành hỗn hợp rồi cho bé ăn.
Ngoài ra mẹ có thể thay đổi linh hoạt các loại rau củ quả khác cho bé, miễn sao là nấu loãng, cho bé ăn lượng ít vừa phải là được.
Bước sang giai đoạn này, trẻ đã tiến bộ rất nhiều trong các kỹ năng vận động cũng như nhận thức, đồng thời đó thì nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng tăng lên. Giai đoạn 8-10 tháng tuổi này, bé có thể ăn bát cháo không cần xay nhuyễn quá, bé có nhu cầu ăn các thức ăn đặc. Với thực đơn ăn dặm giai đoạn này mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa, mỗi bữa một bát cháo khoảng 200ml.
Công thức nấu cháo dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này thì có rất nhiều. Mẹ có thể kết hợp một cách linh hoạt các thực phẩm sẵn có xung quanh khu vực mình ở để tạo nên các món cháo thơm ngon cho bé. Một số món gợi ý cho mẹ dễ chế biến như sau:
- Cháo thịt heo bí đỏ: Cháo trắng ninh nhừ, bí đỏ luộc nghiền nhuyễn, thịt heo băm nhỏ. Nấu cháo mềm nhừ rồi cho thêm một chút dầu oliu. Nếu dùng bột thì khoảng 4 thìa bột gạo pha với 1 bát con nước.
- Cháo thịt bò khoai tây: Cháo trắng nấu mềm nhừ, thịt bò băm thật nhỏ, khoai tây hấp chín nghiền nhuyễn. Khi cháo chín thì cho thịt bò, tiếp theo cho khoai tây, cuối cùng cho dầu oliu vào.
- Với cách làm tương tự mẹ có thể nấu nhiều các món cháo khác như: cháo lươn bí đỏ, cháo thịt heo nấm rơm, cháo cá cà rốt, cháo gà rau mồng tơi, cháo thịt lợn rau ngót,…. tất cả đều là những món cháo thơm ngon và đủ dinh dưỡng cho bé.
Thực đơn nấu cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm ở giai đoạn 10-12 tháng tuổi cũng có những thay đổi theo sự phát triển thể chất của bé. Ở giai đoạn này, bố mẹ nên tăng cường chất dinh dưỡng cho bé và phải luôn đảm bảo 4 nhóm chất chính, chi làm 3 bữa cháo, mỗi bữa khoảng 200ml cháo tương đương 1 bát con. Lượng thịt và rau có thể tăng lên, mức cháo cũng có thể đặc hơn.
Thực đơn nấu cháo dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này cũng có thể linh hoạt và đổi mới thêm nhiều loại thực phẩm. Đặc biệt là lượng chất đạm và lượng đường bột cũng cần phải tăng lên theo nhu cầu ăn của bé. Trung bình mỗi bữa bé cần khoảng 15-20g chất đạm từ thịt, cá, 15-20g rau củ quả, 1 thìa nhỏ dầu ăn hoặc mỡ nước và ½ bát con cháo trắng.
Cách chế biến ở giai đoạn này cũng không cần xay nhỏ, mẹ chỉ cần băm thức ăn riêng rồi cho vào nấu chung. Bé có thể ăn cháo hạt ninh nhừ, khi cháo chín mẹ cho thịt, rau vào khuấy đều nhỏ lửa cho sánh mịn là được. Cháo ở dạng đặc chứ không loãng như các giai đoạn trước.
Trên đây là cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm tùy theo độ tuổi của bé. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các mẹ sẽ biết cách linh hoạt với những món ngon, giàu dinh dưỡng và phù hợp cho bé hay ăn chóng lớn nhé!