Bệnh về đường hô hấp là bệnh hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi (đặc biệt là giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi) do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Để con phát triển khỏe mạnh các mẹ nên biết cách phòng chống bệnh về hô hấp bằng cách tăng cường miễn dịch cho trẻ.

06:52 15/06/2018

Tại sao trẻ nhỏ hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp?

Đường hô hấp chính là con đường mà nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn...) dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Đối với trẻ em do đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh càng dễ dàng xâm nhập hơn.

Ngay từ khi còn là bào thai trẻ đã được mẹ truyền các kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm khuẩn trong những tháng đầu đời. Khi sinh ra sữa mẹ chính là nguồn thức ăn tốt nhất, cũng là nguồn cung cấp các kháng thể, các chất kháng khuẩn giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật, cho nên trong 6 tháng đầu đời trẻ rất ít ốm đau. Tuy nhiên, từ 6 tháng tuổi, là tuổi bé bước vào ăn dặm các kháng thể này bắt đầu giảm mạnh, trong khi đó hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Phải đến 3– 4 tuổi hệ thống này mới được hoàn thiện, và cơ thể trẻ mới có thể sản xuất đầy đủ các kháng thể giúp chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Hơn nữa, trong thời gian ăn dặm, trẻ bú mẹ ít hơn nên kháng thể truyền qua sữa mẹ cũng bị giảm đi, làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu và tạo thành một “khoảng trống miễn dịch”.

Vậy "khoảng trống miễn dịch” là gì? Trước hết chúng ta cần phải hiểu hệ thống miễn dịch là gì? Tại sao lại có khoảng trống miễn dịch?

Hệ thống miễn dịch là hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vật lạ hay còn gọi là các kháng nguyên như vi khuẩn, virus, dị nguyên và một số chất đạm. Hệ thống miễn dịch của trẻ chia làm hai loại:

Loại thứ nhất: Miễn dịch bẩm sinh hay còn gọi là miễn dịch thụ động, có tác dụng tức thì ngay sau khi sinh nhưng không đặc hiệu.

Loại thứ 2: Hệ thống miễn dịch mắc phải hay còn gọi là miễn dịch chủ động. Đây là hệ thống miễn dịch đặc hiệu có trí nhớ.

Hệ thống miễn dịch thụ động được mẹ truyền qua thai nhi trong thời kỳ bào thai và sau đó là qua sữa mẹ sẽ giảm dần. Ví dụ kháng thể IGG qua nhau thai từ tháng thứ 3 của thai kỳ, tại thời điểm sinh thì số lượng đạt bằng của mẹ và hết dần vào khoảng 3 tháng tuổi. Còn các kháng thể khác như IgA và các yếu tố diệt khuẩn như bạch cầu, protein bổ thể, lysozym và lactoferrin thì giảm dần vào khoảng 6 tháng tuổi, lúc này hệ thống miễn dịch chủ động mới bắt đầu phát triển và chỉ được hoàn thiện vào lúc trẻ đạt 3– 4 tuổi.

Vậy khoảng trống miễn dịch chính là khoảng thời gian giao nhau của hai hệ thống miễn dịch và nằm khoảng thời gian trẻ từ 6 tháng đến 3 - 4 tuổi. Trên thực tế chúng ta đều thấy trẻ thường hay ốm đau từ khi 6 tháng tuổi và từ ngoài 3 tuổi trở đi trẻ ít ốm hơn.

Chính vì vậy, việc bảo vệ hệ miễn dịch trong thời kỳ này là vô cùng quan trọng. Nếu được bảo vệ tốt trẻ sẽ khỏe mạnh, ít ốm đau, bệnh tật. Những trẻ có hệ thống miễn dịch tốt cũng chính là những trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt về thể lực và trí não.

Cách nào để lấp đầy “khoảng trống miễn dịch”?

Biện pháp quan trọng đầu tiên chính là nuôi dưỡng. Một trẻ được nuôi dưỡng tốt, không bị suy >dinh dưỡng thường khỏe mạnh, trẻ bị suy dinh dưỡng thì hệ miễn dịch suy giảm nên thường xuyên ốm đau. Vậy làm th ế nào để trẻ không bị suy dinh dưỡng?

