Người mẹ trẻ bị đuổi ra khỏi nhà sau khi phản đối chồng, mẹ chồng cho con nhỏ 2 tháng tuổi ăn chuối nghiền. Vậy đâu mới là thời điểm phù hợp bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi vẫn còn tồn tại sự khác biệt giữa quan điểm của ông bà ta thời xưa và của người mẹ thời hiện đại?

05:30 29/11/2018

Không ít cha mẹ trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con cái thường gặp khó khăn bởi bất đồng quan điểm về cách nghĩ cũng như cách chăm trẻ với ông bà. Thậm chí, nếu không biết dung hòa thì đó là một cuộc chiến không có hồi kết. Câu chuyện mới đây được đăng tải từ một người mẹ trẻ đến từ Thái Lan đang thu hút khá nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng.

 

Câu chuyện người mẹ Thái Lan bị đuổi ra khỏi nhà vì phản đối cho con ăn dặm từ lúc 2 tháng tuổi đang thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả (Ảnh minh họa).

Theo nội dung bài đăng, người mẹ trẻ đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi bà nội của bé cố tình cho bé ăn chuối nghiền, trong khi bé mới chỉ 2 tháng tuổi. Người bà trong câu chuyện khăng khăng cho rằng ngày xưa cũng nuôi con trai mình theo cách đó và chẳng có chuyện gì xảy ra, vậy bây giờ tại sao lại không thể làm thế với cháu? Điều đáng nói là người chồng cũng làm theo đề nghị của bà và bắt con 2 tháng phải ăn thêm chuối nghiền, mặc cho người mẹ trẻ ra sức giải thích ruột non của bé chưa phát triển nên không thể ăn được chuối, cho dù là đã nghiền.

Người mẹ tiếp tục giải thích rằng bác sĩ khuyên chỉ nên cho bé tập ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi, còn trước tuổi đó, trẻ sơ sinh chỉ nên bú mẹ là đủ. Kết cục là người mẹ bị đuổi ra khỏi nhà vì "dám" có ý kiến khác với những người được cho là "có kinh nghiệm" nuôi trẻ nhỏ trong gia đình.

Đây là câu chuyện không phải hiếm trong cuộc sống hiện đại. Mỗi gia đình đều có cách chăm sóc trẻ khác nhau, nhưng tựu chung lại vẫn là những phương pháp có lợi và hiệu quả nhất với đứa trẻ và không đi ngược với khoa học. Tuy nhiên, những thế hệ ông bà đi trước lại thường có suy nghĩ và cách làm trái ngược với lời khuyên của bác sĩ, chỉ làm theo "kinh nghiệm" hoặc nghe dân gian truyền miệng. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng và đứa trẻ chính là nạn nhân của của những mâu thuẫn ấy.

 

Vậy đâu mới là thời điểm thích hợp nhất cho trẻ ăn dặm? (Ảnh minh họa)

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Paediatrics năm 2013, nhiều bà mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm mà không nhận thức hết các rủi ro trẻ có thể gặp phải. Trong số hơn 1000 bà mẹ tham gia vào nghiên cứu, có tới 40% các mẹ cho con ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng tuổi. Một nửa trong số các em bé này được cho ăn khi 4 tháng tuổi, và một nửa còn lại là khi bé mới được 1 tháng tuổi.

Theo Tiến sĩ Sutha Auraphairoj, một chuyên gia nhi khoa tại Thái Lan, rất nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng và khá mâu thuẫn về quan điểm nuôi con giữa 2 nguồn kiến thức: bác sĩ (chỉ cho con bú trước 6 tháng tuổi) và kinh nghiệm của người đi trước (cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng). Đây là vấn đề có liên quan đến >sức khỏe của một em bé. Và tốt nhất các ông bố bà mẹ hãy lắng nghe ý kiến của các y bác sĩ, chuyên gia như sau: Chuối là loại trái cây rất giàu chất >dinh dưỡng, tuy nhiên, trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên ăn chuối cho dù ở bất cứ dạng nào vì nó có thể dẫn đến tình trạng đầy bụng, chướng bụng, hóc, nghẹn, có thể đe dọa tính mạng của em bé.

 

Câu trả lời của các y bác sĩ, chuyên gia Nhi khoa vẫn chỉ có một: Đó là khi trẻ đủ 6 tháng tuổi trở lên thì mới tập ăn dặm (Ảnh minh họa)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với đồ ăn dặm ít nhất sau 6 tháng tuổi vì dạ dày và ruột của bé chưa phát triển đầy đủ trước độ tuổi này. Nếu cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi, bé có thể bị đầy hơi, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy và thậm chí dị ứng thực phẩm. Niêm mạc ruột của bé vẫn còn kém phát triển, khi ăn thức ăn lạ sẽ kích thích cơ thể tạo ra các kháng nguyên và tiết vào máu tấn công loại thức ăn đó, hậu quả là dẫn đến nguy cơ trẻ bị dị ứng trong tương lai.

Một số lý do không nên cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi có thể kể đến như sau:

- Thức ăn thô khó nuốt và tiêu hóa, trong khi hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển đầy đủ nên không thể tiêu hóa đồ ăn hiệu quả, ngay cả khi đã được xay nhuyễn.

- Đồ ăn dặm không có đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất định mà trẻ sơ sinh cần cho sự phát triển khỏe mạnh trong những tháng đầu đời như trong sữa mẹ.

- Ăn dặm quá sớm có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như dị ứng, ngứa, eczema, các bệnh mãn tính như tiểu đường, loét dạ dày khi trẻ lớn lên sau này.

- Trẻ sơ sinh bắt đầu mọc răng sau khi được 6 tháng tuổi, điều này sẽ giúp trẻ nhai thức ăn dễ dàng hơn.

 

Giai đoạn 0-6 tháng tuổi, bé chỉ cần bú mẹ hoàn toàn mà không cần thêm bất cứ nguồn dinh dưỡng nào khác (Ảnh minh họa).

Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi được 6 tháng tuổi. Nguồn sữa mẹ sẽ đáp ứng tất cả các nhu cầu ăn uống cho trẻ sơ sinh và nhu cầu dinh dưỡng trong 6 tháng đầu đời. Nếu vì lí do nào đó người mẹ không thể cho con bú thì chỉ có một loại thực phẩm phù hợp khác thay thế là sữa công thức được pha chế đặc biệt dành riêng cho trẻ sơ sinh. Thêm vào đó, bé bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ không cần uống thêm nước, cũng tương tự như vậy, trẻ không cần ăn thêm thức ăn khác cho đến khi ít nhất 6 tháng tuổi.

Theo Phương Nguyễn/ Helino