Trẻ hấp thu hơi/khói thuốc thụ động nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc.
Tác hại của thuốc lá đến trẻ nhỏ
Mới đây, hotmom Anne Nguyen chia sẻ: “Con tôi bị ho biến chuyển rất nhanh chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi có tiếng rít.
Khi đưa vào cấp cứu do con lên cơn khó thở, nồng độ oxy máu thấp quá… Bác sỹ có trách nhẹ sao để con chịu khổ vì cơn khó thở, nguy hiểm tính mạng…
Sau 3 ngày con đỡ nhiều nhưng khi khám lại bác sĩ nói phổi con vẫn còn chưa ổn, vẫn tiếp tục kháng sinh để dứt điểm.
Điều tôi muốn nói tới ở đây không phải về vấn đề con bị ốm mà là nguyên nhân bé bị viêm phổi. Bác sỹ nói thời tiết và môi trường bây giờ khắc nghiệt nên con dễ ốm hơn”.
Tuy nhiên, có 1 nguyên nhân sâu xa hơn cả mà bác sĩ nhắc tới đó khói thuốc lá. Và bác sỹ chắc chắn, đối với 1 đứa trẻ đề kháng kém đã từng viêm tiểu phế quản như con, thì hơi, khói thuốc lá chính là nguyên nhân kinh khủng nhất.
Thực hư chuyện khói thuốc đã tan nhưng tác hại vẫn còn?
Chị Anne Nguyen chia sẻ thêm: Khi bác sỹ hỏi nhà có ai hút thuốc không? Tôi đã nói: “Có ông trẻ và bố cháu. Nhưng cháu rất ít tiếp xúc và khi hút thuốc mọi người đều tránh cháu, ra ngoài hút xong mới vào.
Bác sĩ lắc đầu và nói:
“Chị có biết mặc dù gia đình chị đã có ý thức bảo vệ, >nuôi dạy con nhưng vẫn rất nông cạn không? Chị có biết người hút thuốc họ hít sâu hơi thuốc ấy vào trong phổi của họ.
Khói thuốc bay lên và tan đi là cái mà chị nhìn thấy, còn hơi thuốc nồng đậm phả dần ra qua hơi thở của người hút thuốc nguy hiểm như thế nào?
Trẻ hấp thu hơi/khói thuốc thụ động nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc”.
Sau đó vị bác sĩ đã dẫn chị đi xem 1 cháu bé nằm điều trị viêm phổi cấp đã 2 tuần chưa đuợc ra viện, phổi chuyển màu vì hít hơi thuốc thụ động từ ông nội. Họ cũng nói khi hút thuốc thì ông ra sân, hút xong mới vào…
Chúng ta cần biết là khói thuốc lá độc hại như vậy. Chị muốn kêu gọi những người đang cầm điếu thuốc trên tay, ngậm điếu thuốc trên môi, họ đang thu ngắn quãng đường đời của họ, là vì họ ích kỷ.
Khói thuốc lá - kẻ thù nguy hiểm đối với thai nhi
Khi người mẹ dù chủ động hay bị động hít phải khói thuốc lá, những chất độc hại này có thể theo máu và truyền lại cho thai nhi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho >sức khỏe và sự sống của thai nhi.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Quang Hùng – Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh tỉnh Đắk Lắk: Thuốc lá vốn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mọi người bởi trong thuốc lá chứa nhiều thành phần độc hại. Theo thống kê, thuốc lá có trên 7.000 loại hóa chất trong đó có rất nhiều độc chất gây ảnh hưởng cho con người. Chỉ cần hút một điếu, các mạch máu của người hút thuốc cũng đủ bị thắt chặt.
Cũng theo BS Hùng, trong số các loại hóa chất gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho thai nhi phải kể đến trước hết là nicotine và carbon monoxide. Những chất này khi người mẹ nhiễm phải sẽ dẫn đến hiện tượng hẹp mạch máu, bao gồm cả mạch máu tại dây rốn khiến cho khả năng thai nhi tiếp nhận oxy từ mẹ trở nên khó khăn hơn. Khi nhận lượng máu từ người mẹ hút hoặc hít phải khói thuốc lá, các tế bào máu lúc này đồng thời mang theo carbon monoxide khiến nhịp thở của thai nhi trở nên khó khăn hơn, đồng thời do nhiễm phải độc tố nên thai nhi khó phát triển gây hậu quả khôn lường về cả thể chất và trí não. Đối với các bà mẹ hút thuốc lá thụ động cũng vậy, khi người chồng và môi trường xung quanh có khói thuốc lá, người mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Bác sĩ Hùng cũng cho biết, khi người phụ nữ mang thai tiếp xúc với khói thuốc lá, khả năng thai chết lưu sẽ tăng cao hoặc làm thai chậm tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.
“Ngành sản khoa chúng tôi cực kì quan tâm đến vấn đề sinh non của các bà mẹ. Theo nghiên cứu của Hiệp hội sản phụ khoa, nếu sản phụ hút thuốc lá 1 gói/ngày trong thời kỳ mang thai thì nguy cơ sinh non có thể tăng lên 20%. Ngoài ra, nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng tăng 2,3 lần so với các sản phụ không hút thuốc lá, tăng nguy cơ làm chậm sự phát triển trí não của thai nhi tới 70%. Đây là con số báo động rất lớn đối với các sản phụ”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Theo thống kê, với những người hút thuốc lá chủ động hay thụ động, tỷ lệ thai chậm tăng tưởng tăng 3,4 đến 4,2 lần. So sánh giữa nhóm phụ nữ mang thai hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá và nhóm phụ nữ mang thai không hút thuốc lá thì những em bé trong nhóm hút thuốc lá sẽ giảm từ 170 đến 200gr cân nặng khiến bé sinh ra bị nhẹ cân.