Cho trẻ bú mẹ ngay những giờ đầu sau sinh và tiếp tục bú đến 24 tháng tuổi: Trong sữa mẹ có chứa nồng độ globulin cao. Các chất này có thể giúp hình thành yếu tố kháng thể giúp trẻ phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn nói chung và bệnh về đường hô hấp nói riêng. Mặt khác, nó còn có thể giúp ngăn chặn virus hiệu quả. Ngoài ra, trong sữa còn có chứa lactoferrin ức chế hấp thu sắt của vi khuẩn, gây cản trở trong sự trao đổi chất của vi khuẩn và đóng vai trò như một chất kháng khuẩn hiệu quả giúp phòng ngừa hiện tượng nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa các probiotic (những vi khuẩn có lợi) có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch đường hô hấp và tiêu hóa.

Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, cân đối đầy đủ các nhóm thực phẩm, đặc biệt chú ý cung cấp đầy đủ chất đạm (protein) từ sữa, trứng, cá, thịt, đậu đỗ. Vì bản chất của các kháng thể là protein, nếu thiếu trẻ sẽ không tạo được kháng thể phòng chống bệnh tật. Bên cạnh đó việc tăng cường bổ sung các vi chất dinh dưỡng (các vitamin và khoáng chất) cũng vô cùng quan trọng. Đó là vitamin: A, D, C và các khoáng chất như kẽm, sắt, selen, canxi, magie... Ở trẻ nhỏ, những vi chất này đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ các hoạt động chức năng và gián tiếp tác động tích cực lên hệ miễn dịch. Mẹ có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bé bằng nguồn thức ăn phong phú hàng ngày (thịt, cá, tôm cua, trứng, sữa, rau, củ, quả). Các thực phẩm giàu vitamin A (lòng đỏ trứng, gan và các loại rau củ, quả có màu vàng đỏ, xanh đậm, cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, đu đủ, rau ngót, rau dền, cải bó xôi), giàu vitamin D (lòng đỏ trứng, dầu gan cá), giàu vitamin C (các loại quả chín và rau xanh, nhiều nhất trong bưởi, cam, quýt, chanh), các khoáng chất như kẽm có nhiều trong đồ hải sản (hàu, ngao, trong lòng đỏ trứng, thịt gà, thịt thăn và đậu đỗ, sắt có trong gan, tim, bầu dục, thịt bò, thịt gà), canxi nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá... Việc cho trẻ ăn sữa chua hàng ngày rất tốt, vừa cung cấp các chất dinh dưỡng, lại cung cấp các vi khuẩn có lợi, có tác dụng tăng cường miễn dịch.

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.

Đảm bảo cho trẻ có một không gian sống sạch sẽ, trong lành: không khói bụi và ô nhiễm: nhất là khói thuốc lá, thuốc lào, khói than tổ ong... Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tăng cường vận động ngoài trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, một vitamin quan trọng tăng cường hệ miễn dịch trong khi lại có rất ít trong thức ăn, vận động thường xuyên giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh và linh hoạt hơn, từ đó trẻ cũng ít mắc bệnh hơn.

Cho trẻ ngủ đủ giấc cũng là một yếu tố quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch.

Cũng có thể sử dụng thêm sản phẩm bổ sung hoạt chất tăng cường miễn dịch cho trẻ có sức đề kháng kém. Đó là những sản phẩm có chứa vitamin A, D, kẽm, sắt, selen, thymonodulin, beta glucan, imul anpha, coloschum, probiotic... Nhưng đối với trẻ nhỏ, hiệu quả và an toàn là hai yếu tố cha mẹ cần quan tâm hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm tăng cường miễn dịch, cải thiện sức đề kháng cho trẻ, cần phải tham khảo trước ý kiến bác sĩ. Cha mẹ nên chọn sản phẩm được nghiên cứu lâm sàng đầy đủ về tính hiệu quả, độ an toàn trên trẻ em và có nguồn gốc xuất xứ tin cậy.

 

Theo BS Lê Thị Hải/Sức khỏe và Đời sống