Khi muốn can thiệp bằng cách tiêm hóc môn để kìm hãm, thì bố mẹ cần phải đi khám rất kỹ lưỡng đến phát hiện chính xác xem trẻ có bị dậy thì sớm hay không. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, không phải trường hợp nào cũng có chỉ định tiêm hóc môn.
Qua quá trình khám chữa bệnh, cũng như các nghiên cứu, TS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hiện nay đối với nữ, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn nam là 9 tuổi. Như vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi đó sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì thì sẽ được coi là muộn.
Theo đó, dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý… còn nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu…
Ngoài ra, vấn đề mà các bậc phụ huynh thường hay lo lắng nhất, đó chính là sự phát triển “vượt trội” ở tuyến vú đối với các bé gái nên hốt hoảng cho đi khám. Đối với trường hợp này, TS Thảo cho rằng: “Kể cả đối với trẻ có tuyến vú phát triển trước 8 tuổi nhưng khi đi khám tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không được coi là dậy thì sớm”.
Còn khi phát hiện ra >trẻ dậy thì sớm, các bậc phụ huynh phải nhận thức như thế nào cho đúng? Và khi nào nên tiêm hóc môn để kìm hãm? Theo phân tích của TS Phương Thảo, việc tự ý dùng hormon ức chế dậy thì không đúng chỉ định của bác sĩ sẽ làm cho trẻ không có được qua trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ.
TS Thảo cho biết, đối với những trẻ có dậy thì sớm trung ương (nữ dưới 6 tuổi và nam trước 9 tuổi) thì nên tiêm hormon để ức chế dậy thì. Còn những trường hợp nữ dậy thì sớm từ 6 đến 8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi thì tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình và bệnh nhân.
“Những trường hợp nữ dưới 6 tuổi đã dậy thì, khi tiêm hormon làm kìm hãm dậy thì sớm sẽ có hai cái lợi. Về ngắn hạn, sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như: kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt… từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục.
Còn về dài hạn, sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Bởi, nếu không tiêm hormon thì xương bị ảnh hưởng, trực tiếp ở đây là tuổi xương phát triển trước tuổi thực”, TS Thảo phân tích.
Còn đối với những trường hợp 6-8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi, TS Thảo cho rằng, điều trị ức chế dậy thì không phải là nhất thiết. Nếu điều trị thì chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có.
“Đối với những cháu này, chúng tôi sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể để tư vấn cho gia đình những cái được, cái mất khi tiêm hormon. Từ đó gia đình sẽ đưa ra quyết định cuối cùng”, TS Thảo cho biết.
Về những tác dụng phụ khi kìm hãm trẻ dậy thì sớm, bằng cách tiêm hormon, TS Thảo cho rằng: “Việc tiêm hormon cho trẻ, chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định, trẻ phải chịu đau khi tiêm, có sự thay đổi nội tiết của trẻ, các tác dụng phụ hiếm khi xảy ra như đau đầu, bốc hỏa, nguy cơ nhiễm trùng chỗ tiêm, …Ngoài ra còn là vấn đề thời gian, kinh phí khi điều trị”.