"Tiết kiệm" một liều vắc-xin uốn ván trị giá 30 USD (hơn 700.000 VNĐ) đã khiến họ phải trả tới 811.929 USD viện phí (hơn 19 tỷ VNĐ) sau khi cậu bé mắc bệnh...

13:00 12/03/2019

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo một trường hợp bé trai 6 tuổi, mắc uốn ván phải điều trị suốt 2 tháng trong bệnh viện. Bố mẹ cậu bé đã từ chối tiêm vắc-xin cho cậu hồi nhỏ. Thế nhưng, "tiết kiệm" một liều vắc-xin uốn ván trị giá 30 USD (hơn 700.000 VNĐ) đã khiến họ phải trả tới 811.929 USD viện phí (hơn 19 tỷ VNĐ) sau khi cậu bé mắc bệnh.

Cũng may mắn là cậu bé 6 tuổi đã được cứu sống và phục hồi hoàn toàn. Thế nhưng, sau tất cả những gì mà cậu bé phải chịu đựng, cha mẹ cậu vẫn nhất quyết không tiêm thêm bất kể một mũi vắc-xin nào cho con mình.

Thất bại trong việc thuyết phục họ, các bác sĩ chỉ có thể viết trường hợp này thành một báo cáo y tế để cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khác.

Uốn ván là căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn Clostridium tetani. Chính xác hơn, đó là những gì xảy ra khi những vi khuẩn C. tetani sống trong đất xâm nhập vào cơ thể bạn thông qua một vết thương hở.

Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ phun vào máu bạn một loại độc tố cực kỳ mạnh. Độc tố này có thể nhanh chóng làm tê liệt cơ bắp và gây ra những cơn co thắt liên tục. Mọi thứ sẽ bắt đầu từ hàm, tất cả những ai tìm hiểu về uốn ván đều biết căn bệnh sẽ gây cứng hàm, khiến bệnh nhân không ăn không nói được.

Những cơn co thắt sau đó lan đến ngực, lưng và ruột, dẫn đến những cơn đau khủng khiếp khiến bệnh nhân khó thở và thậm chí mất hoàn toàn sự kiểm soát ruột. Uốn ván là một căn bệnh tàn bạo, gây ra những tổn thương ghê gớm trên cơ thể người. Ngay cả khi được điều trị, 10% nạn nhân của vi khuẩn C. tetani sẽ chết.

Một bệnh nhân uốn ván bị cong lưng và co thắt cơ bắp

Rất may, chúng ta đã có một loại vắc-xin phòng uốn ván từ những năm 1920. Nhờ vắc-xin này, con người đã gần như xóa sổ được căn bệnh này ở các quốc gia có điều kiện chăm sóc >sức khỏe tốt.

Hầu hết mọi người dân ở Hoa Kỳ đều được tiêm phòng uốn ván đầy đủ từ độ tuổi còn đi học. Mũi uốn ván đầu tiên được tiêm từ khi 2 tháng tuổi (và người dân nên tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm).

Thật không may, cậu bé 6 tuổi ở Oregon đã không hề được tiêm bất kể một mũi vắc-xin nào từ khi sinh ra. Mọi chuyện chưa có gì đáng nghiêm trọng, cho đến một ngày cậu bé chơi đùa bên ngoài trang trại và bị ngã trầy trán.

Mặc dù đã được sơ cứu tại nhà, 6 ngày sau đó, cậu bé bắt đầu bị khóa hàm và co thắt cơ bắp. Như mọi bệnh nhân mắc uốn ván khác và giống như tên của căn bệnh, lưng và cổ cậu ta cong lại một cách không tự chủ và cuối cùng khiến cậu không thể thở được.

Ngay sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã phải tiêm bổ sung ngay một vài mũi vắc-xin uốn ván cho cậu bé, theo phác đồ được khuyến cáo sau 48 tiếng nhiễm vi khuẩn.

Suốt 47 ngày tiếp theo, cậu được chăm sóc đặc biệt, cần máy thở để thở và truyền thuốc liên tục qua ống truyền tĩnh mạch để kiểm soát huyết áp, các cơn đau và co thắt cơ bắp.

Phải đến ngày thứ 50, cậu bé mới bắt đầu hồi phục, có thể bước đi được khoảng 6 mét dưới sự trợ giúp của người khác. Cậu bé đáng thương cần thêm 2 tuần mới có thể điều khiển lại được toàn bộ cơ thể nằm liệt của mình. Mặc dù giữ lại được tính mạng, cậu bé đã phải trải qua 57 ngày khổ sở trong bệnh viện.

