Chữa táo bón cho trẻ mẹ cần lưu tâm đến hai vấn đề quan trọng nhất là bữa ăn và thói quen đi ngoài của bé.
Táo bón ở trẻ là nỗi lo lắng của nhiều bố mẹ. Nếu táo bón không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như chán ăn, đau bụng, đi ngoài khó khăn. Vì vậy mẹ cần trang bị các kiến thức cần thiết để chữa táo bón cho trẻ đúng cách.
1. Triệu chứng trẻ bị táo bón
Táo bón kéo dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến >sức khỏe của bé. Vì vậy mẹ cần phải trang bị kiến thức về các dấu hiệu bé bị táo bón để chữa trị dứt điểm cho bé. Thông thường bé bị táo bón sẽ có những triệu chứng sau đây:
- Bé đi ngoài ít hơn hai lần một tuần.
- Phân cứng, khô hoặc vón cực.
- Bé đi ngoài khó khăn và đau đớn.
- Bé bị sưng bụng hoặc đầy bụng.
- Bé chán ăn, hay cáu kỉnh.
2. Nguyên nhân trẻ bị táo bón
Táo bón thường xảy ra do những nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Chế độ ăn: Những thay đổi trong chế độ ăn uống như không đủ chất xơ hoặc chất lỏng trong chế độ ăn uống của bé có thể gây ra tình trạng táo bón. Nếu cần chữa táo bón cho trẻ cần lưu tâm đến điều này.
- Bé bị ốm: Nếu bé bị bệnh, mệt mỏi không muốn ăn uống, thì cũng có thể khiến bé bị táo bón. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ khiến bé gặp khó khăn trong việc đi ngoài. Táo bón cũng có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh như suy tuyến giáp.
- Dị ứng sữa bò: Dị ứng với sữa bò hoặc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa (phô mai và sữa bò) đôi khi dẫn đến táo bón.
- Thói quen đi ngoài của bé: Một số bé trốn việc đi ngoài vì bé sợ đi vệ sinh hoặc không thoải mái khi dùng nhà vệ sinh công cộng. Điều này cũng dẫn đến tình trạng táo bón.
3. Cách chữa táo bón cho trẻ
Táo bón có thể được điều trị theo nhiều cách khác nhau. Mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ khi bé bị táo bón để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp, bé có thể cần phải làm xét nghiệm y khoa để tìm hiểu tình trạng bệnh. Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng của bé.
Ngoài ra mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau tại nhà để chữa táo bón cho bé:
- Ăn nhiều chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp phân bé mềm và đi ngoài dễ dàng hơn. Tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính, bé cần ăn từ 14 đến 30,8 gam chất xơ mỗi ngày. Nguồn chất xơ dồi dào cho bé bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, táo, cam, lê, cà rốt, bông cải xanh, đậu xanh, và rau cải xanh…
- Uống nhiều nước: Giữ cho bé uống đủ nước là cách tốt nhất để chữa táo bón cho trẻ. Mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước bé cần mỗi ngày dựa trên cân nặng, sức khỏe, mức độ hoạt động và khí hậu sinh sống.
- Thay đổi thói quen đi ngoài: Mẹ nên tập cho bé thói quen đi vệ sinh hàng ngày. Hãy thưởng cho bé khi bé làm tốt. Việc này sẽ giúp giảm tình trạng táo bón.
- Massage bụng: Với bé từ 1 tuổi trở lên mẹ có thể massage vùng bụng để giúp giảm táo bón. Mẹ nên đợi tối thiểu khoảng 1 giờ sau khi ăn mới massage cho bé.
Mẹ đặt bé nằm ngửa với chân hướng về phía mẹ. Sau đó mẹ dùng phần cổ tay phải áp sát vào phần cơ bụng của bé. Tiếp theo mẹ massage nhẹ nhàng từ phần bụng trên bên phải sang bên trái rồi xuống bụng dưới bên phải. Mỗi lần massage khoảng 10 phút. Mẹ có thể làm 2 đến 3 lần mỗi ngày cho đến khi bé đi ngoài bình thường.