Sau khi ăn 20 quả vải, cậu bé 7 tuổi đột nhiên sùi bọt mép, ngất xỉu, mồ hôi chảy ướt đẫm.
Vải là loại quả khá quen thuộc với các nước có khí hậu nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Quả vải mọng nước, thơm ngọt được rất nhiều người yêu thích thưởng thức trong hè. Mặc dù có hương vị ngon lành nhưng loại quả này vẫn có tác động không nhỏ tới >sức khỏe khi ăn quá nhiều.
Mới đây Bệnh viện Bảo An ở Thâm Quyến, Trung Quốc đã tiếp nhận một bệnh nhân là cậu bé 7 tuổi bị ngất xỉu sau khi ăn vải.
Sau khi trở về nhà vì đói bụng, cậu bé đã ăn liền 20 quả vải. Tuy nhiên sau khi ăn xong, cậu bé đột nhiên sùi bọt mép, mồ hôi chảy ra ướt đẫm và ngất xỉu. Ngay lập tức, gia đình đã đưa em tới bệnh viện.
Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị hạ đường huyết cấp tính do ăn vải. May mắn khi gia đình đã đưa em tới bệnh viện kịp thời nên không gây nguy hiểm tới tính mạng.
Đây không phải trường hợp đầu tiên trên thế giới phải nhập viện do ăn vải. Theo hãng tin ABC, đã từng có gần 20 năm, tại Ấn Độ có không ít trường hợp trẻ em đang khỏe mạnh bình thường bỗng dừng bị co giật đột ngột và bất tỉnh..
Đáng sợ hơn nữa là 1/3 trẻ em này đã tử vong sau khi lên cơn co giật, trong khi các bác sĩ không thể tìm ra được nguyên nhân vì sao.
Và cuối cùng 20 năm sau, một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Ấn Độ cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh bí ẩn đã giết chết hơn 100 trẻ em mỗi năm có liên quan đến trái vải.
Tại sao ăn vải lại nguy hiểm?
Vải có hàm lượng đường rất cao, có khoảng 16g fructose trong 100g vải. Chính vì vậy nên không ít người thắc mắc lẽ ra ăn vải phải gây tăng đường huyết tại sao lại khiến hạ đường huyết.
Bác sĩ Chen đến từ Bệnh viện Bảo An cho hay fructose cần có thời gian chuyển đổi thành glucose nhờ các enzyme trong gan sau đó mới được hấp thụ và sử dụng. Trẻ em không có đủ dự trữ glycongen (một loại enzyme) trong gan. Vì thế nếu ăn quá nhiều vải, fructose sẽ bị tích tụ với số lượng lớn và không có thời gian để chuyển đổi, do đó kích thích insulin phá vỡ fructose và tạo ra quá nhiều insulin. Chính điều này đã gây ra hạ đường huyết.
4 nhóm người nên hạn chế ăn vải
Trên thực tế không phải chỉ có trẻ em ăn nhiều vải mới nguy hiểm, những đối tượng dưới đây cũng nên hạn chế ăn vải.
Người bị tiểu đường: Do vải có chứa hàm lượng đường cao nên nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ gây ra đường trong máu cao. Nếu nồng độ đường trong máu cao thì sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển hóa glucose. Vì thế những người bị tiểu đường không nên ăn nhiều.
Người đang bị bệnh tích nhiệt, nóng trong: Quả vải có tính nóng nên có thể khiến người bị bệnh nhiệt càng thêm trầm trọng.
Ngoài ra, những người đau họng, sưng nướu, chảy máu mũi, đang bị bệnh thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy cũng cần hạn chế ăn vải.
Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai có thể ăn vải nhưng chỉ nên ăn 100-200 gram vì nếu ăn nhiều sẽ khiến đường huyết tăng vọt, khó sinh, tăng nguy cơ xuất huyết sau sinh và nhiễm trùng.
Trẻ em: Trẻ nhỏ nên hạn chế ăn vải do hệ tiêu hóa còn kém. Ăn nhiều vải có thể khiến các bé bị bệnh.
2 thời điểm không nên ăn vải
Ăn khi bụng rỗng: Vải tươi có chứa nhiều đường, khi bụng rỗng nếu ăn vải sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và gây đau dạ dày, đầy hơi. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều vải trong thời gian ngắn sẽ gây ra hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn.
Phụ nữ khi trước và trong kỳ “đèn đỏ”: Trong một vài ngày trước khi diễn ra chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường lo âu, trầm cảm, căng thẳng tinh thần do sự mất cân bằng hormone estrogen và progesterone. Do đó, khi đang trong giai đoạn này, chị em cần hạn chế ăn nhiều vải.