Mới đây, bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) vừa chia sẻ một câu chuyện về đau lòng về một bé gái 13 tuổi từng tự tử vì áp lực học đường.
Theo thông tin từ bệnh viện, N.T.N. (Long Anh) là cô bé 13 tuổi xinh xắn. Vì >áp lực học đường, >bị bạn bè tẩy chay, cô lập trên mạng xã hội nên nghĩ quẫn, N. đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Sau khi uống, em ói liên tục nhiều đàm nhớt, khó thở, rung giật tay, lơ mơ dần nên người nhà đưa vào một bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch, đặt ống thở giúp thở hỗ trợ rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Ngay sau đó, Tâm lý gia Vương Nguyễn Toàn Thiện được nhanh chóng được các Bác Sĩ khoa ICU mời đến gặp cha của em vào những giây phút tuyệt vọng nhất, người cha khắc khoải chia sẻ: T.N. là con đầu lòng trong gia đình hai cô công chúa. Sau hôn nhân tan vỡ, em sống với cha và bà nội, em gái ở cùng mẹ. Đầu năm lớp 7, T.N. là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp. Dần dần, N. bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook. Em đã ngất xỉu 1 lần trong trường vì áp lực và do bị bắt nạt vào học kỳ 1 năm ngoái. Đến lần này, câu chuyện lên tới đỉnh điểm khi việc phán xét và tẩy chay lại tiếp diễn dẫn đến hành động đáng tiếc. N. đã uống thuốc diệt cỏ Bassa Fenobucarb Pertrang 50 EC (hoạt chất Carbamat) không rõ lượng, em cho biết đã uống khoảng 200cc. Sau đó, em nôn ói liên tục, gọi bà nội kể lại sự việc vì sợ chết, nhưng khi nhập đến viện địa phương, em đã có biểu hiện lơ mơ, mê dần, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ khoảng 1mm.
Theo BS. Nguyễn Cát Phương Vũ, khi đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, các bác sĩ cấp cứu sau xác định em bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ, nhanh chóng cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị. Em được tiếp tục điều trị atropine và theo dõi sát sự phục hồi men acetyl cholinesterase – men này bị giảm do bị bất hoạt bởi thuốc trừ sâu phospho hữu cơ đưa đến tình trạng ngộ độc.
Đến nay, sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng của em cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan cải thiện, định lượng men ACE hồi phục khả quan. Cha em mừng rỡ, nhưng vẫn còn bần thần lo lắng về khả năng hồi phục tâm lý của em. Người cha này đã làm việc cùng giáo viên, Ban giám hiệu cũng đã tìm đến động viên tìm hướng giải quyết, nhưng có thể cân nhắc sẽ chuyển trường cho T.N. nếu cần.
Ở viện, nhìn những đứa trẻ nhỏ hơn mình cả chục tuổi, thoi thóp giành giật sự sống xung quanh mình, N. nằm thút thít hối hận. Em đã thực sự trân trọng cuộc đời hơn được sống lại một lần nữa. Cảm nhận được cái tình và sự quan tâm của cha, của nội và của các y bác sĩ dành cho mình, em phấn khởi dần và hứa với chuyên gia tâm lý và các y bác sĩ điều trị khi về nhà sẽ chăm ngoan học giỏi, phụ giúp cha và bà nhiều hơn, yêu bản thân nhiều hơn.
Hãy "Về với gia đình" và "Kêu gọi người thân giúp đỡ" khi có áp lực tâm lý
Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tự tử tuổi mới lơn vì tình, vì áp lực cuộc sống, công việc, học hành, bạo hành thể xác lẫn tinh thần, mâu thuẫn gia đình… Các bạn trẻ ở ngưỡng cửa vào đời dường như đang có 'xu hướng' tìm đến cái chết để giải quyết nỗi buồn, áp lực trong cuộc sống. Các bác sĩ cùng chuyên gia tâm lý mong rằng, qua trường hợp của N., mỗi người trẻ hãy trân quý bản thân mình, trân quý sự sống của mình. Không có một lý do nào trên đời đáng để ta tự hủy hoại chính mình. Hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày, khi đó sẽ thấy mọi áp lực bên ngoài chỉ là thử thách. Khi cảm thấy bế tắc, có 2 cách để giúp mình vượt qua là quay về với bên trong của mình để tìm ra sức mạnh của bản thân và thứ hai là tìm đến người xung quanh giúp đỡ.
Bố mẹ là người gợi mở tốt nhất cho tâm hồn đang bị trói buộc của con trẻ
Theo chia sẻ từ chuyên gia, các bạn trẻ đã đang và sắp có ý muốn tự vẫn có thể không cầu xin sự giúp đỡ, nhưng không có nghĩa họ không muốn được giúp đỡ. Hầu hết các con em không muốn chết – họ chỉ không muốn phải khổ sở nữa mà thôi. Phòng chống tự sát bắt đầu bằng việc nhận biết những dấu hiệu cảnh báo và tầm quan trọng của chúng. Nếu nghĩ người thân hay bạn bè của mình đang có ý định tự vẫn, có thể bạn sẽ "ngại" không muốn nhắc hoặc đến chuyện đó. Nhưng việc nói chuyện một cách thẳng thắn về những cảm xúc và ý muốn tự sát có thể cứu được người. Và bố mẹ chín là những người bạn thân nhất, gợi mở tốt nhất cho tâm hồn đang bị trói buộc và những câu chuyện thầm kín nhất của con trẻ đấy. Hãy trò chuyện cùng con hằng ngày nhé!