Cha mẹ ngày càng quan tâm tới việc phát triển chiều cao của con. Tuy nhiên, có nhiều bậc phụ huynh thực sự chưa biết cách tính chiều cao của con đúng chuẩn.
Cách tính chuẩn chiều cao cho bé
Ngày nay, điều kiện kinh tế đầy đủ, khi sinh con ra, cha mẹ không những quan tâm tới việc ăn đủ no, áo đủ mặc mà còn muốn con mình có chiều cao nổi bật, ngoại hình sáng láng.
Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng có thể phát triển chiều cao tốt như cha mẹ mong muốn. Có nhiều bé bị thấp còi, không cao được không đơn giản chỉ là suy >dinh dưỡng đâu mà còn có thể là do các bệnh lý.
Mẹ cần lưu ý, nếu một năm trẻ không cao lên được 4cm thì chứng tỏ đã mắc bệnh, phải đưa đi khám ngay
Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao của chúng ta là di truyền; dinh dưỡng, tập luyện và hormone.
Đối với yếu tố di truyền, các nhà khoa học đã xác định được rằng: có tới hơn 100 gen chi phối tới chiều cao. Vì thế, nếu bố mẹ cao thì con cũng sẽ cao và ngược lại. Nếu các điều kiện về dinh dưỡng, hormone đều bình thường thì chiều cao của người trưởng thành sẽ được tính theo công thức sau:
Chiều cao nam giới = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ): 2 + 6,5 ± 5cm.
Chiều cao nữ giới = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ): 2 - 6,5 ± 5cm.
Đối với hormone, khi còn ở trong bụng mẹ thì bé sẽ phát triển chiều cao dựa vào hormone insulin. Khi còn bé bú mẹ thì chiều cao chịu ảnh hưởng từ hormone tuyến giáp và dinh dưỡng.
Khi đã cai sữa đến thời điểm bé dậy thì, chiều cao của bé sẽ do hormone tăng trưởng GH và hormone tuyến giáp chi phối. Lúc bước vào thời điểm dậy thì, bé gái chịu tác động từ hormone nội tiết tố estrogen còn bé trai thì là testosterone.
Một đứa bé khi mới chào đời thì có chiều cao trung bình là 50cm. Sau 1 năm, bé sẽ cao thêm khoảng 16cm, năm thứ 2 là 10cm. Kể từ năm thứ 3 – 7 tuổi, mỗi năm bé tăng thêm 6cm.
Ở giai đoạn tiền dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao bắt đầu chậm lại và tới khi dậy thì thì sẽ phát triển tăng vọt thêm 20-25cm với nữ và 25-30cm với nam.
Hiện tại, có khoảng 90% người sở hữu chiều cao khiêm tốn đều phát triển bình thường về cả thể chất và tinh thần. Còn 10% thì bị thấp do nguyên nhân bệnh lý nên cần phải được bác sĩ can thiệp càng sớm càng tốt.
Có nhiều nguyên nhân bệnh lý dẫn tới việc bé chậm phát triển chiều cao, như bệnh về nội tiết, suy giáp bẩm sinh, hội chứng cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp, chậm phát triển trong tử cung, bệnh về xương, bệnh mạn tính liên quan tới chuyển hóa, khối u, hậu quả muộn của điều trị ung thư…
Đặc biệt có những trường hợp còn do sự bất thường về nhiễm sắc thể gây ra hội chứng Turner, Down, Noonan, Russell-Silver…
Trẻ khi bị thiếu hormone tuyến yên và hormone tăng trưởng, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tới khi 30 tuổi vẫn có khuôn mặt, chiều cao, thể chất tương đương với trẻ 6 – 7 tuổi mà thôi.
Những đứa trẻ này được y học gọi là đứa trẻ không có tuổi, không dậy thì, giọng như trẻ con… Bé gái thấp lùn thì khi trưởng thành sẽ không có kinh nguyệt, bé trai thì thể tích tinh hoàn chỉ bằng trẻ sơ sinh.
Làm cách nào để cải thiện chiều cao cho trẻ?
Thực tế đã chứng minh rằng, có rất nhiều gia đình cha mẹ thấp nhưng con vẫn có chiều cao vượt trội. Cha mẹ nên lưu ý một số điều sau.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn đặc biệt quan trong trong việc phát triển chiều cao của con. Nên cho con ăn cân bằng dinh dưỡng, nhiều cá, hải sản, rau củ quả.
Nói không với các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp, thịt hun khói... và các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ...
Ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò lớn với sự phát triển chiều cao của trẻ. Vì trẻ thường sẽ lớn lên rất nhanh trong khi ngủ. Mẹ nên rèn cho con ngủ đúng giờ, đủ giấc, tạo không gian yên tĩnh để con ngủ thẳng giấc, sâu giấc.
Chế độ tập luyện
Bên cạnh việc ăn và ngủ khoa học, việc tập luyện thể thao cũng đóng góp một phần quan trọng giúp bé phát triển chiều cao tối đa. Mẹ có thể cho bé làm quen với các môn như bơi lội, bóng chuyền, cầu lông... vừa tốt cho >sức khỏe lại giúp bé cao lớn vượt bậc.