Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, sốt, nhiễm virus đường hô hấp trong những ngày đông lạnh. Vậy trong mùa lạnh cần chăm sóc trẻ thế nào để con không bị ốm?

14:00 09/01/2021

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, thời tiết lạnh mùa đông là yếu tố ảnh hưởng không tốt cho >sức khỏe của trẻ nhỏ.

Hơn nữa, trong những ngày lạnh, cơ thể bé phải tiêu hao nhiều năng lượng để chống rét nên sức chống đỡ bệnh tật giảm nhiều.

Do đó, cha mẹ và người thân cần biết cách chăm sóc bé đúng cách để bé khỏe mạnh trong những ngày đông giá rét.

Trẻ cần được giữ ấm đúng cách trong mùa đông để không bị ốm. Ảnh minh họa

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ mùa lạnh cũng như việc giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh gồm:

– Tránh để bụng bé bị lạnh: Cha mẹ nên mặc quần áo cho trẻ đủ ấm và cho áo bỏ vào trong quần. Cách làm này sẽ giúp bụng trẻ được giữ ấm, dạ dày bé hoạt động bình thường, tăng cường hệ tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.

 

– Luôn giữ nhiệt độ trong nhà ấm áp. Nhiệt độ phù hợp từ 27-29 độ C.

– Phòng ngủ của bé luôn được khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng. Tránh những nơi có gió lùa trực tiếp.

– Cha mẹ nhớ đeo khăn quàng cổ cho bé. Nên chú ý thay khăn khô và sạch sẽ thường xuyên cho con, tránh để trẻ dùng khăn ẩm ướt vì sẽ dễ gây viêm họng và cảm lạnh cho bé.

– Nên tắm cho bé trong kín, phòng tránh gió lùa, nhiệt độ ấm áp, nước ấm vừa đủ. Khi tắm nên lau tắm từng phần cho bé và không tắm quá lâu, lau khô cơ thể bé trước khi mặc quần áo.

- Khi trẻ ra ngoài nên đeo khẩu trang hoặc khăn chắn gió, tránh để không khí lạnh khô lùa vào mũi họng trẻ gây các bệnh đường hô hấp.

- Sử dụng sáp ấm thoa vào gan bàn tay, gan bàn chân, cổ của trẻ trước khi đi ra ngoài và trước khi ngủ để giữ ấm.

- Cho trẻ ăn uống thức ăn ấm, tránh ăn đồ lạnh. Đồ ăn của trẻ cần đa dạng, giàu vitamin, >dinh dưỡng .

- Dạy trẻ súc miệng nước muối sinh lý ấm, xịt rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm hoặc dung dịch vệ sinh mũi họng phù hợp với độ tuổi trẻ, giúp phòng bệnh hiệu quả.

- Khi trẻ bị ốm nên cho nghỉ học và khám bác sĩ trước khi dùng thuốc.

- Dạy trẻ rửa tay hoặc rửa tay cho trẻ, rửa tay của cha mẹ thường xuyên là cách đơn giản và hiệu quả nhất để loại bỏ vi trùng cảm lạnh và cúm. Rửa tay kỹ với thời gian là 20 giây cọ rửa bằng xà phòng và nước khi đi ra ngoài và về nhà, sau khi lau nước mũi cho trẻ và trước khi chế biến thức ăn.

Theo An An/Gia Đình Mới