LỊCH TIÊM CHỦNG CHO TRẺ EM TỪ 0-12 TUỔI

Sơ sinh

- Vắc xin lao mũi 1.

- Vắc xin viêm gan B mũi 1.

Từ 1 tháng tuổi

- Vắc xin viêm gan B mũi 2.

6 tuần tuổi

- Vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn mũi 1.

Lưu ý: Với lịch 3 mũi, tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi và nhắc lại mũi 2 sau ít nhất 1 tháng, nhắc lại mũi 3 tiêm ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng. Lịch 3 mũi chỉ áp vào những quốc gia đưa vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Với lịch 4 mũi, tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi, nhắc lại mũi 2 sau ít nhất 1 tháng, nhắc lại mũi 3 sau mũi 2 ít nhất sau 1 tháng và nhắc lại mũi 4 sau mũi 3 ít nhất sau 6 tháng.

- Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 1.

Từ 2 tháng tuổi

- Vắc xin viêm gan B mũi 3 (Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm, mũi thứ 5 sau 8 năm).

- Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 1.

- Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 1.

Từ 3 tháng tuổi

- Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 2.

- Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 2.

- Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 2.

Từ 4 tháng tuổi

- Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 3 (Sau một năm nhắc lại mũi 4).

- Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 3 (Sau một năm nhắc lại mũi 4).

- Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 3.

Lưu ý: Chỉ thực hiện với loại vắc xin do Mỹ sản xuất và nên hoàn thành việc cho trẻ uống đủ liều vắc xin trước 6 tháng tuổi. Khuyến cáo, vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus càng sớm càng tốt, nên hoàn thành trước 7,5 tháng và nên uống vắc xin Rotavirus của Việt Nam là tốt nhất.

Từ 6 tháng tuổi

- Vắc xin cúm mũi 1.

Lưu ý: Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm vào đầu vụ cúm hàng năm là cuối tháng 9 và đầu tháng 10.

Từ 9 tháng tuổi trở lên

- Vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella mũi 1.

Lưu ý: Nếu mũi 1 tiêm lúc 9-11 tháng thì tiêm mũi 2 sau 6 tháng và tiêm mũi 3 sau 3-5 năm.

Nếu mũi 1 tiêm lúc trên 1 tuổi thì mũi 2 sau 4 năm.

Có thể tiêm vắc xin sởi đơn, quai bị đơn, Rubella đơn hoặc vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella hay Sởi - Rubella.

Từ 12 tháng tuổi trở lên

- Vắc xin thủy đậu mũi 1.

Lưu ý: Trẻ từ 12 tháng đến dưới 12 tuổi nên tiêm nhắc lại sau 4 năm.

Trẻ từ 12 tuổi trở lên tiêm mũi 2 mũi cách nhau 6-8 tuần.

- Vắc xin viêm gan A mũi 1 (Mũi 2 tiêm nhắc lại sau 6-12 tháng).

- Vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella nhắc lại.

- Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 1.

- Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 2 (Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần).

- Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 3 (Mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến 15 tuổi).

Từ 24 tháng tuổi

- Vắc xin viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm tai giữa mũi 1 (Tiêm nhắc lại một liều sau mũi tiêm thứ nhất 5 năm).

- Vắc xin viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn não mô cầu mũi 1 (Ba năm tiêm nhắc lại 1 lần theo chỉ định dịch tễ).

- Vắc xin thương hàn mũi 1 (Ba năm tiêm nhắc lại một lần).

- Vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn của Pháp hoặc ngậm vắc xin Immubron.

Từ 9 tuổi (Nữ)

- Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 1.

- Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 2 (Tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tháng).

- Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 3 (Tiêm sau mũi 2 từ 4-5 tháng).

Các lưu ý sau tiêm vắc-xin cho trẻ

- Sau khi tiêm, nếu trẻ bị sốt nhẹ, chỗ tiêm bị sưng đỏ là phản ứng bình thường, không đáng ngại. Trẻ sốt dưới 38 độ C, mẹ nên mặc thoáng, lau người cho con bằng nước ấm. Nếu trẻ sốt từ 38-39 độ C, mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt cho con, còn trẻ sốt trên 39 độ C, bố mẹ nên đưa đi viện ngay vì bất kỳ lý do gì.

- Nếu trẻ bị sốt nhẹ, tiêu chảy hay suy >dinh dưỡng vẫn cho trẻ tiêm chủng như thường lệ.

Theo Linh/ Phunutoday/ Khỏe & Đẹp