Theo kết quả tổng điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn của người Việt giàu thịt cá nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Bổ sung cho con ngay chất này để con thông minh
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con cái thông mình, khỏe mạnh. Bữa ăn đầy đủ >dinh dưỡng chính là cách tốt nhất giúp con có được điều này. Tuy nhiên, theo kết quả tổng điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn của người Việt giàu thịt cá nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết. Thiếu vi chất sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của trẻ.
Giai đoạn trước 2005, có trên 90% hộ gia đình Việt Nam sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, đáp ứng đủ ngưỡng yêu cầu theo chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên trong 3 năm kế tiếp, khi dừng chương trình mục tiêu, độ bao phủ giảm còn 70%, nồng độ i-ốt bổ sung vào khẩu phần ăn cũng bị giảm. Đến 2011, tỉ lệ này chỉ còn trên 45%.
Theo TS.BS Cao Thị Hậu, Hội Dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ với VNN cho biết, i-ốt là vi chất cần thiết để tổng hợp hormone tuyến giáp. Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ.
Ngoài ra, i-ốt còn giúp duy trì thân nhiệt, phát triển xương, quá trình biệt hóa và phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai.
Ở phụ nữ mang thai, thiếu i-ốt có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Khi mẹ thiếu i-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn hoặc gặp các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác.
Trẻ bị thiếu i-ốt cũng sẽ chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nghễnh ngãng, học kém.
Nhu cầu i-ốt ở trẻ em theo khuyến nghị từ 90-120 mcg/ ngày, người lớn từ 150cmg.
Cách bổ sung I-ốt cho con
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi mà mẹ nhiều sữa thì cho bé bú mẹ hoàn toàn. Bên cạnh đó mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và cả các vi chất để đảm bảo nguồn sữa cho con.
Với các bé ăn sữa công thức mẹ phải lựa chọn các loại sữa có thương hiệu, thành phần sữa đảm bảo chứa đủ các chất dinh dưỡng lẫn vi khoáng chất để đảm bảo cho sự phát triển của bé.
Khi bé đến tuổi ăn dặm, với bé dễ ăn và được cung cấp chế độ ăn đầy đủ với nhiều loại thức ăn thì lượng i-ốt đã đủ cho sự phát triển của trẻ mà không cần phải bổ sung thêm.
Với trẻ được chẩn đoán thiếu hụt i-ốt thì phải bổ sung theo liều lượng và theo dõi của bác sĩ để tránh việc bổ sung quá liều gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, mẹ chú ý đến chế độ dinh dưỡng có chứa i-ốt cho con bằng việc bổ sung các loại thực phẩm có nguồn gốc từ biển rất giàu Iốt như: các loại tảo (rong) và các loại cá biển, các loại rau củ như: rau dền, cải xoong, khoai tây, thịt động vật và sữa,…
Với trẻ trưởng thành, i-ốt cần được bổ sung hàng ngày qua thực phẩm giàu Iốt, đặc biệt là các loại muối có chứa i-ốt.