Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết vitamin D vừa là chất dinh dưỡng, vừa là hormone cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn 12 tháng đầu đời. Do đó, cha mẹ cần bổ sung vitamin D cho trẻ đúng cách.
Trẻ thiếu vitamin D sẽ có các dấu hiệu: Hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình do hệ thần kinh bị kích thích. Về đêm, bé thường ra nhiều mồ hôi trộm. Thể lực của những đứa trẻ này chậm phát triển hơn bình thường, trương lực cơ giảm (cơ nhão), sắc da xanh, lách to. Nhiều trẻ còn có hiện tượng rụng tóc vành khăn.
Trẻ thiếu vitamin D trong thời gian dài sẽ dẫn đến các rối loạn ở xương tùy theo độ tuổi và mức độ nặng nhẹ. Cụ thể:
- Trẻ bị bệnh còi xương và các bệnh về xương như: Cẳng chân, chuỗi xương sườn, lồng ngực bị biến dạng, chân đi vòng kiềng, cột sống cong vẹo.
- Vùng thóp rộng, bờ thóp mềm, thời gian liền thóp rất lâu.
- Trẻ có dấu hiệu co giật do hạ canxi máu.
- Chậm mọc răng, răng mọc không cân đối.
- Trẻ chậm biết lẫy, lâu biết bò, biết đi.
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ một phần kết hợp với uống sữa công thức cần được bổ sung vitamin D liều 400 IU/ngày, bắt đầu vài ngày sau sinh cho đến 12 tháng tuổi.
Nếu trẻ bú dưới 1000ml sữa/ngày, mẹ vẫn cần bổ sung 400IU vitamin D. Tiếp tục cho trẻ uống vitamin D đến khi bé uống đủ 1000ml sữa giàu vitamin D mỗi ngày.
Khi bé đã cai sữa mẹ, nên ngừng cho trẻ uống vitamin D. Thay vào đó, uống mỗi ngày 1000ml sữa có bổ sung vitamin D. Có thể là sữa công thức đối với trẻ dưới 12 tháng hoặc sữa bò dành cho trẻ trên 12 tháng.
Trẻ trên 12 tháng tuổi không nhận đủ vitamin D mỗi ngày thông qua thực phẩm cũng cần được bổ sung vitamin D với hàm lượng 600 IU/ngày. Những trẻ phải dùng một số thuốc điều trị đặc biệt hoặc mắc một số bệnh mạn tính có thể cần bổ sung vitamin D liều cao hơn, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang
(Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM)